A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nâng cao chất lượng đào tạo cho gần 400 giảng viên ngành thương mại điện tử toàn quốc

Tiếp nối thành công của Hội thảo được tổ chức ngày 18/9 tại TP. HCM, ngày 20/9, “Hội thảo nâng cao chất lượng đào tạo và thực hành nghề nghiệp cho sinh viên ngành thương mại điện tử” được tổ chức tại Hà Nội.

Hội thảo tổ chức gày 20/9 tại Trường Đại học Ngoại thương

Hội thảo có sự tham dự của TS. Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (TMĐT và KTS), Bộ Công Thương; ông Bùi Trung Kiên, Phó Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam; PGS. TS. Lê Thái Phong, Trưởng Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Ngoại thương; cùng các đại biểu đến từ Cục TMĐT và KTS, Hiệp hội TMĐT Việt Nam, trường Đại học Ngoại thương và gần 200 giảng viên đến từ các trường đại học, cao đẳng toàn quốc.

TS Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục TMĐT và KTS

Phát biểu tại Hội thảo, TS Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục TMĐT và KTS (iDEA) cho rằng, trong nhiều năm qua, nguồn nhân lực cho TMĐT, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao luôn là vấn đề lớn gây cản trở cho quá trình phát triển TMĐT tại Việt Nam. Đây là lĩnh vực cần có kiến thức rộng trong nhiu lĩnh vực như kinh tế, công nghệ thông tin, quản trị và ngoại ngữ… nên đòi hỏi thời gian đào tạo dài; các lớp ngắn hạn và dạy nghề chỉ giải quyết tạm thời trong thời điểm thiếu nhân lực.

Do vậy, đào tạo chính quy dài hạn tại các cơ sở giáo dục đại học trở thành giải pháp căn cơ cho nguồn nhân lực chất lượng cao của TMĐT trong tương lai.

Những năm gần đây, tại các cơ sở giáo dục, TMĐT là một trong những ngành học mang tính xu hướng, mang đến cơ hội việc làm rộng mở và đa dạng, với mức lương hấp dẫn, cùng môi trường làm việc năng động.  

Phó Cục trưởng Cục TMĐT và KTS Lại Việt Anh phát biểu tại Hội thảo ngày 18/9

Theo Báo cáo đào tạo TMĐT hợp tác và kết nối của Hiệp hội TMĐT Việt Nam, năm 2023, không tính tới các trường đã đào tạo ngành thương mại điện tử, có 89 trong tổng số 238 trường đại học không thuộc khối an ninh - quốc phòng và đặc thù (chiếm 37% số trường tham gia khảo sát) đã đào tạo học phần thương mại điện tử.

Lãnh đạo Cục TMĐT và KTS, Hiệp hội TMĐT Việt Nam chụp ảnh lưu niệm cùng giảng viên các trường đại học, cao đẳng tại Hà Nội

Các trường đào tạo học phần thương mại điện tử ngày càng đa dạng, không chỉ bao gồm các trường trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, quản trị kinh doanh, tài chính mà đã xuất hiện các trường trong lĩnh vực lâm nghiệp, mỹ thuật, văn hoá…).

Cũng tại Báo cáo, thống kê từ 34 trường đại học cho thấy số sinh viên học ngành thương mại điện tử tăng lên nhanh chóng. Tổng số sinh viên ngành TMĐT năm học 2023 gấp 2,5 lần so với năm học 2020, sinh viên tốt nghiệp ngành TMĐT năm học 2021 là 880, năm 2022 là 1.196 và năm 2023 là 1.327 sinh viên.

Xu hướng rõ ràng nhất là điểm chuẩn vào ngành thương mại điện tử ngày càng tăng. Theo thống kê, 62% trường có điểm chuẩn tăng dần, 20% không đổi và 18% chưa rõ xu hướng tăng hay giảm điều đó chứng tỏ TMĐT dần khẳng định được vai trò quan trọng và đào tạo về TMĐT ngày càng được quan tâm.  

Lãnh đạo Cục TMĐT và KTS, Hiệp hội TMĐT Việt Nam chụp ảnh lưu niệm cùng giảng viên các trường đại học, cao đẳng tại TP. HCM

Theo Đề án tuyển sinh năm 2024 của một số trường đại học, cao đẳng, ngành TMĐT thuộc hệ đào tạo chính quy. Hiện nhiều trường đã tăng chỉ tiêu, tuyển sinh từ 200 - 300 sinh viên. Điều đó phần nào cho thấy sự quan tâm, đầu tư của các trường đại học, cao đẳng nhằm đáp ứng nhu cầu rất lớn từ xã hội đối với nguồn nhân lực TMĐT hiện nay.

Cục trưởng Lê Hoàng Oanh khẳng định, công tác đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực TMĐT không chỉ dành cho đối tượng sinh viên tại các trường đại học mà còn cần quan tâm đến đối tượng giảng viên ngành TMĐT. Vì vậy, năm 2023, Cục TMĐT và KTS đã phối hợp cùng Hiệp hội TMĐT Việt Nam lần đầu tiên tổ chức Chương trình tập huấn về TMĐT và KTS, gồm 03 buổi, tại Hà Nội, TP. HCM và Đà Nẵng, dành cho giảng viên đến từ các trường đại học đào tạo về TMĐT trong cả nước.

Phó Cục trưởng Lại Việt Anh chụp ảnh lưu niệm cùng Đại diện Hiệp hội TMĐT Việt Nam và doanh nghiệp

Năm 2024, tiếp tục hiện thực hoá những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Kế hoạch tổng thể Phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 và Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Cục TMĐT và KTS phối hợp cùng Hiệp hội TMĐT Việt Nam tổ chức 02 “Hội thảo nâng cao chất lượng đào tạo và thực hành nghề nghiệp cho sinh viên ngành thương mại điện tử” với sự tham gia của gần 400 giảng viên các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc.

Theo đó, các hội thảo này sẽ hướng tới mục tiêu “Đào tạo kiến thức, kỹ năng thương mại điện tử cho giáo viên các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp, phát triển mạng lưới giảng viên, chuyên gia có kinh nghiệm về giảng dạy, truyền đạt kiến thức, kỹ năng về thương mại điện tử”; đồng thời, “Tăng cường hàm lượng thực hành trong đào tạo các chuyên ngành công nghệ số, kinh tế số, xã hội số, đưa các nền tảng số, công nghệ số, đặc biệt là các nền tảng số của Việt Nam, công nghệ mở vào giới thiệu trong các chương trình đào tạo để sinh viên có điều kiện thực hành và tiếp cận thực tế”.

Tại Hội thảo, các diễn giả tập trung chia sẻ về sự phát triển của TMĐT và những xu hướng ứng dụng trong doanh nghiệp hiện nay; đồng thời, từ những vấn đề thực tiễn tại các trường đại học, cao đẳng để trao đổi về định hướng đào tạo TMĐT và KTS trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm Phát triển TMĐT chia sẻ tại Tọa đàm

Theo đó, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm Phát triển TMĐT (Cục TMĐT và KTS) - một trong những đơn vị đi đầu về đào tạo TMĐT tại Việt Nam hiện nay, cho biết về hoạt động đào tạo TMĐT trong nước, từ tháng 8/2019, Bộ Công Thương (Cục TMĐT và KTS) ký với Google cung cấp các khóa đào tạo kỹ năng số; Phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, Hiệp hội TMĐT Việt Nam, Shopee, TikTok, Lazada, Viettel Post, VN Post, Vnpay… và các cơ sở đào tạo tổ chức khoảng 70 khóa đào tạo, tập huấn về TMĐT cho khoảng 15.000 học viên/năm. Về TMĐT xuyên biên giới, iDEA ký với Amazon Global Selling, Alibaba… để nâng cao nguồn nhân lực TMĐT xuyên biên giới cho khoảng 3.000 doanh nghiệp mỗi năm.

Ông Nguyễn Thanh Hưng – Thành viên Hội đồng tư vấn cấp cao về TMĐT, Hiệp hội TMĐT Việt Nam

Liên quan đến mục tiêu phát triển TMĐT bền vững, ông Nguyễn Thanh Hưng - Thành viên Hội đồng tư vấn cấp cao về TMĐT, Hiệp hội TMĐT Việt Nam khuyến khích doanh nghiệp chú trọng đến trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường. Theo ông Nguyễn Thanh Hưng, để phát triển TMĐT bền vững, cần có khung pháp lý rõ ràng, hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ luật pháp và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đại diện Hiệp hội TMĐT Việt Nam kêu gọi sự hợp tác giữa các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp để xây dựng một hệ sinh thái TMĐT an toàn và hiệu quả.

Bà Nguyễn Lê Ly Na - Quản lý bộ phận Seller Engarement Shopee Việt Nam

Phát biểu tại Hội thảo, bà Nguyễn Lê Ly Na - Quản lý bộ phận Seller Engarement Shopee Việt Nam nhấn mạnh, không chỉ tạo ra một nền tảng TMĐT với trải nghiệm mua sắm an toàn và thú vị, thu hút hàng triệu khách hàng mỗi ngày, Shopee còn đóng góp tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế số trong khu vực. Đặc biệt, Shopee luôn tích cực kết nối với các trường đại học và Cục TMĐT và KTS để hỗ trợ đào tạo, nâng cao kỹ năng cho các doanh nhân trẻ và sinh viên. Bà Nguyễn Lê Ly Na tin tưởng, việc hợp tác này sẽ góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời thúc đẩy sự đổi mới và sáng tạo trong lĩnh vực TMĐT tại Việt Nam thời gian tới.

Tại phiên thảo luận, đại diện các đơn vị cùng kiến nghị Chính phủ: Quan tâm, cấp kinh phí thông qua các chương trình, đề án đào tạo đội ngũ chuyên gia đầu ngành có đủ năng lực cùng nhau xây dựng hệ thống thiết chế quản lý chuyên ngành và xây dựng khung chương trình đào tạo nguồn nhân lực số bắt kịp xu hướng phát triển hiện nay; Ban hành cơ chế đặc thù cho phép một vài cơ sở đào tạo chuyên ngành được mở chương trình đào tạo sau đại học; Xây dựng bộ tiêu chí, tổ chức thi sát hạch và cấp chứng chỉ hành nghề tư vấn hoạt động kinh tế số nói chung và TMĐT nói riêng; Liên kết, chia sẻ dữ liệu học mở, dữ liệu việc làm giữa các cơ quan từ trung ương tới các cơ sở đạo tạo chuyên ngành trên toàn quốc…

Kết thúc khóa đào tạo, gần 400 giảng viên tại TP. HCM và Hà Nội đã được nhận chứng chỉ tham gia Chương trình.


Nguồn:Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Copy link

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website