A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hướng dẫn sử dụng điện hiệu quả và an toàn mùa mưa bão khu vực miền Trung - Tây nguyên

Miền Trung - Tây nguyên đang vào mùa mưa bão, theo báo cáo của EVN, bão số 5 gây mưa lớn, ngập lụt trên diện rộng. Cả khu vực miền Trung có 850.000 hộ khách hàng sử dụng điện bị mất điện, tương đương 21% tổng số khách hàng. Trước đó, bão số 4 (đổ bộ sáng 28/9) gây 29 sự cố lưới điện truyền tải từ cấp điện áp 110kV- 500kV; gây mất điện 1,7 triệu hộ khách hàng, chiếm 42% tổng số khách hàng sử dụng điện của Tổng công ty Điện lực miền Trung.

Trước tình hình đó, Tổng công ty Điện lực Miền trung đã đưa ra một số lưu ý nhằm hướng dẫn sử dụng điện hiệu quả và an toàn tới người dân. 

Nên:

1. Kiểm tra hệ thống điện trong gia đình trước mùa mưa bão, khắc phục ngay các khiếm khuyết của hệ thống điện có nguy cơ gây sự cố.

2. Lắp thêm cầu dao chống giật, để nếu có bị chạm điện thì thiết bị này sẽ tự động cắt nguồn điện, ngăn ngừa tai nạn điện. 

3. Dây nhánh sau công tơ điện phải được lắp song song hai dây, cao hơn đầu người; chọn dây phù hợp công suất, bề mặt cách điện của dây dẫn tốt, chịu được lực căng. Dây đảm bảo chắc chắn khi có mưa giông, gió lốc không bị gió đánh rơi xuống đất hoặc đứt dây. 

4. Lắp đặt đường dây dẫn điện, ổ cắm điện, thiết bị sử dụng điện trong nhà ở vị trí cao hơn mức nước thường ngập lụt, ẩm ướt. Lắp thiết bị đóng, cắt điện có tính năng chống rò điện.

5. Chằng néo mái nhà, đảm bảo khi xảy ra giông, bão không bay mái tôn vào đường dây gây sự cố lưới điện và nguy cơ xảy ra tai nạn điện. 

6. Ngắt nguồn điện (cúp cầu dao) nếu nhà bị ngập nước hoặc bị mưa làm ướt sàn.

7. Cắt nguồn điện cung cấp cho các thiết bị sử dụng điện lắp đặt ngoài trời (bảng hiệu, bảng quảng cáo…) khi trời mưa to, gió lớn.

8. Chặt tỉa cây cối, dọn dẹp bảo vệ hành lang an toàn lưới điện. 

Không nên:

1. Không đứng gần cột điện khi trời mưa hoặc lúc có giông sét.

2. Không tự ý leo lên cột điện hoặc vượt qua hàng rào trạm điện, chạm người vào các thiết bị điện, dây chằng néo cột, dây nối đất, hộp công tơ, hộp cầu dao… để đề phòng điện giật do rò điện.

3. Không được tự ý tháo dỡ, sửa chữa các kết cấu của công trình điện.

4. Không di chuyển, đi lại bằng tàu, thuyền, bè v.v... trong vùng ngập lụt có đường dây điện sát với mặt nước để tránh bị phóng điện gây tai nạn. Không buộc gia súc và thuyền bè vào cột điện để đề phòng cột bị gãy đổ và bị điện giật.

5. Không mang vác, lắp dựng cây, cột bằng kim loại, cột ăng ten tivi, cây tre gỗ tươi gần đường dây điện lúc mưa to, gió lớn để tránh va chạm gây nên phóng điện dẫn đến tai nạn.

6. Không dùng điện để rà cá, bẫy chim chuột, chống trộm cắp… gây nguy hiểm đến tính mạng con người.

7. Khi thấy cột điện đổ hoặc dây điện đứt, rơi xuống đất, người dân không được đến gần, cầm, nắm vào dây điện và phải ngăn ngừa không cho người khác (kể cả súc vật) đến gần hơn 10m; đồng thời nhanh chóng báo ngay cho đơn vị quản lý điện hoặc Tổng đài 19001909 hoặc chính quyền địa phương gần nhất biết để có biện pháp xử lý.

8. Khi có thiên tai xảy ra, khách hàng phải cắt các cầu dao, cầu chì, aptomat v.v… đầu nguồn điện vào nhà, tránh hiện tượng rò điện gây tai nạn. Khi thiên tai giảm nhẹ phải kiểm tra lại toàn bộ hệ thống dây dẫn và thiết bị điện trong nhà để khắc phục đứt dây hay xước hỏng mới đóng lại cầu dao, aptomat đầu nguồn.

9. Khi mất điện lưới, các khách hàng có sử dụng máy phát điện riêng của gia đình phục vụ nhu cầu của mình cần chú ý phải cắt cầu dao, aptomat, cầu chì… nhằm tách khỏi lưới điện chung của khu vực, tránh hiện tượng điện phát ngược lên lưới.

10. Khi cần chặt cây gần đường dây điện khi thấy có nguy cơ cây ngã đổ vào đường dây gây phóng điện làm nguy hiểm đến tài sản, tính mạng, người dân phải liên hệ phối hợp với Điện lực để có biện pháp an toàn hữu hiệu, không tự ý thực hiện.

11. Khi có người bị điện giật, phải hô to gọi mọi người đến cứu giúp. Cần khẩn trương sử dụng biện pháp phù hợp để tách nạn nhân khỏi nguồn điện và nhanh chóng sơ cấp cứu người bị nạn, đồng thời gọi số điện thoại 115 và báo cho cơ sở y tế gần nhất để kịp thời cứu chữa.

Theo báo cáo của EVN, đến trưa ngày 18/10, toàn bộ việc khắc phục sau bão cho các địa phương miền Trung như: khôi phục lưới điện truyền tải và các phụ tải quan trọng;  khôi phục điện tại các trung tâm thành phố, thị xã, thị trấn với các khu vực bị cách ly, ngập nước, giao thông chia cắt đã được thực hiện xong. Trước và sau cơn bão số 5, các hồ thủy điện miền Trung và Tây Nguyên đều vận hành an toàn, thực hiện nghiêm các yêu cầu điều tiết xả tràn theo các Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiến cứu nạn các tỉnh.

 


Tác giả: Linh Lê

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website