Tái cơ cấu thị trường trong nước: Xác định thương mại số, thương mại điện tử là động lực tăng trưởng quan trọng của kinh tế số
Một trong những điểm nhấn quan trọng của định hướng tái cơ cấu thị trường trong nước trong nền kinh tế số chính là xác định rõ thương mại số, thương mại điện tử là động lực tăng trưởng.
Theo báo cáo thống kê của Bộ Công Thương, 9 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao nhất kể từ đầu năm đến nay, là kết quả đáng ghi nhận của sự nỗ lực, phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp để thúc đẩy thị trường trong nước phát triển ổn định, bền vững. Để hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch năm 2024 cũng như những năm tiếp theo, trong đó có nhiệm vụ của thị trường trong nước, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phát triển mạnh thương mại nội địa để khai thác có hiệu quả thị trường trong nước. Cùng đó, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân, nhất là trong các dịp cao điểm lễ, Tết, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.
Theo Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, mục tiêu được đặt ra là Việt Nam sẽ phát triển thương mại trong nước hiện đại, văn minh, tăng trưởng nhanh và bền vững, là bệ đỡ, điểm tựa vững chắc cho sản xuất trong nước ngày càng đổi mới, phát triển; xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt Nam, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh trong nước và của nền kinh tế, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về phát triển kinh tế - xã hội, tạo tiền đề vững chắc để tham gia hội nhập sâu hơn vào kinh tế khu vực và thế giới.
Một trong những giải pháp hiệu quả trong suốt thời gian dài vừa qua là hiệu ứng lan tỏa tích cực của Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Cuộc vận động là một chương trình mang tầm quốc gia, được phát động từ năm 2009 đến nay, với mục tiêu khuyến khích người tiêu dùng Việt Nam lựa chọn và ủng hộ các sản phẩm, dịch vụ do các doanh nghiệp Việt sản xuất và cung cấp. Đây là một phần trong chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng Việt và góp phần xây dựng nền kinh tế tự chủ.
Và quan trọng, để đạt được mục tiêu đề ra trong Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, cần tái cơ cấu thị trường trong nước, điều chỉnh, sắp xếp lại các yếu tố và cấu trúc của thị trường trong nền kinh tế nội địa nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm thiểu những bất cập, tối ưu hóa khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước. Mục tiêu của việc tái cơ cấu thị trường trong nước nhằm tạo ra một thị trường linh hoạt, bền vững và có khả năng đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng nội địa, đồng thời đủ sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
9 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước (Ảnh minh họa)
Theo Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến 2030, mục tiêu tái cơ cấu thị trường trong nước xác định phát triển nhanh, bền vững thị trường trong nước kết nối liền mạch với thị trường xuất nhập khẩu. Phát huy thế mạnh của thị trường trong nước để củng cố nội lực là yếu tố quyết định gắn với mở rộng thị trường bên ngoài, trong đó, xác định thương mại số, thương mại điện tử là động lực tăng trưởng quan trọng của kinh tế số. Đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, chú trọng phát triển xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới, hệ thống phân phối nước ngoài và đẩy mạnh phát triển thương hiệu hàng Việt Nam, gia tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa có hàm lượng chế biến sâu, công nghệ cao và tỷ lệ nội địa hóa lớn.... Thực hiện chuyển dịch mạnh mẽ hệ thống phân phối sang các loại hình phân phối hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa hệ thống phân phối ở vùng nông thôn, miền núi; Phát triển thương mại điện tử thành một kênh phân phối quan trọng, hỗ trợ tích cực trong tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa nông sản, hàng công nghiệp tiêu dùng; phát triển các trung tâm tiêu dùng mới. Số hóa các hoạt động xúc tiến thương mại.
Như vậy, một trong những điểm nhấn quan trọng của định hướng tái cơ cấu thị trường trong nước trong nền kinh tế số chính là xác định rõ thương mại số, thương mại điện tử là động lực tăng trưởng.
Có thể thấy, không chỉ riêng Việt Nam, thương mại số và thương mại điện tử đang ngày càng trở thành động lực chính cho tăng trưởng kinh tế ở nhiều quốc gia trên thế giới. Nhờ vào sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, đặc biệt là internet và các nền tảng kỹ thuật số, các doanh nghiệp và người tiêu dùng có thể tiếp cận sản phẩm, dịch vụ và thông tin một cách nhanh chóng, tiện lợi hơn bao giờ hết.
Thương mại điện tử tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong những năm gần đây khi hành vi tiêu dùng trực tuyến ngày càng phổ biến và số lượng người dùng internet tăng cao. Việt Nam hiện là một trong những thị trường TMĐT phát triển nhanh nhất ở khu vực Đông Nam Á.
Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Lê Hoàng Oanh cho biết, trong bối cảnh thị trường toàn cầu biến động không ngừng, khả năng linh hoạt và sẵn sàng chuyển đổi là chìa khóa cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Thương mại điện tử đã và đang trở thành động lực chủ chốt trong nền kinh tế số, với tốc độ tăng trưởng ấn tượng 25% trong năm 2023 và dự kiến sẽ chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ vào năm 2025.
Cùng với sự phát triển của thương mại số, tái cơ cấu thị trường trong nước xác định cần phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa trong nước để kết nối giữa sản xuất với thị trường, thực hiện nhất quán quản lý chất lượng hàng hóa lưu thông trong nước bằng các quy định, tiêu chuẩn phù hợp với thông lệ quốc tế. Ưu tiên phát triển chuỗi cung ứng các mặt hàng nông sản, thực phẩm.
Thương mại số, thương mại điện tử là động lực tăng trưởng quan trọng của kinh tế số
Các yếu tố chính trong quá trình tái cơ cấu thị trường nội địa tập trung vào:
Cấu trúc ngành và sản phẩm: Điều chỉnh các ngành công nghiệp và sản phẩm trọng yếu, thúc đẩy những ngành có lợi thế cạnh tranh và giảm bớt phụ thuộc vào các ngành không hiệu quả.
Cải thiện năng suất và chất lượng: Tăng cường hiệu quả sản xuất và chất lượng hàng hóa để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, từ đó giảm nhập khẩu và thúc đẩy tiêu dùng trong nước.
Đa dạng hóa thị trường và chuỗi cung ứng: Phát triển thêm các kênh phân phối và các đối tác cung ứng nhằm tăng tính ổn định và giảm rủi ro khi thị trường biến động.
Phát triển doanh nghiệp nội địa: Hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua các chính sách hỗ trợ tài chính, đầu tư vào công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Xây dựng khung pháp lý và chính sách: Điều chỉnh các chính sách pháp luật, cải thiện môi trường kinh doanh, và loại bỏ các rào cản pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.