A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

9 tháng năm 2024: Tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam - Anh tăng khá

Theo thống kê của hải quan Việt Nam, 9 tháng năm 2024, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 6,2 tỷ USD, tăng 18,8% so cùng kỳ năm 2023. Trong đó, giá trị xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Anh đạt hơn 5,6 tỷ USD, tăng 21,1 % so cùng kỳ năm 2023; giá trị nhập khẩu hàng hóa từ Anh vào Việt Nam đạt hơn 594 triệu USD,  tăng 1% so 9 tháng 2023.

Tất cả các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều tăng khá, dẫn đầu là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 119,4%;  cao su +114,6%; rau quả 49,2%; Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng 45%; bánh kẹo ngũ cốc 43,1%;  Phương tiện vận tải và phụ tùng: 22,8%, cà phê 29%; Giày dép các loại 25,3%; Sản phẩm từ sắt thép 32,1%, Gỗ và sản phẩm gỗ 17%, giấy và các sản phẩm từ giấy 20%.

Những mặt hàng xuất khẩu có tỷ trọng kim ngạch lớn nhất lần lượt là: Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác 18,2%; Điện thoại các loại và linh kiện 16,9%; Giày dép các loại  12,7%; Hàng dệt, may 10%; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 10%; Hàng thủy sản 4,2%; sắt thép các loại 3%, Gỗ và sản phẩm gỗ 2,9%, cà phê 1,8%.

Chiều ngược lại, giá trị nhập khẩu hàng hóa từ Anh vào Việt Nam đạt hơn 594 triệu USD,  tăng 1% so 9 tháng 2023.

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh và Bắc Ailen (Hiệp định UKVFTA) có hiệu lực tạm thời từ ngày 01/01/2021 và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/5/2021.

Sau hơn 3 năm thực thi, những kết quả tích cực mà Hiệp định UKVFTA mang lại đối với hoạt động thương mại, đầu tư giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Vương quốc Anh đã được khẳng định.

Theo ông Vũ Việt Thành, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương, trong 3 năm thực thi Hiệp định, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước tăng trưởng trung bình 8,9%/năm. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh tăng trưởng trung bình 9,4%/năm. Mức tăng này cao hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng chung của xuất khẩu Việt Nam.

UKVFTA đã trở thành cầu nối đưa hàng hoá thế mạnh của Việt Nam sang thị trường Anh, giúp gia tăng kim ngạch thương mại song phương. Đặc biệt, sự hiện diện các thương hiệu hàng hoá Việt Nam khác nhau theo nhóm mặt hàng, đạt từ 12% - 19%. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là dệt may, da giày, các loại cơ khí, thuỷ sản, trong đó hưởng lợi nhiều là dệt may, da giày, nông thuỷ sản. Tỷ lệ tận dụng C/O ưu đãi theo mẫu của hiệp định này hiện nay ở mức trên 30%, nghĩa là tăng trưởng ổn định dần đều qua các năm.

Với lộ trình cắt giảm thuế quan của UKVFTA, hàng hóa Việt Nam đang dần có ưu thế nổi trội so với sản phẩm cùng lại từ các quốc gia khác chưa có FTA với Anh.


Tác giả: Phương Anh

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website