Một số đối thủ cạnh tranh chính của mặt hàng hạt điều tại thị trường Anh
Tại thị trường Vương quốc Anh, ngành hạt điều Việt Nam mặc dù luôn chiếm vị trí dẫn đầu về cả sản lượng và kim ngạch xuất khẩu qua nhiều năm, tuy nhiên Việt Nam đang phải chịu sức ép ngày càng tăng từ một số quốc gia châu Phi, Ấn Độ và hạt điều chế biến từ một số quốc gia thuộc EU.
Trong UKVFTA, Vương quốc Anh cam kết xóa bỏ ngay thuế quan đối với mặt hàng hạt điều tươi của Việt Nam, bao gồm: hạt điều tươi hoặc khô, đã hoặc chưa bóc vỏ (HS 08013100, 08013200). Bên cạnh đó, các sản phẩm hạt đã chế biến, trong đó có hạt điều nhập khẩu từ Việt Nam (mã HS 200819) cũng được Vương quốc Anh cam kết xóa bỏ hoàn toàn thuế quan kể từ khi Hiệp định chính thức có hiệu lực.
Trong khi đó, trong cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Anh, hạt điều luôn là một trong những ngành hàng chủ lực, đóng góp không nhỏ vào quy mô xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường bạn. Vì vậy, với những ưu đãi của Hiệp định UKVFTA mà mang laị, mặt hàng hạt điều có nhiều cơ hội mở rộng thị trường.
Tuy nhiên, việc Vương quốc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit), hàng loạt chính sách thương mại và quy định nhập khẩu của nước này có sự thay đổi, đòi hỏi doanh nghiệp cần nắm vững. Bên cạnh đó, những chuyển động không ngừng từ xu hướng tiêu dùng, thị hiếu, kênh phân phối tại thị trường, cũng như của các đối thủ cạnh tranh chính mặt hàng hạt điều của Việt Nam tại thị trường này.
Theo Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, một số đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam tại thị trường Anh như Ấn Độ, Bờ Biển Ngà, Burkina Faso, ngành hạt điều chế biến của CHLB Đức và Hà Lan.
Với Ấn Độ, đây là nước xuất khẩu hạt điều lớn, chiếm hơn 15% thị phần xuất khẩu của thế giới. Xuất khẩu hạt điều của Ấn Độ sang thị trường Vương quốc Anh có xu hướng giảm mạnh trong những năm trở lại đây. Hiện thị phần hạt điều của Ấn Độ tại Vương quốc Anh chỉ chiếm tỉ lệ tương đối nhỏ khi chiếm 2,2% về lượng và 3,1% về trị giá trong tổng nhập khẩu năm 2022 tại Anh. Mặc dù vậy, giá nhập khẩu hạt điều từ Ấn Độ lại cao hơn giá nhập khẩu từ Việt Nam, thậm chí cao hơn giá trung bình nhập khẩu từ thế giới.
Trong khi đó, Bờ Biển Ngà là nước sản xuất hạt điều thô, nguyên vỏ số một thế giới. Hiện nay, xu hướng nhiều công ty chế biến tại Vương quốc Anh xây dựng vùng trồng, cung cấp công nghệ và kĩ thuật canh tác trực tiếp cho nông hộ sản xuất hạt điều tại Bờ Biển Ngà nói chung và một số quốc gia châu Phi khác nói riêng tạo ra áp lực cạnh tranh nhất định cho ngành hạt điều Việt Nam, không những tại thị trường Anh mà còn các thị trường tiêu thụ chất lượng cao tại EU nói chung trong thời gian tới. Lượng và trị giá xuất khẩu hạt điều từ Bờ Biển Ngà hiện chiếm tỉ lệ nhỏ tại thị trường Vương quốc Anh, khi lượng xuất khẩu hàng năm chiếm khoảng 200 tấn, với trị giá hơn 1 triệu USD vào thị trường, tức là chỉ chiếm dưới 1% dung lượng thị phần tại Anh.
Tương tự như Bờ Biển Ngà, thị phần của hạt điều từ Burkina Faso rất nhỏ, chiếm dưới 1% dung lượng thị trường và có sự biến thiên phụ thuộc nhiều vào nhu cầu nhập khẩu từ một số thương nhân trực tiếp đầu tư công nghệ và vùng trồng tại quốc gia này.
Theo đánh giá của Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, các quốc gia sản xuất hạt điều thô từ châu Phi và Ấn Độ hiện nay không phải là đối thủ cạnh tranh lớn với Việt Nam, có khả năng thay đổi thị phần trong trung hạn tại thị trường hạt điều ở Vương quốc Anh. Ngoài lượng và trị giá xuất khẩu thấp, kim ngạch nhập khẩu hàng năm vào thị trường Anh từ các nước này không ổn định, thường phụ thuộc vào thương nhân hoặc nhà đầu tư trực tiếp tại nước đó. Tuy nhiên, xu hướng từ Nông trại đến Bàn ăn (Farm to Fork), Thương mại công bằng (Fair Trade) đặt ra viễn cảnh ngày càng nhiều doanh nghiệp tại Vương quốc Anh nói riêng và châu Âu nói chung mong muốn tối ưu hóa chuỗi sản xuất, giảm bớt các khâu trung gian, qua đó đầu tư vùng nguyên liệu, chuyển giao khoa học công nghệ và nhập khẩu trực tiếp hạt điều thô từ châu Phi vào Vương quốc Anh để gia công, chế biến. Về ngắn hạn, xu hướng này chưa thể ảnh hưởng trực tiếp đến vị thế của ngành điều Việt Nam tại thị trường, tuy nhiên cũng cần thấy rõ phần nào nguy cơ cho nhiều doanh nghiệp bị loại bỏ khỏi chuỗi cung ứng nếu không có sự chuyển đổi theo hướng phát triển xanh, bền vững.