A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đầu tư trực tiếp từ Anh vào Việt Nam tăng kể từ khi có UKVFTA

Bên cạnh thương mại, UKVFTA đã tạo ra những chuyển biến trong bức tranh đầu tư của Anh vào Việt Nam.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Vương quốc Anh chính thức có hiệu lực từ 1/5/2021. Với Hiệp định này, 99% thuế xuất nhập khẩu sẽ được xóa bỏ sau khi kết thúc lộ trình cắt giảm thuế quan, bao gồm thuế đối với máy móc thiết bị và dụng cụ cơ khí-các sản phẩm đứng đầu trong danh mục hàng hóa Anh xuất khẩu sang Việt Nam và dược phẩm - đứng thứ hai trong danh mục xuất khẩu. Đây cũng là những nhóm sản phẩm mà Việt Nam cần nhập khẩu.

Hiện nay, đầu tư trực tiếp từ Vương quốc Anh vào Việt Nam tăng khá. Năm 2021, năm đầu tiên thực hiện UKVFTA, Vương quốc Anh có 434 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 3,98 tỷ USD.

Tính đến ngày 20/10/2023, Vương quốc Anh có 550 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 4,28 tỷ USD, đứng thứ 15 trong số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam.

Trong 8 tháng năm 2023, Vương quốc Anh có tổng cộng 43 dự án đầu tư cấp mới tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 58,6 triệu USD. Các dự án đầu tư của Vương quốc Anh tại Việt Nam khá đa dạng, trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo, công nghiệp, xử lý môi trường đến tài chính ngân hàng, kinh doanh bất động sản, bán lẻ, giáo dục, y tế…

Bên cạnh đó, các tổ chức tài chính của Anh đặc biệt quan tâm hỗ trợ Việt Nam bằng tài chính xanh (ví dụ như trái phiếu xanh), và loại tài chính này sẽ rất quan trọng để Việt Nam có thể đáp ứng cam kết về mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Hay trong lĩnh vực năng lượng, Việt Nam và Vương quốc Anh tiếp tục cho thấy tiềm năng hợp tác rất lớn trong quá trình chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam; đặc biệt sau khi Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) được phê duyệt với không gian rộng lớn dành cho năng lượng tái tạo và việc hai nước đang có những bước đi cụ thể trong việc thực hiện Thỏa thuận Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP).

Trước đó, trong chuyến thăm Việt Nam của Quốc vụ Khanh Graham Stuart vào đầu tháng 8, ông đã có các cuộc gặp gỡ đại diện của Chính phủ Việt Nam ở cấp trung ương và địa phương để thúc đẩy hợp tác về phát thải ròng bằng 0. 

Tại buổi gặp Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Quốc vụ khanh Graham Stuart đã chia sẻ kinh nghiệm triển khai năng lượng sạch, kết quả chuyển đổi các nguồn điện sử dụng than, nhiên liệu hóa thạch ở Anh từ năm 2012 sang các nguồn năng lượng tái tạo. Từ một nước có nguồn điện than chiếm 40% trong tổng nguồn cung năng lượng (năm 2012), đến 2020 tỷ lệ này ở Anh chỉ còn trên 2% và dự kiến năm 2024, toàn bộ các nhà máy nhiệt điện than ở Anh sẽ dừng hoạt động. Ngược lại, tỷ trọng điện từ năng lượng tái tạo của Anh tăng từ 10% (năm 2010) lên 40% tổng lượng điện sản xuất vào năm 2023 và sẽ tiếp tục tăng mạnh hơn nữa trong những năm tới.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng mong muốn Vương quốc Anh chia sẻ kinh nghiệm xây dựng các chính sách, tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư bảo đảm lợi ích tổng thể tốt nhất, cơ chế mua, bán điện trực tiếp từ nguồn năng lượng tái tạo…

Trong các cuộc làm việc, Quốc vụ khanh tái khẳng định việc nước này sẵn sàng tiếp tục cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, chuyên môn, quan hệ đối tác và thiết lập chương trình chuyển dịch năng lượng và biến đổi khí hậu cho Việt Nam. Trong đó có thể kể đến Vương quốc Anh là một trong những đại diện của nhóm đối tác quốc tế hỗ trợ Chương trình Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) tại Việt Nam.

Ông Graham Stuart cũng tới thăm các nhà máy Điện mặt trời Mũi Né và Điện gió Mũi Né ở tỉnh Bình Thuận, bao gồm một dự án 80MW năng lượng tái tạo do doanh nghiệp Anh đầu tư. Ông lắng nghe ý kiến của các nhà phát triển dự án, nhà đầu tư và lãnh đạo địa phương về bối cảnh phát triển dự án xanh hiện nay ở Việt Nam, cũng như cách để dỡ bỏ những rào cản phát triển của lĩnh vực này.

Cũng nhân dịp này, Quốc vụ khanh Graham Stuart đã chứng kiến lễ ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Crossrail International và Ban quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội về chuyển đổi số, đồng thời sẽ tham dự lễ khởi động giai đoạn II của Chương trình thúc đẩy tài chính khí hậu (Climate Finance Accelerator - CFA) tại Việt Nam.

Hay mới đây, vào đầu tháng 11, phái đoàn năng lượng Vương quốc Anh, gồm 14 doanh nghiệp Anh trong lĩnh vực công nghệ và dịch vụ năng lượng tái tạo, đã đến tiếp xúc và thảo luận cơ hội hợp tác với các đổi tác tiềm năng tại Việt Nam.

Điều này cho thấy, các nhà đầu tư Anh quan tâm tới lĩnh vực năng lượng tái tạo của Việt Nam.


Tác giả: Minh Tuệ

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website