Kim ngạch xuất khẩu sang các nước thành viên CPTPP tăng khá trong 5 tháng năm 2022
Theo Bộ Công Thương, trong 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam với các nước thành viên Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đạt khoảng 19,5 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2021 (tổng kim ngạch xuất khẩu sang khối thị trường này 5 tháng năm 2021 đạt 18,08 tỷ USD).
Dệt may là 1 trong những mặt hàng xuất khẩu tiêu biểu của Việt Nam sang các nước thành viên CPTPP
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ các nước thành viên CPTPP đạt khoảng 21,3 tỷ USD.
Về thị trường xuất khẩu, trong 5 tháng năm 2022, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản cao nhất trong các nước thành viên CPTPP, với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 9,3 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang một số đối tác truyền thống khác cụ thể như sau: xuất khẩu sang Malaysia đạt khoảng 2,4 tỷ USD, xuất khẩu sang Australia đạt khoảng 2,3 tỷ USD, xuất khẩu sang Singapore đạt khoảng 1,9 tỷ USD.
Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang một số nước thành viên chưa có FTA trước đó cũng đạt những kết quả tích cực như xuất khẩu của Việt Nam sang Canada đạt khoảng 2,6 tỷ USD, sang Mexico đạt khoảng 1,9 tỷ USD, sang Peru đạt khoảng 247 triệu USD.
Một số mặt hàng xuất khẩu tiêu biểu của Việt Nam sang các nước thành viên CPTPP là hàng dệt, may; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ từng khác; phương tiện vận tải và phụ tùng; điện thoại các loại và linh kiện;...
Về nhập khẩu, nhập khẩu của Việt Nam từ Nhật Bản đạt khoảng 9,8 tỷ USD, cũng đạt mức cao nhất trong các nước Tthành viên CPTPP. Đứng ở vị trí tiếp theo là nhập khẩu từ Malaysia đạt khoảng 4 tỷ USD, từ Australia đạt khoảng 3,8 tỷ USD, từ Singapore đạt khoảng 2 tỷ USD.
Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam sang một số nước thành viên chưa có FTA cụ thể như nhập khẩu của Việt Nam sang Canada đạt khoảng 258,1 triệu USD, sang Mexico đạt khoảng 352,4 triệu USD, sang Peru đạt 20,8 triệu USD.
Một số mặt mặt hàng nhập khẩu tiêu biểu của Việt Nam từ các nước thành viên CPTPP là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ từng khác; than các loại; xăng dầu các loại.
Hiện nay, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo Nghị định Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định CPTPP giai đoạn 2022-2027. Trong đó, dự thảo quy định rõ về Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi thực hiện Hiệp định CPTPP gồm mã hàng, mô tả hàng hóa, thuế suất cho giai đoạn 2022-2027, áp dụng đối với 603 dòng thuế. Thuế suất trung bình thuế xuất khẩu ưu đãi năm 2022 là 8,3%; năm 2023 là 7,9%; năm 2024 là 7,4%; năm 2025 là 7%; năm 2026 là 6,6%; năm 2027 là 3,6%. Thuế suất ban hành trong Nghị định được xây dựng trên nguyên tắc tuân thủ cam kết theo Lộ trình cắt giảm thuế quan của Việt Nam trong Hiệp định CPTPP.
Lộ trình cắt giảm thuế quan trong Biểu thuế ban hành được áp dụng cho từng năm, được áp dụng từ ngày 01/12/2022 đến hết ngày 31/12/2027.
Các mặt hàng không thuộc Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị định thì sẽ áp dụng thuế xuất khẩu ưu đãi 0% khi xuất khẩu sang lãnh thổ các nước là thành viên của Hiệp định CPTPP.
Hiệp định CPTPP có hiệu lực đối với 8 nước bao gồm Mexico, Australia, Canada, Nhật Bản, New Zealand, Singapore, Peru và Việt Nam. Theo quy định tại Điều 3 và Phụ lục 2D của Hiệp định CPTPP, Mexico áp dụng thuế suất theo lộ trình cắt giảm bắt đầu từ năm thứ nhất; các nước Australia, Canada, Nhật Bản, New Zealand, Singapore và Peru áp dụng thuế suất theo lộ trình cắt giảm bắt đầu từ năm thứ hai. Việc áp dụng hai lộ trình riêng cho hai nhóm nước như trên đảm bảo tuân thủ cam kết, đảm bảo lợi ích cho Việt Nam trên cơ sở thực hiện nguyên tắc có đi có lại.
Điều kiện áp dụng thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi theo Hiệp định CPTPP: Hiệp định CPTPP không có quy định cụ thể về các điều kiện để được hưởng thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi. Tuy nhiên, để đảm bảo kiểm soát được hàng hóa thực tế được nhập khẩu vào lãnh thổ các nước theo đúng đối tượng và tránh gian lận thương mại, dự thảo Nghị định quy định điều kiện áp dụng thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi là có chứng từ vận tải và tờ khai nhập khẩu thể hiện đích đến thuộc lãnh thổ các nước trên.
Ngoài ra, trong dự thảo cũng quy định rõ về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thực hiện Hiệp định CPTPP. Theo dự thảo, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt gồm mã hàng, mô tả hàng hóa, mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt, các mặt hàng áp dụng hạn ngạch thuế quan, áp dụng đối với 11.525 dòng thuế, trong đó có 205 dòng thuế được chi tiết theo cấp độ 10 số.
Về mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt: Thuế suất trung bình năm 2022 là 2,18 %, năm 2023 là 1,77%; năm 2024 là 1,36%; năm 2025 là 1,06%; năm 2026 là 0,74%; năm 2027 là 0,4%. Thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với mặt hàng xe ô tô đã qua sử dụng thuộc các nhóm 87.02, 87.03, 87.04 áp dụng hạn ngạch thuế quan. Thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với các mặt hàng thuộc các nhóm 04.07 (trứng gia cầm), 17.01 (đường), 24.01 (lá thuốc lá) và 25.01 (muối) áp dụng hạn ngạch thuế quan. Thuế suất áp dụng cho giai đoạn 2022-2027: Áp dụng nguyên tắc tương tự như đối với thuế xuất khẩu ưu đãi, theo đó: (i) Mexico áp dụng thuế suất theo lộ trình cắt giảm bắt đầu từ năm thứ nhất; (ii) Các nước Australia, Canada, Nhật Bản, New Zealand, Singapore và Peru áp dụng thuế suất theo lộ trình cắt giảm bắt đầu từ năm thứ hai. Đối với hàng hóa từ khu phi thuế quan của Việt Nam nhập khẩu vào thị trường trong nước, để đảm bảo lợi ích cho các doanh nghiệp trong khu phi thuế quan của Việt Nam, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng lộ trình bắt đầu từ năm thứ hai (như áp dụng đối với các nước Australia, Canada, Nhật Bản, New Zealand, Singapore và Peru).