Kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước
Với sự phục hồi của thị trường thế giới, các đơn hàng xuất khẩu gia tăng nên hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá trong 4 tháng đầu năm đã có những khởi sắc và đạt được những kết quả tích cực.
Trong tháng 4/2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 61,20 tỷ USD, mặc dù giảm 5,2% so với tháng trước nhưng tăng tới 15% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung bốn tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 238,88 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 15%; nhập khẩu tăng 15,4%. Cán cân thương mại tháng 4/2024 tiếp tục thặng dư khoảng 0,68 tỷ USD. Tính chung bốn tháng đầu năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 8,4 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 7,66 tỷ USD). Trong đó, xuất siêu sang Hoa Kỳ ước đạt 29,6 tỷ USD tăng 21,6% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU ước đạt 11,4 tỷ USD, tăng 16,7%; xuất siêu sang Nhật Bản ước đạt 209 triệu USD, giảm 41,8%. Phân theo khu vực kinh tế, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 8,24 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 16,64 tỷ USD.
Về xuất khẩu hàng hóa
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 4/2024 ước đạt 30,94 tỷ USD, giảm 8,1% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 8,73 tỷ USD, giảm 6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 22,21 tỷ USD, giảm 8,9%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 4/2024 tăng 10,6%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 11,8%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 10,1%.
Tính chung bốn tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 123,64 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 33,62 tỷ USD, tăng 21%, chiếm 27,2% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 90,02 tỷ USD, tăng 12,9%, chiếm 72,8%.
Trong 4 tháng đầu năm 2024 có 21 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 86,4% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 57,8%).
- Về xuất khẩu các nhóm hàng:
Trong 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu tăng trưởng mạnh và đồng đều ở cả 03 nhóm hàng, cụ thể:
+ Nhóm hàng nông sản kéo dài đà tăng trưởng từ năm 2023 đến nay, tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này ước đạt 11,98 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 9,69% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Do giá xuất khẩu tăng nên hầu hết các mặt hàng trong nhóm này đạt tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cao ở mức hai con số so với cùng kỳ năm trước tăng như: cà phê tăng 57,9%; gạo tăng 36,5%; chè các loại tăng 25,5%; rau quả tăng 32,1%; nhân điều tăng 21,2%; sắn và các sản phẩm từ sắn tăng 19,2%.
+ Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo ước đạt 104,65 tỷ USD, chiếm 85% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, nhiều nhóm sản phẩm đạt tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cao, trong đó có các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 63,5%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 34,9%; sản phẩm chất dẻo tăng 29,6%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 23,7%; sắt thép các loại tăng 20,7%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 10%; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 9,9%; hàng dệt và may mặc tăng 6,3%; giầy dép các loại tăng 5,7%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 6,6%...
+ Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản ước đạt 1,65 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2023.
- Về thị trường xuất khẩu hàng hóa trong 4 tháng đầu năm 2024:
Kim ngạch xuất khẩu tới hầu hết các thị trường, đối tác thương mại lớn của nước ta trong 4 tháng đầu năm 2024 đều có sự phục hồi tốt và đạt mức tăng trưởng cao. Trong đó, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta với kim ngạch ước đạt 34,12 tỷ USD, chiếm 27,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng 19,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ giảm 21,6%); tiếp đến là thị trường Trung Quốc ước đạt 17,96 tỷ USD, tăng 14,4% (cùng kỳ năm 2023 giảm 13%); thị trường EU ước đạt 16,35 tỷ USD, tăng 15% (cùng kỳ giảm 10,8%); Hàn Quốc ước đạt 8,36 tỷ USD, tăng 10,2%; Nhật Bản ước đạt 7,66 tỷ USD, tăng 4,6%.
Về nhập khẩu hàng hóa
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 4/2024 ước đạt 30,26 tỷ USD, giảm 2% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 11,21 tỷ USD, giảm 3,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 19,05 tỷ USD, giảm 1,4%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng Tư tăng 19,9%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 24,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 17,5%.
Tính chung bốn tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 115,24 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 41,86 tỷ USD, tăng 19,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 73,38 tỷ USD, tăng 13,1%.
Trong bốn tháng đầu năm 2024 có 20 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 01 tỷ USD, chiếm 78,9% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 02 mặt hàng nhập khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 39,4%).
- Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu:
Chiếm 89% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu trong 4 tháng đầu năm 2024 là nhóm hàng cần nhập khẩu (trong đó bao gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng và nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước), với kim ngạch ước đạt 102,4 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2023, cho thấy tín hiệu phục hồi tích cực của sản xuất và xuất khẩu khi nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng và nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất tăng khá cao. Riêng kim ngạch nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 31,3 tỷ USD, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2023 và chiếm 27,2% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 12,1%. Ngoài ra, kim ngạch nhập khẩu hầu hết các mặt hàng khác cũng ghi nhận mức tăng cao như: điện thoại các loại và linh kiện tăng 27,6%; thép các loại tăng gần 25%; chất dẻo nguyên liệu tăng 12,4%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 12,8%; nguyên phụ liệu dệt may, da giầy tăng 18,9%; vải các loại tăng 5,4%...
Kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu trong 4 tháng đầu năm giảm 3,6% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 6,15 tỷ USD. Tuy nhiên, một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng cao như: hàng điện gia dụng và linh kiện, tăng 29,7%; rau quả tăng 15,1%.
- Về thị trường nhập khẩu hàng hóa:
Do sự phục hồi của sản xuất và xuất khẩu nên nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị và nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước tăng cao nên kim ngạch nhập khẩu của nước ta trong 4 tháng đầu năm từ hầu hết các thị trường chủ lực đều tăng. Trong đó, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của nước ta trong 4 tháng đầu năm 2024 với kim ngạch ước đạt 41,57 tỷ USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 36% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước; tiếp đến là nhập khẩu từ thị trường Hàn Quốc ước đạt 17,05 tỷ USD, tăng 6,1%; ASEAN ước đạt 15,6 tỷ USD, tăng 16,9%; Nhật Bản ước đạt 7,4 tỷ USD, tăng 6,9%; EU ước đạt 5 tỷ USD, tăng 11,4%; Hoa Kỳ ước đạt 4,5 tỷ USD, tăng 4,6%.
Chủ động ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại
Tính đến hết tháng 4 năm 2024, Việt Nam đã tiến hành điều tra tổng cộng 18 vụ việc chống bán phá giá (CBPG), 01 vụ việc chống trợ cấp (CTC), 06 vụ việc tự vệ và 02 vụ việc chống lẩn tránh biện pháp PVTM (CLT).
Bộ Công Thương tiếp nhận và xử lý 05 hồ sơ đề nghị điều tra áp dụng biện pháp CBPG của ngành sản xuất trong nước, trong đó đã ban hành quyết định khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp CBPG với 02 vụ việc. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã tiến hành 12 vụ việc rà soát các biện pháp CBPG, CTC và CLT đang được áp dụng theo quy định để đảm bảo các biện pháp được áp dụng đúng đối tượng, đúng mức độ và đúng điều kiện, trong đó có 04 vụ việc rà soát nhà xuất khẩu mới, 05 vụ việc rà soát hàng năm và 03 vụ việc rà soát cuối kỳ.
Biện pháp tự vệ chính thức đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam được áp dụng từ tháng 7 năm 2016 của Bộ Công Thương và đã được gia hạn một lần kéo dài đến tháng 3 năm 2023. Sau quá trình rà soát, thu thập thông tin và đánh giá tác động toàn diện của vụ việc, ngày 21 tháng 3 năm 2023, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 691/QĐ-BCT về việc gia hạn biện pháp tự vệ đối với sản phẩm thép dài nhập khẩu. Theo đó, sản phẩm thép dài nhập khẩu được gia hạn mức thuế tự vệ 6,3% từ ngày 22/3/2023 đến 21/3/2024; 6,2% từ ngày 22/3/2024 đến 21/3/2025 và 6,1% từ ngày 22/3/2015 đến 21/3/2026 và 0% từ ngày 22/3/2016 trở đi.
Bên cạnh biện pháp tự vệ chính thức đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam được áp dụng từ năm 2016, ngày 13 tháng 5 năm 2019, Bộ Công Thương đã ban hành Quy định số 1230/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép cuộn và thép dây nhập khẩu vào Việt Nam. Cùng với Quyết định 691/QĐ-BCT gia hạn biện pháp tự vệ đối với thép dài nhập khẩu, căn cứ Kết luận rà soát cuối kỳ, Bộ Công Thương cũng đã ban hành Quyết định số 693/QĐ-BCT về việc gia hạn áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩn thép cuộn và thép dây với mức thuế tương ứng như trong Quyết định 691/QĐ-BCT và mức thuế sẽ 0% từ ngày 22/3/2026.
* Đối với công tác ứng phó với các vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất nhẩu của Việt Nam
Tính đến hết tháng 4 năm 2024, hàng xuất khẩu của Việt Nam đã phải đối mặt với 249 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại (PVTM) từ 24 thị trường. Các mặt hàng bị điều tra tương đã đa dạng, từ mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn, như tủ gỗ, gỗ dán, pin năng lượng mặt trời, tôm, cá tra-basa, máy xịt rửa áp lực cao… đến các mặt hàng có kim ngạch nhỏ hơn như đệm mút, máy cắt cỏ, giấy bọc thuốc lá, hạt nhựa EPS, mật ong... Ngoài ra, Cơ quan điều tra nước ngoài cũng thường xuyên rà soát các vụ việc PVTM với quy trình và các yêu cầu điều tra có mức độ phức tạp tương tự các vụ việc điều tra mới.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc các nước gia tăng điều tra PVTM đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam trong những năm gần đây:
- Việt Nam vẫn tiếp tục tận dụng hiệu quả lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do để mở rộng và gia tăng quy mô xuất khẩu hàng hóa; mặc dù tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường; kinh tế toàn cầu phục hồi chậm hơn nhiều so với dự báo. Sự gia tăng về lượng và quy mô này đã tạo ra sức ép cạnh tranh đối với hàng hóa sản xuất nội địa của nước nhập khẩu. Do đó, các nước nhập khẩu nhận được nhiều yêu cầu điều tra, áp dụng biện pháp PVTM để bảo vệ sản xuất nội địa.
- Các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam đã và đang tái cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, phù hợp với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và xu hướng chung của thế giới. Hàng hóa Việt Nam đã thâm nhập được vào nhiều thị trường đòi hỏi yêu cầu cao về chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm. Việt Nam đã dần phát triển nhằm tự chủ một số nền công nghiệp nền tảng để giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nước ngoài. Do đó, vô hình chung hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã vượt qua được các hàng rào kỹ thuật và biện pháp PVTM trở thành một trong số ít các công cụ còn lại mà nước nhập khẩu có thể sử dụng với mục đích hạn chế nhập khẩu.
- Việc tham gia vào các chuỗi cung ứng khu vực khiến Việt Nam trở thành quốc gia thường xuyên bị điều tra chung với một số nước khác như Trung Quốc, In-đô-nê-xi-a…, là các quốc gia có kim ngạch xuất khẩu lớn, thường xuyên bị điều tra PVTM hoặc bị nghi ngờ chuyển tải bất hợp pháp nhằm lẩn tránh thuế PVTM đối với các nước này. Trong năm 2023, Việt Nam phải ứng phó với nhiều vụ việc chống lẩn tránh thuế đến từ Hoa Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ; đặc biệt EU đã tiến hành điều tra chống lẩn tránh thuế với thép của Việt Nam sau một thời gian dài không tiến hành các vụ việc trực tiếp nhằm vào Việt Nam.
- Một số nước có xu hướng lạm dụng biện pháp PVTM để bảo hộ ngành sản xuất trong nước quá mức cần thiết. Các nước này sử dụng nhiều biện pháp, kỹ thuật điều tra chưa phù hợp với WTO và thông lệ quốc tế; tạo ra nhiều gánh nặng cho Chính phủ và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam trong quá trình tham gia hợp tác.
- Nhận thức của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong lĩnh vực PVTM còn hạn chế, đặc biệt là các doanh nghiệp tại Việt Nam chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa với nguồn lực có hạn; vai trò của các hiệp hội ngành hàng trong các vụ điều tra PVTM còn mờ nhạt, chưa phát huy được sức mạnh tập thể của doanh nghiệp.
Trước bối cảnh đó, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu xử lý hiệu quả các vụ việc PVTM nước ngoài thông qua các hoạt động đa dạng như: (i) cảnh báo sớm nguy cơ bị điều tra PVTM để doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch xử lý; (ii) trao đổi kịp thời với hiệp hội, doanh nghiệp để cung cấp thông tin cập nhật giúp doanh nghiệp nắm được diễn biến vụ việc; (iii) tư vấn pháp lý, quy trình thủ tục điều tra, quy định/thông lệ điều tra của nước khởi kiện và đưa ra các khuyến nghị, định hướng xử lý cụ thể cho doanh nghiệp; (iv) tiếp cận, trao đổi, tham vấn với Cơ quan điều tra của nước ngoài đưa ra quan điểm của ta về các khía cạnh pháp lý và thực tiễn của vụ việc; (v) xem xét khiếu nại các biện pháp PVTM của cơ quan điều tra nước ngoài nếu có dấu hiệu vi phạm các quy định của WTO; (vi) thường xuyên tổ chức tuyên truyền, đạo tạo, cập nhật các chính sách, quy định pháp luật, thực tiễn điều tra PVTM để nâng cao nhận thức và khả năng ứng phó của doanh nghiệp.
Các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp của các cơ quan chức năng trong quá trình xử lý các vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài đã đem lại những kết quả tích cực, ghi nhận nhiều vụ việc Việt Nam thành công trong việc chứng minh doanh nghiệp không bán phá giá hay Chính phủ không trợ cấp, không can thiệp vào thị trường để tạo lợi thế bất bình đẳng cho doanh nghiệp xuất khẩu; các doanh nghiệp được tiếp cận các thông tin PVTM một cách đầy đủ, kịp thời; được khuyến nghị tham gia và hầu hết các doanh nghiệp quan tâm không bị kết luận bất hợp tác dẫn tới mức thuế cao; Bộ Công Thương theo dõi sát quy trình điều tra của Cơ quan điều tra nước ngoài, thường xuyên có các lập luận pháp lý để phản biện khi phát hiện khả năng vi phạm WTO và thông lệ điều tra quốc tế; đảm bảo các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu có cơ hội thực thi các quyền doanh nghiệp trong vụ việc PVTM.
Tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường
Khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đẩy nhanh đàm phán, ký kết các FTA, liên kết kinh tế mới để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu;
Phát triển dịch vụ logistics; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu;
Tăng cường năng lực về phòng vệ thương mại, hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế, cơ chế phối hợp liên ngành, địa phương; Chủ động theo dõi, bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất trong nước;
Tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh công tác cảnh báo sớm các vụ việc PVTM của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam;
Tiếp tục đẩy mạnh công tác chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ;
Tăng cường công tác thông tin, phổ biến kiến thức về phòng vệ thương mại cho các ngành sản xuất, doanh nghiệp.