A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nắm bắt các quy định SPS để tận dụng tốt cơ hội trong hiệp định RCEP

Thời gian tới, cần có sự nỗ lực phối hợp giữa các cơ quan ban ngành địa phương và trung ương cũng như các hiệp hội ngành hàng trong quá trình hỗ trợ doanh nghiệp liên quan đến hoạt động đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, tuân thủ quy định của các thị trường, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm... trong bối cảnh thực hiện các FTA như EVFTA, RCEP …

Tại hội nghị phổ biến các quy định SPS trong Hiệp định EVFTA và RCEP được tổ chức mới đây, các chuyên gia, nhà quản lý khuyến nghị, muốn nắm bắt cơ hội từ Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu cần quan tâm, tìm hiểu thông tin và quy định về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật, đồng thời kịp thời phản ánh những vướng mắc, khó khăn tới cơ quan quản lý để tìm biện pháp tháo gỡ...

feaad8d2025aa704fe4b.jpg

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực từ 1/1/2022, quy định việc loại bỏ thuế đối với khoảng 90% nhóm hàng trong vòng 20 năm. Đây là hiệp định thương mại tự do giữa các nước ASEAN với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand. RCEP có thị trường 2,2 tỷ dân, GDP trên 26 nghìn tỷ USD, tương đương khoảng 30% dân số và GDP toàn thế giới, chiếm khoảng 29% thương mại hàng hóa và 32,5% đầu tư toàn cầu.

Trong 6 tháng năm 2024, ngoại trừ 3 nước trong ASEAN là Lào, Myanmar, Brunei, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang các thị trường còn lại trong khối đều ghi nhận kết quả tích cực. Tuy nhiên, không ít mặt hàng nông, lâm, thủy sản Việt Nam vi phạm các Quy định An toàn thực phẩm và An toàn dịch bệnh động thực vật (SPS) của nước nhập khẩu.

TS Đào Văn Cường, Chuyên viên Văn phòng SPS Việt Nam, cho biết 6 tháng năm 2024, có 551 thông báo và thông báo dự thảo biện pháp SPS được gửi đến Việt Nam, giảm so với 6 tháng năm 2023 là 566 thông báo. Trong đó, các thị trường có số thông báo nhiều nhất là Canada, Nhật Bản, Brazil…

Trong số 551 thông báo của nửa đầu năm 2024, số lượng lớn nhất thuộc về dư lượng (115 thông báo), sau đó là sức khỏe động vật, sức khỏe thực vật, thức ăn chăn nuôi... Tương đương với đó, các cơ quan của Việt Nam nhận được nhiều thông báo nhất lần lượt là Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Cục An toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế; Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương...

Theo ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, các quy định SPS ở các thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam thay đổi liên tục. 

Do đó, thời gian tới, ông Hòa đề xuất các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu quan tâm, tìm hiểu thông tin liên quan đến các vấn đề SPS, đồng thời kịp thời phản ánh những vướng mắc, khó khăn tới cơ quan quản lý để tháo gỡ.


Tác giả: Ngọc Hân

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website