A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nông sản Việt cần thay đổi mạnh mẽ để vượt qua thách thức từ Hiệp định EVFTA

EVFTA vừa là cơ hội vừa là thách thức cho xuất khẩu nông sản Việt Nam, đòi hỏi một sự thay đổi mạnh mẽ để đáp ứng những yêu cầu khắt khe, từ đó, mở rộng thị trường tiêu thụ, đóng góp vào bức tranh xuất khẩu của đất nước.

Cơ hội rộng mở vào EU

Thị trường EU đặc biệt ưa chuộng các mặt hàng nông sản từ vùng nhiệt đới. Đây là lợi thế đối với xuất khẩu nông sản Việt Nam. Đặc biệt, khi Hiệp định EVFTA được ký kết năm 2016 và có hiệu lực vào ngày 01/8/2020, cơ hội lớn đã mở ra cho nông sản Việt, giúp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường EU.

Một trong những điểm sáng về xuất khẩu nông sản vào EU năm 2023 phải kể đến là rau quả với kim ngạch đạt gần 300 triệu USD, tăng 27,4% so với năm 2022. Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, năm 2024, dự kiến kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang EU sẽ tăng trưởng từ 20% trở lên.

Nhờ EVFTA với những quy định khắt khe, xuất khẩu nông sản Việt sang EU vài năm gần đây ghi nhận xu hướng tăng lên của các sản phẩm chế biến sâu để đáp ứng những tiêu chuẩn, quy định mới. Theo thống kê, 10 năm trở lại đây, kim ngạch xuất khẩu cà-phê chế biến tăng trưởng bình quân 30%/năm, các sản phẩm chế biến từ cao su tăng 20%/năm, hạt điều chế biến tăng 43%/năm, trái cây chế biến tăng 15%. Để tận dụng ưu đãi thuế 0% từ hiệp định EVFTA đối với các sản phẩm chế biến (cà-phê, tiêu, điều, cao su, rau quả), các doanh nghiệp trong nước đã và đang đầu tư mạnh mẽ cho công nghệ chế biến nông sản.

Theo cơ quan thống kê của EU Eurostat, những nước nhập nhiều rau quả nhiệt đới nhất châu Âu là Hà Lan, Đức, Pháp… Những nước này đã nhập khẩu rau quả từ 70 nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Do điều kiện khí hậu khá khắc nghiệt ảnh hưởng đến việc trồng trọt, các nước EU chủ yếu nhập khẩu hoa quả (như chuối, cam, quít, xoài, dứa…) và gia vị nhiệt đới.

Với số lượng còn hạn chế theo mùa vụ, một số loại trái cây như thanh long, chanh leo… cũng đã được đưa vào các siêu thị như Colruyt, Carrefour, Grand Frais. Gạo “Cơm ViệtNam Rice” của Việt Nam đã lên kệ chuỗi siêu thị của Tập đoàn phân phối bán lẻ hàng đầu nước Pháp E.Leclerc và hệ thống phân phối Carrefour.

Ngoài hoa quả và gia vị, cá tra Việt Nam cũng đã được lên kệ tại các nhà bán lẻ EU như Albert Heijn và Jumbo ở Hà Lan; Tesco ở Anh và REWE ở Đức.

Thách thức đòi hỏi sự thay đổi mạnh mẽ

Hiệp định EVFTA quy định cụ thể các vấn đề liên quan đến thương mại hàng hóa, quy tắc xuất xứ, sở hữu trí tuệ và các cam kết về hàng rào phi thuế quan (gồm: Rào cản kỹ thuật đối với thương mại (TBT), các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), một số biện pháp phi thuế quan khác như phòng vệ thương mại; cơ chế giải quyết tranh chấp; thủ tục hải quan…). Trong đó, về SPS, đáng lưu ý đối với mặt hàng nông sản, EU duy trì một hệ thống cảnh báo nhanh, chỉ cần một lô hàng có vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm thì ngay lập tức sẽ được thông báo trong toàn bộ EU và hàng hóa đó sẽ không thể tiếp tục lưu hành trong khu vực.

Mặc dù đem lại nhiều cơ hội, đóng góp chung vào bức tranh xuất khẩu nhiều ấn tượng của Việt Nam, thế nhưng, Hiệp định EVFTA cũng đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp vì đây là thị trường thực sự “khó tính”, có những quy định chặt chẽ về quy tắc xuất xứ, sở hữu trí tuệ, các vấn đề về tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm... Cụ thể: 

Đối với vấn đề Quy tắc xuất xứ: Hiệp định EVFTA hướng tới mức độ xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới 99,2% số dòng thuế. Tuy nhiên, để được hưởng mức ưu đãi này, hàng xuất khẩu sang EU cần thoả mãn quy tắc xuất xứ, đây có thể là một cản trở đối với hàng xuất khẩu Việt Nam bởi nguồn nguyên liệu cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam hiện nay chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc và ASEAN. Nếu không đảm bảo được quy tắc xuất xứ, hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU chỉ được hưởng mức thuế đãi ngộ tối huệ quốc (MFN) chứ không phải là mức thuế 0% trong EVFTA.

Đối với vấn đề sở hữu trí tuệ: Đây là yêu cầu đặt lên hàng đầu của EU. Thế nhưng, thực tế cho thấy, quản lý thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam còn lỏng lẻo dù đã có quy định. Việc thực thi bảo hộ chỉ dẫn địa lý nói riêng và quản lý việc sử dụng, ghi nhãn nguồn gốc xuất xứ chưa thật sự hiệu quả. Hầu như chỉ có biện pháp hành chính được áp dụng là chủ yếu. Hiệu quả các biện pháp hành chính cũng tương đối hạn chế, trong khi biện pháp dân sự theo yêu cầu của các bên liên quan cũng như việc thực thi liên quan tới nguồn gốc thực phẩm cũng còn rất hạn chế.

Các rào cản kỹ thuật từ phía EU: Thâm nhập vào thị trường EU thực tế không dễ dàng do các hàng rào phi thuế quan của thị trường EU rất khắt khe. Điển hình là nông sản và thực phẩm phải tuân thủ nhiều tiêu chuẩn được quy định trong Luật Thực phẩm, Luật Thú y, quy định về bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, quy định về chất độc hại, dư lượng kháng sinh, dư lượng thuốc trừ sâu… Một số ngành hàng nông sản của nước ta như chè, rau quả.. vẫn vấp phải những hạn chế do dư tồn thuốc bảo vệ thực vật, thiếu tính đồng nhất trong từng lô hàng, công tác thu hoạch bảo quản chưa tốt nên chất lượng còn hạn chế.

Theo các quy định về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh, cứ 6 tháng một lần, EU sẽ rà soát tất cả doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thực phẩm. Nếu chấp hành tốt các quy định, EU có thể xem xét giảm tần suất kiểm tra, giảm quy định, thủ tục đối với nông sản, thực phẩm Việt Nam nhập vào, ngược lại sẽ bị tăng tần suất kiểm tra.

Như vậy, EVFTA vừa là cơ hội vừa là thách thức cho lĩnh vực xuất khẩu nông sản, đòi hỏi một sự thay đổi mạnh mẽ để đáp ứng những yêu cầu khắt khe, từ đó, mở ra thị trường tiêu thụ rộng lớn cho nông sản Việt.

Để tận dụng hiệu quả của EVFTA, các doanh nghiệp nông sản Việt Nam cần tập trung tối đa nguồn lực để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản trong thời gian tới, nhanh chóng tăng thị phần trong thị trường nhập khẩu nông sản của EU, trước khi EU triển khai ký kết FTA với các đối thủ cạnh tranh tiềm năng của Việt Nam.

Bên cạnh đó, nếu tận dụng tốt con đường “cao tốc” mà EVFTA mang lại, đẩy nhanh quá trình hàng nông sản của Việt Nam thâm nhập vào các quốc gia thành viên EU, hàng hóa của Việt Nam sẽ có được tín nhiệm để đến với các thị trường khó tính khác. 


Tác giả: Trúc Linh

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website