Quy định pháp luật của Úc về điều khoản không công bằng trong hợp đồng tiêu dùng theo mẫu
Ngày 17/12/2021, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương và Cơ quan Cạnh tranh và Người tiêu dùng Úc (ACCC) đã phối hợp tổ chức buổi hội thảo (kết hợp trực tiếp và trực tuyến) về “Một số vấn đề trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và kinh doanh theo phương thức đa cấp”.
Một trong những nội dung được Cơ quan Cạnh tranh và Người tiêu dùng Úc (ACCC) chia sẻ tại hội thảo là chế định về điều khoản không công bằng trong hợp đồng theo mẫu (được hiểu chung là hợp đồng do doanh nghiệp soạn thảo để giao kết không dựa trên sự thương lượng với bên còn lại). Theo đó, điều khoản không công bằng lần đầu tiên được quy định trong Luật Người tiêu dùng Úc, áp dụng cho các hợp đồng tiêu dùng theo mẫu kể từ năm 2010 và có một số điểm chủ yếu như sau: 1. Thế nào là điều khoản không công bằng Theo Luật Người tiêu dùng Úc 2010, một điều khoản của hợp đồng tiêu dùng là điều khoản không công bằng nếu: - Điều khoản đó dẫn đến sự mất cân bằng đáng kể về quyền và nghĩa vụ của các bên phát sinh theo hợp đồng; - Điều khoản đó là không cần thiết một cách hợp lý để bảo vệ lợi ích hợp pháp của bên được hưởng lợi theo điều khoản đó (Điều khoản của hợp đồng được cho là không cần thiết một cách hợp lý để bảo vệ lợi ích hợp pháp của bên sẽ được hưởng lợi theo điều khoản đó, trừ khi bên đó chứng minh khác đi); và - Điều khoản đó sẽ dẫn đến thiệt hại (dù là về tài chính hay về mặt khác) cho một bên nếu điều khoản đó được áp dụng hoặc được dựa vào. (Mục 24.1 Phần 2-3- Luật Người tiêu dùng Úc.) Khi xác định và đánh giá một điều khoản của hợp đồng tiêu dùng có phải là không công bằng theo nội dung trên không, tòa án Úc có thể xét đến những vấn đề mà họ cho là có liên quan, nhưng phải xem xét đến tính minh bạch của điều khoản và toàn bộ hợp đồng tiêu dùng đó. Theo đó, một điều khoản là minh bạch nếu điều khoản đó được diễn đạt bằng ngôn ngữ đơn giản hợp lý; dễ đọc; được trình bày rõ ràng và luôn có hiệu lực với bất kỳ bên nào bị tác động bởi điều khoản. Về hệ quả pháp lý, theo quy định tại Luật Người tiêu dùng Úc, sau khi Tòa án xem xét và phán quyết về một điều khoản của hợp đồng là không công bằng, thì điều khoản đó sẽ được tuyên là vô hiệu (được coi là chưa từng tồn tại), tuy nhiên các nội dung còn lại của hợp đồng sẽ tiếp tục có hiệu lực với các bên của hợp đồng. 2. Các dạng điều khoản không công bằng cụ thể trong hợp đồng theo mẫu Bên cạnh việc đưa ra khái niệm về điều khoản không công bằng, Luật Người tiêu dùng Úc 2010 cũng đưa ra các trường hợp để diễn giải và làm rõ về các dạng điều khoản không công bằng cụ thể. Theo pháp luật của Úc, một điều khoản trong hợp đồng tiêu dùng là không công bằng nếu điều khoản đó rơi vào một trong các trường hợp như sau: - Điều khoản cho phép hoặc có hiệu lực cho phép một bên (nhưng không phải bên còn lại) tránh hoặc hạn chế việc thực hiện hợp đồng; - Điều khoản cho phép, hoặc có hiệu lực cho phép một bên (nhưng không phải bên còn lại) chấm dứt hợp đồng; - Điều khoản quy định việc phạt, hoặc có hiệu lực trừng phạt một bên (nhưng không phải bên còn lại) do sự vi phạm hoặc chấm dứt hợp đồng; - Điều khoản cho phép hoặc có hiệu lực cho phép một bên (nhưng không phải bên còn lại) thay đổi các điều khoản của hợp đồng; - Điều khoản cho phép, hoặc có hiệu lực cho phép một bên (nhưng không phải bên còn lại) gia hạn hoặc không gia hạn hợp đồng; - Điều khoản cho phép, hoặc có hiệu lực cho phép một bên thay đổi giá trả trước phải trả theo hợp đồng trong khi bên kia không có quyền chấm dứt hợp đồng; - Điều khoản cho phép, hoặc có hiệu lực cho phép một bên đơn phương thay đổi các đặc tính của hàng hóa hoặc dịch vụ được cung cấp, hoặc quyền lợi về đất đai được bán hoặc được cấp theo hợp đồng; - Điều khoản cho phép, hoặc có hiệu lực cho phép một bên đơn phương xác định xem hợp đồng có bị vi phạm hay không hoặc đơn phương giải thích ý nghĩa của nó; - Điều khoản hạn chế, hoặc có hiệu lực hạn chế trách nhiệm liên quan của một bên đối với các đại lý của mình; - Điều khoản cho phép, hoặc có hiệu lực cho phép một bên chuyển nhượng hợp đồng gây bất lợi cho bên kia mà không có sự đồng ý của bên kia; - Điều khoản hạn chế, hoặc có hiệu lực hạn chế quyền của một bên trong việc kiện bên kia; - Điều khoản hạn chế, hoặc có tác động hạn chế bằng chứng mà một bên có thể đưa ra trong quá trình tố tụng liên quan đến hợp đồng; - Điều khoản áp đặt, hoặc có hiệu lực áp đặt, gánh nặng một cách rõ ràng đối với một bên trong các thủ tục tố tụng liên quan đến hợp đồng; - Dạng điều khoản, hoặc dạng có hiệu lực như một điều khoản theo quy định pháp luật. (Mục 25, Phần 2-3- Luật Người tiêu dùng Úc.) 3. Một số vụ việc điển hình (i) Vụ việc Công ty CLA Trading Pty Ltd [2016] FCA 377 CLA Trading Pty Ltd kinh doanh tại Úc với tên gọi là Europcar, là một công ty cho thuê xe hơi. Một số điều khoản trong hợp đồng cho thuê xe mẫu năm 2013 của Europcar Úc đã quy định người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm về việc mất mát hoặc hư hỏng xe nếu chiếc xe cho thuê bị hư hỏng hoặc bị đánh cắp, bất kể người tiêu dùng có lỗi hay không; và quy định người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm về bất kỳ mất mát hoặc hư hỏng nào nếu họ vi phạm thỏa thuận, bất kể vi phạm nhỏ đến mức nào, hoặc liệu vi phạm có liên quan đến việc mất mát hoặc hư hỏng đó hay không. Tòa án Liên bang Úc đã kết luận rằng các điều khoản là không công bằng vì: - Chúng có tác động đến mức tạo ra sự mất cân bằng đáng kể giữa quyền và nghĩa vụ của các bên; - Chúng gây thiệt hại cho người tiêu dùng, và - Chúng không cần thiết một cách hợp lý để bảo vệ lợi ích hợp pháp của Europcar. CLA Trading đã thừa nhận với ACCC về một số tình tiết trong vụ việc này mà theo đó Tòa án đã dựa vào để đưa ra phán quyết của mình. Những sự thật này về cơ bản thừa nhận CLA đã tham gia vào hành vi trái ngược. Vụ việc này được xác định theo quy định của Đạo luật ASIC, không phải Luật Người tiêu dùng Úc. ACCC đã cử một phái đoàn từ ASIC để giải quyết vụ việc này theo luật mà ASIC quản lý. (ii) Vụ việc liên quan đến Công ty TPG Internet Pty Ltd [2019]: Trên cơ sở cáo buộc của ACCC và phán quyết của Tòa án, TPG đã phải sửa đổi một điều khoản trong hợp đồng tiêu dùng theo mẫu cho phép công ty thay đổi phí đăng ký trong hợp đồng của mình mà không cần thông báo hoặc đồng ý từ người tiêu dùng. TPG cũng đồng ý loại bỏ một điều khoản cho phép công ty có quyền đình chỉ hoặc ngắt kết nối quyền truy cập của khách hàng vào bất kỳ khía cạnh nào trong dịch vụ của họ bất kỳ lúc nào và không cần thông báo cho khách hàng. Có thể thấy, quy định pháp luật của Úc cũng có góc độ tiếp cận tương đồng với pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam liên quan tới chế định về điều khoản không công bằng trong hợp đồng theo mẫu. Hiện nay, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương đang được giao là đơn vị chủ trì soạn thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, việc tham khảo kinh nghiệm quốc tế từ pháp luật một số quốc gia tiêu biểu như Úc là điều cần thiết. Theo đó, có thể tham khảo kinh nghiệm của Úc liên quan đến chế định về điều khoản không công bằng tại một số điểm chính như: bổ sung các trường hợp điều khoản không công bằng cụ thể vào Điều 16 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; nghiên cứu bổ sung quy định tính minh bạch của điều khoản là một trong những yếu tố xác định và đảm bảo tính công bằng của điều khoản trong hợp đồng theo mẫu; hoàn thiện và đổi mới cơ chế kiểm soát điều khoản không công bằng trong hợp đồng theo mẫu có tính đến bối cảnh và đặc thù riêng của Việt Nam;… |