Hiệp định UKVFTA: Động lực thúc đẩy dòng vốn đầu tư từ Anh vào Việt Nam
Theo Bộ Công Thương, hiện bên cạnh hoạt động thương mại hai chiều đứng thứ 3 trong các nước châu Âu, Vương quốc Anh còn là nhà đầu tư hàng đầu tại thị trường Việt Nam với tổng cộng 567 dự án đầu tư và tổng vốn đăng ký đạt 4,36 tỷ USD.
Đầu tư từ Vương quốc Anh vào Việt Nam khởi sắc
Hiệp định Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh và Bắc Ailen (UKVFTA) chính thức được thực thi từ năm 2021. Sau gần 3 năm, tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Vương quốc Anh sau khi Hiệp định UKVFTA đã có sự khởi sắc rõ nét. Nếu như năm 2021, năm đầu tiên thực hiện UKVFTA, Vương quốc Anh có 434 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 3,98 tỷ USD. Còn đến thời điểm này, Vương quốc Anh đã đầu tư tại Việt Nam với tổng cộng 567 dự án, tổng vốn đăng ký đạt gần 4,5 tỷ USD. Hiện, Vương quốc Anh thứ 15 trong số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam.
Các địa phương thu hút nhiều dự án từ Anh bao gồm TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Hải Dương, và Long An. Về lĩnh vực đầu tư, hiện các doanh nghiệp Anh đang quan tâm đầu tư, tăng cường hợp tác tại Việt Nam, bao gồm: Năng lượng tái tạo như năng lượng gió, truyền tải và lưu trữ năng lượng; dịch vụ tài chính, bảo hiểm, máy móc, thiết bị, chuyển giao công nghệ và các lĩnh vực giáo dục, y tế đồ uống và thực phẩm, công nghiệp ô tô... Điều này được đánh giá là góp phần tạo thêm những động lực tăng trưởng cho nền kinh tế Việt Nam.
Nêu tác động về đầu tư của Việt Nam đối với doanh nghiệp Anh, theo ông Nguyễn Cảnh Cường - Cố vấn Công ty KTPC, nguyên tham tán thương mại tại Vương quốc Anh, đó là việc Hiệp định UKVFTA đã giảm đáng kể các rào cản thương mại, đặc biệt là giảm thuế nhập khẩu đối với hàng hóa và dịch vụ giữa hai nước, tạo động lực thúc đẩy dòng vốn đầu tư từ Anh vào Việt Nam. “Các doanh nghiệp Anh đánh giá cao môi trường pháp lý cải thiện tại Việt Nam nhờ cam kết mạnh mẽ từ các hiệp định thương mại tự do như UKVFTA”- ông Cường cho hay.
Đặc biệt, cố vấn Công ty KTPC nhìn nhận, tăng trưởng đầu tư trong các lĩnh vực như chế biến thực phẩm, năng lượng tái tạo, và dịch vụ tài chính từ nhà đầu tư Anh đang rất ấn tượng. “Điều này cho thấy, các doanh nghiệp Anh quan tâm hơn đến việc đầu tư dài hạn tại Việt Nam nhờ các cơ hội hợp tác trong chuỗi cung ứng toàn cầu”- ông Cường nói. Bên cạnh đó, lợi thế về nguồn lao động dồi dào là một trong những yếu tố thúc đẩy đầu tư từ Vương quốc Anh. Theo ông Cường, hiện Việt Nam có đội ngũ lao động trẻ, năng động và sẵn sàng học hỏi, phù hợp với nhu cầu của nhà đầu tư Anh. Ngoài ra, các dự án hạ tầng như cảng biển, sân bay và mạng lưới logistics đang không ngừng phát triển.
Thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái chuỗi cung ứng
Tuy nhiên, quy mô đầu tư của Anh vào Việt Nam được đánh giá là chưa phản ánh đúng tiềm năng của một trong 5 nước đầu tư ra nước ngoài lớn nhất thế giới (khoảng 300 tỷ USD). Đánh giá về đầu tư của Vương quốc Anh tại Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long cũng đã nhấn mạnh con số đạt được là khiêm tốn so với tiềm năng thực sự khi các tập đoàn năng lượng lớn của Anh triển khai các dự án tại Việt Nam với vốn đầu tư hàng chục tỷ USD trong thời gian tới, cùng với đó là triển vọng thu hút đầu tư từ những tập đoàn lớn khác của Anh vào Việt Nam.
Cùng với đó, bên cạnh các lĩnh vực truyền thống, hai nước đang mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo (AI). Ngoài ra, Vương quốc Anh cũng đặc biệt quan tâm đến việc hỗ trợ Việt Nam thông qua tài chính xanh, như phát hành trái phiếu xanh. Điều này phù hợp với mục tiêu của Việt Nam trong việc đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Vương quốc Anh còn cam kết hỗ trợ TP.Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của thành phố này trên bản đồ tài chính khu vực và toàn cầu.
Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, thời gian tới, cơ hội để thu hút đầu tư từ Vương quốc rất lớn, nhất là Hiệp định UKVFTA sẽ là một động lực lớn cho các hoạt động xuất khẩu, thu hút FDI và kêu gọi các doanh nghiệp Anh tham gia nâng cao chuỗi giá trị của Việt Nam. Tuy nhiên, thách thức đặt ra không ít trong nỗ lực thúc đẩy đầu tư từ Vương Quốc Anh. Bởi theo như ông Nguyễn Cảnh Cường chia sẻ, hiện một số khu vực của Việt Nam vẫn chưa đáp ứng đủ các yêu cầu về công nghệ và chuyển đổi số mà nhà đầu tư Anh đặt ra. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn thiếu kinh nghiệm và năng lực quản trị hiện đại để đáp ứng tiêu chuẩn của nhà cung ứng cấp 1 và cấp 2. Sự liên kết giữa các doanh nghiệp nội địa và nhà đầu tư nước ngoài còn yếu.
Do vậy, muốn thu hút đầu tư từ Vương quốc Anh, ông Nguyễn Cảnh Cường chỉ rõ, Việt Nam cần đầu tư mạnh mẽ hơn vào giáo dục nghề nghiệp và chuyển đổi số, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư Anh. Đặc biệt cần triển khai các giải pháp xây dựng hệ sinh thái chuỗi cung ứng, như: Hỗ trợ đào tạo và nâng cao năng lực quản trị thông qua tổ chức các chương trình đào tạo về quản lý chuỗi cung ứng, quản trị chất lượng và tiêu chuẩn quốc tế cho doanh nghiệp nội địa.
Đặc biệt, theo cố vấn Công ty KTPC việc chú trọng khuyến khích chuyển giao công nghệ nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận công nghệ tiên tiến thông qua hợp tác với doanh nghiệp Anh là hết sức quan trọng. Đồng thời, cần quan tâm thúc đẩy xây dựng các cụm công nghiệp chuyên biệt, như: Phát triển các khu công nghiệp tập trung vào các lĩnh vực mà nhà đầu tư Anh có thế mạnh như năng lượng tái tạo, sản xuất công nghệ cao. Mặt khác, “Phải tăng cường kết nối, qua việc thành lập các diễn đàn kết nối giữa doanh nghiệp Việt Nam và nhà đầu tư Anh để trao đổi thông tin và hợp tác chiến lược”- ông Cường khuyến nghị.