A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cơ hội và thách thức đối với ngành thuỷ sản khi chinh phục thị trường RCEP

Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 mang đến nhiều cơ hội cũng như thách thức cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản khi tham gia vào chuỗi giá trị và sản xuất mới trong khu vực.

Ngành thủy sản là một trong những ngành có nhiều cơ hội nâng cao sản lượng xuất khẩu khi quy tắc xuất xứ sản phẩm đến các đối tác thương mại hàng đầu như Nhật Bản, Hàn Quốc được nới lỏng trong RCEP. Cụ thể, với hàng thủy sản, các FTA trước đây đều yêu cầu xuất xứ sản phẩm thuần túy ở Việt Nam, nhưng RCEP cho phép được sản xuất từ nguyên liệu có xuất xứ từ một hay nhiều nước thành viên, được sản xuất tại một nước thành viên có sử dụng nguyên liệu không có xuất xứ nhưng đáp ứng quy định của RCEP.

Hiện nay, Việt Nam xuất khẩu thủy sản sang hơn 160 thị trường trên thế giới. Trong đó, xuất khẩu sang các nước thành viên Hiệp định RCEP (chiếm 63,5% thị phần xuất khẩu thủy sản của Việt Nam) bao gồm ASEAN, Hàn Quốc (9,2%), Trung Quốc, Nhật Bản, Australia…

Theo thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam với 1,33 tỷ USD, chiếm 18% tỷ trọng về giá trị. Tiếp theo đó là Nhật Bản với 1,1 tỷ USD, Hàn Quốc với 568 triệu USD...

Xuất khẩu sang các nước thành viên Hiệp định RCEP chiếm 63,5% thị phần xuất khẩu thủy sản của Việt Nam

Số liệu trên cho thấy, dư địa để thâm nhập thị trường RCEP là rất lớn. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, RCEP cũng mang tới những sức ép cạnh tranh đối với hàng thủy sản.

Theo đó, nhiều đối tác trong khối có cơ cấu sản phẩm tương tự Việt Nam nhưng năng lực cạnh tranh, hàm lượng giá trị gia tăng cũng cao hơn, đặc biệt là với Trung Quốc. Lợi thế hàng hóa đa dạng và giá rẻ của nước này sẽ là áp lực lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam, nhất là mặt hàng nông, thủy sản. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp thủy sản phải chủ động để thích ứng, nỗ lực chinh phục, biến thách thức thành cơ hội.

Cùng với đó, theo đại diện Thương vụ Việt Nam tại các nước, chi phí logistics tăng quá cao khiến doanh nghiệp gặp khó khăn. Bên cạnh đó là thách thức về tính bền vững trong khai thác, các yêu cầu về chất lượng cao và dễ chế biến. Ngoài ra, Việt Nam chịu sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các nước khi các nước Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan... tăng diện tích thả nuôi và tăng xuất khẩu vào các thị trường trong khối. Cuối cùng là bài toán về thương hiệu. Đây là yếu tố khẳng định giá trị và vị trí cho sản phẩm nhưng lại không phải là thế mạnh của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và ngành thuỷ sản nói riêng.

Ngoài ra, để tận dụng được những ưu đãi trong RCEP, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tìm hiểu thật kỹ quy tắc xuất xứ, đặc biệt là quy tắc xuất xứ cộng gộp nội khối.

Các doanh nghiệp cần đáp ứng tốt các quy định về biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động - thực vật (SPS) và rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT) của các nước nhập khẩu đối với sản phẩm thủy sản. Đây đang là khâu yếu của thủy sản Việt Nam.

Theo các chuyên gia, để tận dụng tối đa các lợi ích từ RCEP, ngành thủy sản Việt Nam cần tập trung một số giải pháp: Nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư vào công nghệ chế biến, bảo quản và kiểm soát chất lượng để đáp ứng các yêu cầu khắt khe của các thị trường RCEP; Tăng cường quảng bá thương hiệu, xây dựng thương hiệu thủy sản Việt Nam để nâng cao giá trị và sự nhận diện tại các thị trường RCEP, đặc biệt là các sản phẩm thủy sản chế biến sẵn; Mở rộng thị trường có nhu cầu về thủy sản chế biến cao...

Như vậy, Hiệp định RCEP mang lại nhiều cơ hội phát triển cho ngành thủy sản xuất khẩu Việt Nam, đồng thời cũng đòi hỏi các doanh nghiệp phải cải thiện chất lượng sản phẩm, nắm bắt kịp thời các yêu cầu thị trường và đẩy mạnh hợp tác quốc tế để duy trì và phát triển thị trường xuất khẩu.


Tác giả: Hải Phong

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website