Tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên của Hiệp định RCEP về thương mại điện tử
Các cam kết về thương mại điện tử của Hiệp định RCEP quy định tại Chương 12 với tổng cộng 17 điều khoản, bao gồm các điều khoản nổi bật trong Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như: An ninh mạng, thuế hải quan, đặt hệ thống máy chủ.
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (Hiệp định RCEP) là hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa 10 nước ASEAN và 5 đối tác là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand. Hiệp định chiếm khoảng 30% của tổng sản phẩm nội địa GDP toàn cầu, trở thành một khối thương mại lớn nhất trong lịch sử.
Với Việt Nam, Hiệp định RCEP chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2022. Đây là một trong số 17 FTA mà Việt Nam tham gia.
Nhận thức được sự gia tăng số hóa trong thương mại, các Bên đã đưa thêm vào Hiệp định RCEP một Chương về Thương mại điện tử (e-Commerce), nhằm mục đích thúc đẩy thương mại điện tử giữa các Bên và việc sử dụng rộng rãi thương mại điện tử trên toàn cầu, đồng thời tăng cường sự hợp tác giữa các Bên.
Các cam kết về thương mại điện tử của Hiệp định RCEP quy định tại Chương 12 với tổng cộng 17 điều khoản (Ảnh minh hoạ)
Theo bản tóm tắt Hiệp định RCEP, Chương này đưa ra các điều khoản khuyến khích các Bên cải thiện quy trình đăng ký và quản lý thương mại bằng cách sử dụng các phương tiện điện tử. Chương này yêu cầu các Bên thông qua hoặc duy trì khuôn khổ pháp lý để tạo môi trường thuận lợi cho phát triển thương mại điện tử, bao gồm bảo vệ thông tin cá nhân của người dùng thương mại điện tử và bảo vệ người tiêu dùng sử dụng thương mại điện tử.
Chương Thương mại điện tử cũng giải quyết một số vấn đề liên quan đến cơ sở dữ liệu, thông qua các quy định về vị trí của các cơ sở xử lý dữ liệu và chuyển giao thông tin xuyên biên giới bằng các phương tiện điện tử. Các Bên cũng nhất trí duy trì thông lệ hiện tại là không áp đặt thuế hải quan đối với các đường truyền điện tử, phù hợp với Quyết định của Bộ trưởng WTO. Trong trường hợp có bất kỳ khác biệt nào trong việc giải thích và áp dụng Chương này, các Bên nhất trí rằng trước tiên sẽ thực hiện các cuộc tham vấn với thiện chí và nỗ lực hết sức để đạt được một giải pháp thỏa đáng cho cả hai bên. Chương này hiện không thuộc đối tượng điều chỉnh của Giải quyết Tranh chấp và việc xem xét tổng thể Hiệp định RCEP sẽ cân nhắc việc áp dụng Giải quyết Tranh chấp đối với Chương này.
Mục tiêu của Chương Thương mại điện tử trong Hiệp định RCEP là tăng cường mở cửa thị trường thông qua ứng dụng điện tử; tạo ra môi trường lành mạnh, đáng tin cậy cho người tiêu dùng trực tuyến cũng như tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên về lĩnh vực này. Theo đó, Hiệp định RCEP có 3 nhóm cam kết, gồm: Nhóm liên quan đến tạo thuận lợi hóa; nhóm cam kết liên quan đến thiết lập môi trường thuận lợi cho phát triển thương mại điện tử; nhóm cam kết liên quan đến thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới.
Cụ thể, nhóm cam kết liên quan đến tạo thuận lợi hóa yêu cầu cam kết cụ thể về chính sách của nhà nước đối với các hoạt động thương mại phi giấy tờ bao gồm các điều khoản như chữ ký điện tử, thương mại phi giấy tờ. Quy định này nhằm đảm bảo các hoạt động thương mại thông qua phương tiện điện tử được thực hiện hiệu quả và công bằng.
Về nhóm cam kết liên quan đến thiết lập môi trường thuận lợi cho phát triển thương mại điện tử gồm 3 vấn đề: Bảo vệ thông tin cá nhân, pháp luật để hoàn thiện khung khổ pháp lý trong nước, pháp luật bảo vệ người tiêu dùng trên môi trường mạng trước các hành vi lừa đào trong thương mại điện tử. Mục tiêu của cam kết này là tạo dựng và thúc đẩy niềm tin của người tiêu dùng đối với hoạt động thương mại điện tử, tạo tiền đề vững chắc cho thương mại điện tử phát triển.
Đối với nhóm cam kết liên quan đến thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới, gồm 2 vấn đề: Các cam kết liên quan đến việc trao đổi dữ liệu cá nhân xuyên biên giới bằng phương tiện điện tử và hệ thống thiết bị máy chủ.
Hai nội dung này được đánh giá là tiền đề để thúc đẩy các giao dịch trực tuyến xuyên biên giới giữa các thành viên tham gia, các điều khoản bao gồm: Lưu chuyển thông tin xuyên biên giới, hệ thống máy chủ, giải quyết tranh chấp. Mục tiêu hướng tới là tăng cường thương mại điện tử xuyên biên giới giữa các quốc gia trong Hiệp định RCEP thông qua các phương tiện điện tử.
Ngoài ra, các cam kết về thương mại điện tử của RCEP còn có nét tương đồng với Hiệp định ASEAN về thương mại điện tử, FTA ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA) về mức độ cam kết, tuy nhiên bổ sung một vài điều khoản mới mang tính nâng cấp, phù hợp với tốc độ phát triển của các nước thành viên.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Hiệp định RCEP hứa hẹn mang tới tiềm năng thúc đẩy môi trường kinh tế số thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, mở đường cho sự tăng trưởng mạnh hơn nữa cho các lĩnh vực thương mại điện tử và thanh toán số. Các cam kết của RCEP về hỗ trợ số hóa cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đến siêu nhỏ sẽ hỗ trợ phát triển năng lực, điều này có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng và tăng doanh thu trong lĩnh vực kinh tế số.