A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tuân thủ quy tắc xuất xứ trong RCEP, tăng cường xuất khẩu hàng hoá sang các nước thành viên

Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định RCEP có những tiêu chuẩn, ưu đãi riêng, mang lại hiệu quả lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong khu vực.

Nhiều quy tắc xuất xứ cần tuân thủ

Hiệp định RCEP được 10 nước thành viên ASEAN và 05 nước đối tác là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia và New Zealand ký kết tháng 11/2020, chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2022. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 01/QĐ-TTg, ngày 04/01/2022 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định RCEP; trong đó, giao Bộ Công Thương chủ trì theo dõi đôn đốc các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức đại diện doanh nghiệp triển khai thực hiện kế hoạch và Bộ Công Thương đã có Quyết định số 197/QĐ-BCT, ngày 17/02/2022 ban hành kế hoạch thực hiện Hiệp định.

Doanh nghiệp dệt may hưởng lợi nếu đáp ứng các quy tắc về xuất xứ hàng hoá trong RCEP

Ông Trần Ngọc Bình - Trưởng Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực TP. Hồ Chí Minh - Bộ Công Thương cho biết, C/O là yếu tố quyết định để doanh nghiệp hưởng ưu đãi thuế quan từ FTA. “C/O không chỉ là giấy tờ xác định nguồn gốc hàng hóa, mà còn là công cụ để doanh nghiệp tận dụng tối đa các ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại quốc tế”, ông Bình chia sẻ.

Việt Nam hiện đã ký kết và thực thi 16 hiệp định FTA. Tuy nhiên, để hàng hóa xuất khẩu hưởng ưu đãi thuế quan, doanh nghiệp cần nắm vững quy tắc xuất xứ của từng hiệp định và thị trường xuất khẩu. Quy tắc xuất xứ còn đóng vai trò như "lá chắn" bảo vệ các nền kinh tế trước hành vi cạnh tranh không lành mạnh, buộc doanh nghiệp phải hiểu rõ các quy định này để đảm bảo quyền lợi cho sản phẩm của mình.

Một trong những lợi ích rõ rệt nhất mà RCEP đem lại là áp dụng 1 bộ quy tắc xuất xứ duy nhất, thay vì 5 bộ quy tắc xuất xứ riêng ở các Hiệp định thương mại tự do (FTA) ASEAN+ trước đây.

Đáng chú ý, việc thiết lập Hiệp định RCEP sẽ tạo cơ hội để kích hoạt, phát triển chuỗi cung ứng mới trong khu vực mà doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia nhằm thúc đẩy thương mại, đầu tư, tiết kiệm chi phí sản xuất bằng cách tối ưu hóa nguồn nguyên liệu chính cho chuỗi sản xuất thế giới, tiêu biểu như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước ASEAN.

Ngoài ra, khi RCEP có hiệu lực, các nước thành viên sẽ tiếp tục nghiên cứu, thảo luận về khả năng áp dụng quy tắc cộng gộp toàn phần (quy tắc xuất xứ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ từng bước tham gia chuỗi cung ứng khu vực).

Bên cạnh đó, quy định về chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa của RCEP cũng đa dạng hơn các FTA ASEAN+1, góp phần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp giảm thiểu thời gian xin cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) truyền thống, cắt giảm chi phí giao dịch và chủ động hơn trong việc phát hành hoá đơn thương mại.

Mặt khác, việc thực thi RCEP sẽ tạo nên một khuôn khổ ràng buộc pháp lý trong khu vực về thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, giải quyết tranh chấp. Qua đó, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, thúc đẩy Việt Nam trở thành điểm đến đáng tin cậy cho các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương đánh giá, đặc điểm của nền kinh tế trong khu vực RCEP cho thấy, nhiều đối tác có cơ cấu sản phẩm tương tự, năng lực cạnh tranh mạnh hơn Việt Nam trong khi chất lượng và hàm lượng giá trị gia tăng của hầu hết sản phẩm của nước ta còn khiêm tốn.

Vì vậy, khi Hiệp định RCEP đi vào hiệu lực, sức ép cạnh tranh sẽ gia tăng. Ngoài ra, hiện, đầu vào sản xuất của Việt Nam vẫn còn phụ thuộc nhất định vào các nguồn nhập khẩu, trong khi khả năng cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị khu vực còn hạn chế cũng như mức độ tham gia cung cấp thương mại dịch vụ toàn cầu còn khá khiêm tốn.

Doanh nghiệp được hưởng lợi

Là doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm sang Nhật Bản, đại diện Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Kantaro (TP.Vũng Tàu) cho biết, doanh nghiệp đã thành công trong việc tận dụng quy tắc xuất xứ hàng hóa để nâng cao giá trị sản phẩm. Mỗi năm, công ty xuất khẩu gần 40 container thực phẩm sang thị trường Nhật Bản. Việc hiểu và tuân thủ đúng quy tắc xuất xứ là chìa khóa để sản phẩm của họ đạt được tiêu chuẩn khắt khe từ Nhật Bản và các thị trường khác.

"Nhật Bản là một thị trường rất khó tính, không chỉ về chất lượng, mà còn về quy định xuất xứ hàng hóa. Chúng tôi phải đảm bảo minh bạch nguồn gốc xuất xứ để chứng minh sản phẩm tuân thủ quy định của FTA, qua đó hưởng các ưu đãi thuế quan", đại diện doanh nghiệp cho biết.

Trong khi đó, doanh nghiệp xuất khẩu ngành dệt may từng đối mặt với nhiều thách thức trong việc đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ, đặc biệt khi phần lớn nguyên liệu may mặc nhập khẩu từ Trung Quốc. Các quy định từ FTA, như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), đã giúp tháo gỡ phần nào khó khăn này.

Trước đây, để xuất khẩu sang Nhật Bản, sản phẩm dệt may phải tuân thủ quy tắc xuất xứ hai công đoạn - từ nguyên liệu đến gia công phải xuất xứ từ các nước thành viên của hiệp định. Điều này khiến nhiều DN gặp khó khăn vì Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu.

Từ khi RCEP có hiệu lực, quy tắc xuất xứ được đơn giản hóa, chỉ yêu cầu cắt may tại Việt Nam là đủ điều kiện hưởng ưu đãi thuế quan. Điều này không chỉ giảm bớt áp lực cho doanh nghiệp, mà còn tạo thêm nhiều cơ hội xuất khẩu vào Nhật Bản và các nước khác.


Tác giả: Lâm Nhi

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website