A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nâng cao giá trị xuất khẩu cho mặt hàng điều, tối ưu hoá lợi lợi từ FTA

Bộ Công Thương đã nghiên cứu mô hình Hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các Hiệp định FTA, trong đó có mô hình Hệ sinh tận dụng FTA cho ngành điều. 

Thông tin trên được lãnh đạo Vụ Chính sách thương mại đa biên đưa ra tại Hội nghị tọa đàm trao đổi trực tiếp với lãnh đạo các doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố về hệ sinh thái tận dụng các FTA (Hiệp định thương mại tự do), trong đó có Hiệp định EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam) trong lĩnh vực nông sản (tập trung ngành điều). Hội nghị do Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Bình Phước tổ chức ngày 9/10, tại Bình Phước. Đây là cơ hội để các địa phương, doanh nghiệp trong chuỗi giá trị ngành điều trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về các khó khăn, vướng mắc, thiết lập quan hệ hợp tác, xây dựng, vận hành hệ sinh thái ngành điều trong tương lai.

z5913682494867 d6e5e1b9c7f3e89761aeea018e8d23c8

Là một trong những ngành hàng nông sản có thế mạnh xuất khẩu, nhiều năm qua, ngành điều Việt Nam dẫn đầu cuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu. Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), Việt Nam hiện đang là "công xưởng" gia công, chế biến điều thô lớn nhất thế giới, xuất khẩu sang các thị trường chính như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc...Theo số liệu thống kê, Việt Nam hiện chiếm gần 80% lượng điều nhân xuất khẩu của thế giới; lượng điều thô được chế biến bởi các nhà máy điều Việt Nam chiếm 60% sản lượng điều thô toàn cầu. Năm 2023, xuất khẩu điều cả nước đạt hơn 644.000 tấn, kim ngạch hơn 3,64 tỷ USD, tăng 24% về lượng và tăng 18% về kim ngạch so với năm 2022.

Tỉnh Bình Phước được coi là thủ phủ của hạt điều, đứng đầu về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu. Thông tin tại toạ đàm, ông Vũ Ngọc Long - Giám đốc Sở Công Thương Bình Phước cho biết, diện tích canh tác điều trên toàn tỉnh gần 149,7 nghìn ha, chiếm gần 50% tổng diện tích trồng điều của cả nước nên Bình Phước, trên địa bàn tỉnh có hơn 1.400 cơ sở chế biến hạt điều quy mô nhỏ và vừa, đồng thời đứng đầu cả nước về sản lương, kim ngạch xuất khẩu hạt điều. 

Toàn cảnh vụ nghi lừa đảo lớn nhất lịch sử ngành điều Việt Nam

Năng suất điều Bình Phước bình quân giai đoạn 2020 – 2024 đạt 12,7 tạ/ha. Khu vực sản xuất điều cho năng suất bình quân cao đạt từ 1,8 tấn/ha tập trung tại các xã: Bom Bo, Minh Hưng (huyện Bù Đăng), Bình Thắng (huyện Bù Gia Mập), Phú Trung (huyện Phú Riềng). Tỉnh đã hỗ trợ cho 10 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu điều tham gia liên kết với 38 đơn vị (hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại) với diện tích liên kết với khoảng 4,5 nghìn ha; trong đó, chuỗi liên kết điều được chứng nhận hữu cơ Hoa Kỳ (USDA Organic) và chứng nhận hữu cơ Châu Âu (Organic EU) với khoảng 3,5 nghìn ha. 

Cũng theo Giám đốc Sở Công Thương Bình Phước, với tâm thế chủ động trong hội nhập, Bình Phước đã chỉ đạo các sở ngành phối hợp triển khai tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh nhà tận dụng ưu đãi và cơ hội từ các Hiệp định FTA. Qua đó, nâng cao nhận thức, hiểu biết về các nội dung cam kết cũng như khai thác tối đa lợi thế xuất khẩu và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hóa và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, trên cơ sở khai thác và hỗ trợ hiệu quả cho các ngành hàng có lợi thế cạnh tranh cao, duy trì tốc độ tăng trưởng những ngành hàng đã có vị trí cao, đồng thời quan tâm đầu tư thích đáng cho những ngành hàng có tiềm năng phát triển.

Đề cập đến những lợi thế khi thực thi FTA đối với việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại Đa biên (Bộ Công Thương) cho biết hiện nay, Việt Nam đã thực thi 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) và tiếp tục đàm phán các FTA khác trong thời gian tới. Điều này tạo ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp mở rộng hoạt động xuất khẩu của mình. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tích cực tận dụng hiệu quả các FTA, tăng trưởng doanh thu từ xuất khẩu lớn và ổn định, góp phần phát triển kinh tế đất nước. Đặc biệt đối với Hiệp định EVFTA, qua hơn 4 năm thực thi, EVFTA đã tạo bước đi thuận lợi về cơ hội đa dạng hóa thị trường cũng như mở rộng mặt hàng xuất khẩu cho cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng có nhiều khó khăn, thách thức đặt ra đối với nhà quản lý, doanh nghiệp, nông dân. Đó là tính cạnh tranh ngày càng khốc liệt khi Việt Nam hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu.

Đối với ngành điều, các chuyên gia tại tọa đàm nhận định, vị thế xuất khẩu của mặt hàng điều sẽ mất nếu không kịp thời thay đổi hoặc tìm hướng rẽ mới. Bởi nguồn nguyên liệu chế biến phần lớn đến từ nhập khẩu. Đây chính là lực cản lớn cho sự phát triển bền vững của ngành chế biến và xuất khẩu điều nhân, nhất là trong bối cảnh thị trường nhiều biến động như hiện nay. Theo đó, giải pháp trước mắt là xây dựng hệ sinh thái tận dụng các FTA cho ngành điều.

Hiện Bộ Công Thương đã nghiên cứu mô hình Hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các Hiệp định FTA; trong đó có mô hình Hệ sinh tận dụng FTA cho ngành điều. Tiêu chí tham gia đối với các doanh nghiệp gồm doanh nghiệp uy tín, tài chính ổn định; có hệ thống nhà xưởng máy móc chế biến đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu; cam kết phát triển bền vững, cam kết thu mua hàng hóa của nông dân, cam kết không cạnh tranh thiếu lành mạnh; có nguồn khách hàng tiềm năng, ưu tiên doanh nghiệp có hợp đồng xuất khẩu ổn định, bền vững.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận đề án hệ sinh thái tận dụng các FTA; cách thức, lộ trình xây dựng và lợi ích đem lại, tiêu chí tham gia từ việc xây dựng, vận hành hệ sinh thái tận dụng các FTA cho ngành điều; những khó khăn, vướng mắc, thiết lập quan hệ hợp tác, xây dựng, vận hành hệ sinh thái ngành điều cũng như sự chủ động của doanh nghiệp, hiệp hội khi thực hiện. Đây là cơ sở để ban tổ chức thống nhất xây dựng kế hoạch vận hành hệ sinh thái tận dụng FTA cho ngành điều trong thời gian tới.


Tác giả: Hải Minh

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website