Sản xuất, xuất khẩu cà phê bền vững để đáp ứng yêu cầu thị trường EU
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, Liên minh châu Âu (EU) là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong những tháng đầu năm 2024 Tính chung 8 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang EU đạt khoảng 420 nghìn tấn, trị giá 1.549,4 triệu USD, giảm 9% về lượng song tăng 42,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Tỷ trọng xuất khẩu hàng cà phê của Việt Nam sang EU chiếm 38% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của cả nước trong thời gian này.
Hưởng lợi từ EVFTA
Giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam sang EU trong tháng 8/2024 đạt 5.250 USD/tấn, tăng 6% so với tháng 7/2024 và tăng 86,4% so với tháng 8/2023. Trong 8 tháng đầu năm, mức giá xuất khẩu bình quân đạt 3.709 USD/tấn, tăng 54,3% so với cùng kỳ 2023.
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã và đang giúp cà phê xuất khẩu sang EU được hưởng lợi lớn, tuy nhiên thị trường này cũng đang áp dụng những quy định nghiêm ngặt về chống phá rừng và phát triển bền vững. Theo Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa), đối với Quy định của Nghị viện châu Âu về chống phá rừng và gây suy thoái rừng (EUDR), diện tích phá rừng và gây suy thoái rừng lấy thời điểm từ ngày 31/12/2020 trở lại đây, và thời gian cho doanh nghiệp lớn chuẩn bị là 18 tháng. Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa là 24 tháng. Đến ngày 01/01/2025, EU sẽ thực hiện giám sát các nước sản xuất đưa cà phê sang châu Âu, các sản phẩm cà phê trồng trên những diện tích phá rừng sẽ bị trả về. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng xuất khẩu của vụ 2023-2024 và đặc biệt từ vụ 2024-2025 trở đi, khi quy định dự kiến sẽ chính thức áp dụng.
Do đó, ngay từ đầu niên vụ 2023-2024 (tính từ tháng 11/2023), ngành cà phê đã phải có kế hoạch hành động triển khai thích ứng với quy định chống phá rừng và gây suy thoái rừng (EUDR), Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) và chứng chỉ carbon của Liên minh châu Âu. Việc triển khai từng bước các chương trình này thể hiện trách nhiệm của ngành cà phê toàn cầu đối với việc bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên, hạn chế tối đa sự ảnh hưởng của biển đổi khí hậu…
Các doanh nghiệp cà phê khác tại Việt Nam cũng đang nỗ lực nâng cao chất lượng cho cà phê để đáp ứng các yêu cầu quốc tế. Theo đó, để có được nguồn cà phê chất lượng cao đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, từ năm 2011 đến nay, Công ty Nestlé Việt Nam đã nỗ lực hỗ trợ hàng trăm nghìn nông dân tái canh cây cà phê già cỗi, chuyển dịch sang nông nghiệp tái sinh, nâng cao thu nhập, đồng thời kết hơp các hoạt động sản xuất, chế biến và xuất khẩu, nhằm tạo ra nhiều giá trị cho hạt cà phê Việt.
Bên cạnh việc tìm hiểu các nỗ lực canh tác bền vững tại các vườn cà phê, đoàn được giới thiệu về các sáng kiến bền vững thiết thực của Nestlé trong hoạt động sản xuất như các mô hình kinh tế tuần hoàn, quy trình xử lý, tái chế và tái sử dụng các chất thải từ sản xuất. Trung bình 60-65% tổng lượng nước thải/năm tại nhà máy chế biến cà phê đã được xử lý để tái sử dụng. Không dừng ở đó, 100% bã cà phê sau sản xuất được dùng làm năng lượng sinh khối. Cát thải trong lò hơi được cung cấp cho đối tác để làm nguyên liêu sản xuất gạch không nung. Từ năm 2015, các nhà máy của Nestlé Việt Nam đã đạt mục tiêu không phát thải chôn lấp ra môi trường. Nhờ vào những nỗ lực này, Nestlé không chỉ sản xuất ra những cốc cà phê ngon từ những hạt cà phê canh tác có trách nhiệm mà còn đóng góp cho một tương lai bền vững.
Là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong sản xuất cà phê hữu cơ, ông Thái Như Hiệp - Tổng giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp chia sẻ, con đường mà Vĩnh Hiệp đi là con đường sản xuất cà phê hữu cơ. Đây là con đường chông gai, song sẽ mang đến giá trị rất lớn cho cà phê Việt bởi cà phê hữu cơ chính là loại cà phê được các khách hàng khó tính như Mỹ, EU ưa chuộng.
Hiện nay, Vĩnh Hiệp là doanh nghiệp tiên phong trong việc nghiên cứu và sản xuất đáp ứng các bộ tiêu chuẩn quốc tế như USDA Hoa Kỳ, EU Organic, UTZ, BRC, Japan Organic, cùng các chứng nhận hữu cơ từ các tổ chức uy tín toàn cầu như: 4C, UTZ, BRC L'amant Café không chỉ trải nghiệm cà phê yêu thích của người Việt, mà còn ấp ủ tham vọng "Đưa cà phê hữu cơ Việt ra thế giới".
Hiện mỗi năm, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp xuất khẩu khoảng 50-70 tấn cà phê các loại cho thị trường thế giới, trong đó, xuất sang thị trường châu Âu chiếm 60%. Cà phê Vĩnh Hiệp luôn được thị trường ưa chuộng với cung không đáp ứng đủ nhu cầu.
Liên kết chặt với người nông dân
Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), cho biết: Thời gian qua, các tổ chức và DN tại EU cũng như nhiều nước trên thế giới liên tục kêu gọi trì hoãn việc thực hiện quy định này vì nhiều lý do khác nhau. Tuy nhiên, hướng dẫn mới cho thấy EU kiên quyết không nhân nhượng với nạn phá rừng, buộc các doanh nghiệp phải "vắt giò lên cổ chạy" cho kịp tiến độ.
Tuy nhiên, hiện nay, đối với tỉnh Đắk Lắk cũng như cà phê Việt Nam nói chung, có điểm thuận lợi là những năm qua chúng ta đã xây dựng các tổ chức, mô hình liên kết sản xuất cà phê bền vững, có chứng nhận nên có thể dễ dàng thực thi quy định chống phá rừng của EU. Các doanh nghiệp xuất khẩu chỉ cần tiếp cận nhóm nông dân này và hoàn thiện hồ sơ thủ tục theo hướng dẫn của EU về lô, thửa, danh sách hộ nông dân, tọa độ… là có thể yên tâm xuất khẩu.
Theo VICOFA, trong hơn 1 năm qua, các bộ, ngành tích cực phối hợp các hiệp hội cũng như các DN để thực hiện EUDR. Ngoài tính trách nhiệm với môi trường, chúng ta xem đây là cơ hội nâng cao tiêu chuẩn cho sản phẩm hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt là cà phê. EU là thị trường rất quan trọng, chiếm gần 50% tổng lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam nên bằng mọi cách phải giữ được thị trường.