Việt Nam - Vương quốc Anh thúc đẩy hợp tác năng lượng hướng đến phát triển kinh tế xanh, bền vững
Trong các đối tác của Việt Nam, Vương quốc Anh đã và đang có nhiều hỗ trợ, hợp tác mạnh mẽ cùng Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Việt Nam là quốc gia có tiềm năng dồi dào cho phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là nguồn điện mặt trời, điện gió bao gồm gió trên bờ và gió ngoài khơi. Theo tính toán tại Quy hoạch điện VIII, tiềm năng điện mặt trời của Việt Nam khoảng 963.000 MW, trong đó: mặt đất khoảng 837.400 MW, mặt nước khoảng 77.400 MW và mái nhà khoảng 48.200 MW, tổng tiềm năng kỹ thuật của điện gió trên bờ khoảng 221.000 MW, điện gió ngoài khơi khoảng 600.000 MW.
Trong giai đoạn vừa qua, Việt Nam chứng kiến sự phát triển đáng nghi nhận của các nguồn điện năng lượng tái tạo. Đến thời điểm hiện tại, công suất đặt các nguồn năng lượng tái tạo là 22.370 MW, chiếm 27,1% tổng công suất đặt của hệ thống điện là 82.617 MW, trong đó: nguồn điện gió là 5.345 MW (điện gió trên bờ), chiếm tỷ trọng 6,47%, điện mặt trời là 16.630 MW, chiếm tỷ trọng 20,13%, điện sinh khối là 395 MW, chiếm tỷ trọng 0,48% hệ thống điện. Sản lượng điện từ năng lượng tái tạo đạt 43,96 tỷ kWh chiếm 20,52% so với sản lượng điện toàn hệ thống.
Ngày 14/12/2022, Việt Nam đã trở thành quốc gia tham gia Chương trình Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với các quốc gia phát triển và tổ chức tài chính hàng đầu nhằm huy động 15,5 tỷ USD tài chính công và tư nhân trong 3 đến 5 năm tới để hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam. Các Đối tác sẽ hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đẩy nhanh việc đạt đỉnh điểm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch.
Trong các đối tác của Việt Nam, Vương quốc Anh đã và đang có nhiều hỗ trợ, hợp tác mạnh mẽ cùng Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Chia sẻ về các chương trình hỗ trợ mà Vương quốc Anh đang triển khai tại Đông Nam Á, bà Rhiannon Harries - Phó Cao uỷ Thương mại Anh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết, Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam là khu vực thiết yếu đối với tăng trưởng và an ninh toàn cầu, đồng thời cũng đang phải đối mặt với những thách thức của tình trạng biến đổi khí hậu. Đây cũng là khu vực đang có quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, phát triển kinh tế xanh diễn ra mạnh mẽ.
Theo dự báo, nền kinh tế xanh có thể mang lại cho ASEAN giá trị 229 tỷ bảng Anh (300 tỷ đô la Mỹ) hàng năm vào năm 2030, tương đương với 5% GDP của khu vực này.
Vương quốc Anh hiện đang hợp tác với ASEAN để thúc đẩy hợp tác về năng lượng và cơ sở hạ tầng: từ việc cung cấp hỗ trợ tài chính và hỗ trợ kỹ thuật, đến việc các doanh nghiệp tư nhân Anh tham gia đầu tư các dự án liên quan.
Về cơ sở hạ tầng, thông qua các định chế tài chính, Vương quốc Anh sẽ hỗ trợ nguồn tài chính mới, dài hạn cho cơ sở hạ tầng sạch tại Đông Nam Á. Điều này bao gồm khoản đầu tư lên tới 110 triệu bảng Anh của Vương quốc Anh vào Quỹ Tài chính Xanh Xúc tác ASEAN (ASEAN’s Green Catalytic Finance Facility).
Về năng lượng, Anh Quốc là quốc gia đi đầu thế giới về năng lượng sạch, có thị trường điện gió ngoài khơi lớn nhất châu Âu, và lớn thứ 2 trên thế giới. “Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á trong quá trình chuyển đổi năng lượng sạch” - bà Rhiannon Harries thông tin và nhấn mạnh, việc hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng sạch và khí hậu của Đông Nam Á sẽ thúc đẩy các cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp Anh và ASEAN, trong đó có Việt Nam khi nền kinh tế xanh của chúng ta cùng phát triển.
Về các hoạt động hỗ trợ dành riêng cho Việt Nam, bà Rhiannon cho biết, với vị thế là nền kinh tế lớn đầu tiên đưa vào luật cam kết đạt phát thải carbon ròng bằng 0 vào vào năm 2050, Vương quốc Anh luôn nhận thức được trách nhiệm và đảm bảo tiềm lực để hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng.
Cùng với JETP, Vương quốc Anh đang hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam thông qua chương trình Đối tác chuyển đổi khí hậu tăng tốc (UK PACT). Chương trình này cung cấp hỗ trợ kỹ thuật tập trung vào giảm thiểu khí hậu trên nhiều lĩnh vực.
Trong đó, Dự án tài chính xanh của UK PACT, do EY và The Asia Foundation thực hiện đang hợp tác với Chính phủ Việt Nam để giúp các doanh nghiệp địa phương đưa các rủi ro và cơ hội về khí hậu vào chiến lược kinh doanh của họ nhằm cải thiện khả năng tiếp cận nguồn tài chính bền vững.
Ngoài ra, Dự án trái phiếu xanh do Quỹ Carbon Trust triển khai đang hợp tác với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để hoàn thiện hướng dẫn về phát hành trái phiếu xanh và xây dựng nhận thức và năng lực cần thiết cho các bên tham gia thị trường nhằm tăng cường phát hành trái phiếu xanh tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, Anh quốc cũng đang hợp tác với Việt Nam để hỗ trợ phát triển một trung tâm tài chính khu vực/quốc tế, trong đó định vị tài chính xanh đóng vai trò chủ chốt. Ngoài các chương trình trọng điểm, Đại sứ quán và Lãnh sự quán Anh tại Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ với các bộ, ngành và các bên liên quan để cung cấp các hoạt động xây dựng năng lực trong một số lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực năng lượng.
Đặc biệt, theo định hướng của Chính phủ Anh, các định chế tài chính, doanh nghiệp Anh đã và đang có nhiều cơ chế tài chính hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng, phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam.
“Chúng tôi tin tưởng rằng, với những hỗ trợ, hợp tác cả về cấp Chính phủ và cấp doanh nghiệp, quá trình chuyển đổi năng lượng sạch của Việt Nam sẽ diễn ra đúng kế hoạch” - bà Rhiannon tin tưởng.
Mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành và bà Catherine West, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và Phát triển Vương quốc Anh đã ký kết Bản ghi nhớ trong lĩnh vực môi trường và khí hậu. Việc ký kết Bản ghi nhớ là dấu mốc quan trọng trong hợp tác giữa Việt Nam và Vương quốc Anh ở lĩnh vực ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, với các nội dung chính về chuyển dịch năng lượng công bằng, bảo tồn đa dạng sinh học, thị trường carbon...
Bản ghi nhớ sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai quốc gia, giúp Việt Nam đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và phát triển bền vững, trong khi Vương quốc Anh chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ kỹ thuật. Bản ghi nhớ cũng góp phần vào mục tiêu toàn cầu về phát thải ròng bằng 0 và thực hiện các cam kết quốc tế như Thỏa thuận Paris và Mục tiêu Phát triển bền vững.