Tham gia hệ sinh thái FTA: Thúc đẩy xuất khẩu da giày sang Anh
Đối với ngành da giày, Vương quốc Anh vẫn là một thị trường chủ lực, ngay khi Anh còn trong khối EU thì tỷ trọng của thị trường Anh đã chiếm 25-30%. Khi Anh rời khỏi EU, Chính phủ Việt Nam và Vương quốc Anh đã kịp thời ký kết Hiệp định UKVFTA. Vì vậy, xuất khẩu của ngành da giày vào thị trường Anh không bị gián đoạn.
Theo số liệu thống kê, 8 tháng năm 2024, xuất khẩu giày dép sang Anh tăng trưởng 25%.
Có thể thấy, Hiệp định thương mại tự do (FTA) trong đó có Hiệp định UKVFTA đã tạo ra nhiều cơ hội thuận lợi cho ngành da giày Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu. Tuy vậy, để giải quyết các điểm nghẽn như: tự chủ nguyên liệu, chuyển đổi công nghệ đáp ứng các tiêu chuẩn cao của thị trường… theo các chuyên gia việc xây dựng hệ sinh thái FTA cho ngành da giày là một giải pháp thiết thực nhằm giúp các doanh nghiệp tối ưu hóa lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), cũng như xuất khẩu bền vững.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Mai, Trung tâm Thiết kế và Phát triển sản phẩm - Viện Nghiên cứu Da Giày cho rằng, việc tham gia hệ sinh thái FTA không chỉ giúp thúc đẩy xuất khẩu da giày mà còn xây dựng văn hóa kết nối và hợp tác, giúp các doanh nghiệp xử lý vướng mắc trong quá trình xuất khẩu, đồng thời, doanh nghiệp còn có cơ hội nhận được hỗ trợ tài chính từ các tổ chức tín dụng khi tham gia vào hệ sinh thái này.
Ngoài ra, hệ sinh thái này cũng giúp phát triển sản xuất nguồn nguyên phụ liệu nội địa hóa, đồng thời cải thiện năng lực sản xuất của doanh nghiệp để đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu của các thị trường quốc tế. Việc phát triển hệ sinh thái FTA sẽ đóng góp lớn cho sự phát triển bền vững của ngành da giày Việt Nam.
Theo Tiến sỹ Lê Huy Khôi, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, Bộ Công Thương đã định hướng xây dựng hệ thống hỗ trợ cho ngành da giày, giúp giải quyết những vướng mắc hiện tại. Các xu hướng phát triển hiện nay, đặc biệt là các yêu cầu từ thị trường nhập khẩu, đòi hỏi việc áp dụng các tiêu chuẩn mới liên quan đến môi trường và lao động. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Gần đây, hệ sinh thái ngành công nghiệp đã được mở rộng với hai yếu tố chính, đó là yếu tố mềm về tổ chức, cơ chế chính sách và yếu tố cứng về phát triển công nghệ. Chính sách mới sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong ngành da giày, giúp họ kết nối và hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình phát triển.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đang phối hợp với các viện nghiên cứu để triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện phát triển bền vững. Các mô hình mới sẽ giúp giảm chi phí sản xuất và nâng cao hiệu quả cho các doanh nghiệp trong ngành.