Xuất khẩu sang thị trường Bắc Âu: Doanh nghiệp cân nhắc thị trường ngách
Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy - Tham tán thương mại Việt Nam tại Thụy Điển, tại Phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Bắc Âu do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển và Hội Doanh nhân Việt Nam tại Thụy Điển phối hợp tổ chức ngày 3/12.
“Mở lối” từ thị trường ngách
Bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý cũng cho biết: Thị trường Bắc Âu tuy dân số ít với gần 24 triệu người nhưng kim ngạch nhập khẩu khá ấn tượng, đạt gần 377 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng ổn định. Xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực Bắc Âu hiện khá nhỏ, chiếm chưa đến 1% thị phần. Có thể thấy, thị trường Bắc Âu còn khá tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam khai thác. Tuy vậy, để hàng hoá Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường này là điều không dễ dàng bởi dung lượng nhỏ, khoảng cách địa lý xa, đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng khắt khe, thậm chí cao hơn cả với một số quốc gia khu vực EU.
Trong cách tiếp cận khối Bắc Âu, theo bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý, doanh nghiệp có thể cân nhắc tới thị trường ngách. Trong thị trường này, sản phẩm được tập trung vào một phân khúc khách hàng cụ thể, có ưu điểm ít cạnh tranh, khả năng giữ khách cao và phù hợp với doanh nghiệp có quy mô sản xuất vừa và nhỏ của Việt Nam.
Trong số các thị trường ngách, thị trường các sản phẩm hữu cơ rất đáng lưu ý khi người tiêu dùng Bắc Âu ngày càng quan tâm đến bảo vệ môi trường. Dự báo đến năm 2030, lượng tiêu thụ thực phẩm hữu cơ ở các nước Bắc Âu sẽ tăng gấp 2 đến 3 lần so với hiện tại. Các nước Bắc Âu cũng có xu hướng giảm sử dụng bao bì nhựa, thay thế bằng bao bì thân thiện với môi trường. Việc phát triển các giải pháp đóng gói kháng khuẩn cho thực phẩm dễ hỏng dựa trên vật liệu nano tự nhiên, kết hợp việc sử dụng bao bì bền vững và giảm chất thải thực phẩm sẽ thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng.
Tiếp đó, gạo Japonica ngày càng được nhập khẩu nhiều vào các nước Bắc Âu. Giá gạo Việt Nam rẻ và lại được hưởng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), trong thời gian tới sẽ rất hấp dẫn các nhà nhập khẩu.
Cà phê, theo EVFTA, cà phê Buôn Mê Thuột là một 39 sản phẩm của Việt Nam được EU công nhận và bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Do vậy, ngoài việc phát triển thị trường cà phê truyền thống, doanh nghiệp có thể cân nhắc phát triển thương hiệu sản phẩm cà phê đặc sản và mới lạ, được bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Với mật ong, các nước EU tiêu thụ hơn 20% tổng lượng tiêu thụ mật ong toàn cầu, nhu cầu mật ong đơn hoa ngày càng phổ biến tại thị trường Bắc Âu, đây cũng là một thị trường ngách mà doanh nghiệp Việt Nam có thể khai thác.
Đưa ra những nhận định khả quan về thị trường Đan Mạch nói riêng và thị trường Bắc Âu nói chung, bà Linda Grandlose Hansen - Vụ trưởng Vụ Xuất khẩu và Đổi mới, Ủy ban Thương mại Đan Mạch - chỉ ra: Doanh nghiệp Việt Nam nên tận dụng những tín hiệu sáng của thị trường Bắc Âu thời điểm hiện tại. Việt Nam có nền sản xuất hiện đại, nhất là trong nhóm hàng linh kiện điện tử, hàng tiêu dùng, may mặc. Thị trường Bắc Âu khá ưa chuộng sản phẩm có độ thông minh cao, thiết kế lịch sự. Đáp ứng được các yêu cầu trên chắc chắn là điểm cộng cho sản phẩm của Việt Nam. “Riêng trong nhóm hàng may mặc, nhân lực trẻ của Việt Nam có thẩm mỹ tốt, có khả năng thiết kế nhưng cần được hỗ trợ về tài chính và trao quyền nhiều hơn để vươn tầm quốc tế”, bà Linda Grandlose Hansen nói.
Ngoài ra, theo bà Linda Grandlose Hansen, Bắc Âu và Đan Mạch đều rất coi trọng yếu tố bền vững. Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần tối ưu hoá quy trình sản xuất, hạn chế phát thải ra môi trường, hướng đến sản xuất xanh, sản phẩm thân thiện môi trường.
Doanh nghiệp quan tâm
Tại Phiên tư vấn, giải đáp các vấn đề doanh nghiệp quan tâm về tiềm năng thị trường, các quy chuẩn chất lượng, đóng gói, thị hiếu tiêu dùng và phương thức tiếp cận thị trường Bắc Âu…, nhất là với mặt hàng nông sản, thực phẩm, bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý - nhấn mạnh: Hệ thống các quy định, tiêu chuẩn của EU hết sức phức tạp và nghiêm ngặt, mỗi loại hàng hóa có những tiêu chuẩn riêng. Tuy nhiên, hệ thống thông tin của EU rất rõ ràng, minh bạch và dễ dàng tra cứu. Các doanh nghiệp có thể vào trang hỗ trợ thông tin thương mại của EU, đánh mã HS sản phẩm và thị trường muốn xuất khẩu sẽ có thông tin cần thiết.
Đối với nhóm hàng nông sản, thực phẩm, ngoài tra cứu trên trang website chính thức của EU, Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển vừa xuất bản cuốn sách về một số quy định nhập khẩu hàng nông sản, thực phẩm của khu vực Bắc Âu. Trong đó tóm tắt hệ thống pháp luật của EU liên quan đến an toàn thực phẩm, yêu cầu dán nhãn, quy định về bao bì và container, phụ gia thực phẩm, thuốc trừ sâu và chất gây ô nhiễm, các yêu cầu, quy định, tiêu chuẩn cụ thể khác. Đồng thời cũng giới thiệu thêm một số quy định riêng của Thụy Điển, Đan Mạch, và Na Uy. doanh nghiệp có thể chủ động vào để tra cứu.
Riêng với mặt hàng cà phê, bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý - thông tin thêm: Các nước Bắc Âu tiêu thụ cà phê nhiều nhất thế giới tính theo đầu người. Do vậy, nhu cầu là có nhưng trên thực tế, để cà phê Việt Nam vào được khu vực này thực sự rất khó khăn do thói quen tiêu dùng. Cà phê Robusta chiếm khoảng 95% cà phê xuất khẩu từ Việt Nam, trong khi khối Bắc Âu chủ yếu tiêu dùng cà phê Arabica, chỉ nhập khẩu một lượng rất nhỏ cà phê Robusta để phối trộn. Đây chính là nguyên nhân lớn nhất cho cà phê Việt Nam chưa hiện diện nhiều tại thị trường khu vực này.
Cà phê nhập khẩu vào khu vực Bắc Âu bắt buộc phải tuân theo các yêu cầu và quy định chung của EU đối với thực phẩm, ví dụ: Luật thực phẩm chung, quy định 1881/2006 về hàm lượng tối đa chất ô nhiễm trong thực phẩm, quy định 396/2005 về ngưỡng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, quy định 2073/2005 về các chỉ tiêu vi sinh vật cho thực phẩm. Mặt hàng cà phê cũng cần lưu ý về truy xuất nguồn gốc và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Với kinh nghiệm nhiều năm nhập khẩu hàng hoá vào thị trường Thuỵ Điển, trong đó có hàng Việt Nam, ông Diệp Văn Tỷ - Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Thụy Điển, Giám đốc doanh nghiệp East Asean Food AB - bày tỏ: Việt Nam có nhiều mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu vào Bắc Âu như gạo, mặt hàng chế biến từ gạo, rau củ tươi và đông lạnh, hải sản… Tuy nhiên, hàng hoá Việt Nam có điểm yếu là giá thành quá cao, kể cả đã hưởng ưu đãi thuế quan. Cùng đó, việc không tuân thủ theo đúng hợp đồng; nguồn cung hàng hoá không ổn định … cũng gây cản trở cho việc hợp tác giữa nhà doanh nghiệp Việt Nam với nhà nhập khẩu Bắc Âu, Thuỵ Điển.
Ông Ashkan Halvaei - Giám đốc điều hành doanh nghiệp Madam Hong AB cũng - khuyến cáo: Bên cạnh yếu tố chất lượng, hàng hoá Việt Nam muốn xuất khẩu vào Bắc Âu cần chú ý về quy cách đóng gói, được quảng bá thương hiệu, thay thế sản phẩm từ thực vật thay cho động vật.