A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đưa sản phẩm quế hồi của đồng bào dân tộc thiếu số vươn tầm quốc tế

Hơn 10 năm khởi nghiệp, Công ty Quế hồi Việt Nam VINASAMEX đã trở thành cầu nối để đưa sản phẩm quế hồi của đồng bào dân tộc các tỉnh Tây Bắc vươn tầm quốc tế.

Tình yêu với dược liệu quê nhà

Chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Huyền - CEO Công ty cổ phần Xuất khẩu quế hồi Việt Nam (Vinasamex) vào một buổi chiều cuối thu đầy gió. Không ít lần được gặp nhau, song câu chuyện của chị chỉ loanh quanh cây quế, cây hồi, về hành trình mình đến với con đường xuất khẩu nông sản và ước mơ được đưa cây quế hồi Việt Nam vươn ra thị trường thế giới. Nhưng hơn tất cả là niềm vui, có chút tự hào khi mang lại công việc, cải thiện đời sống cho hàng nghìn gia đình nông dân tại các tỉnh miền núi Việt Nam.

Những ngày đầu khởi nghiệp bằng việc thuyết phục người dân trồng quế organic, hai vợ chồng Huyền đi đến đâu cũng bị mọi người từ chối, thậm chí cười nhạo. Chưa từng có một tiền lệ nào cho việc trồng quế chuẩn hữu cơ ở Việt Nam khi ấy. Càng không ai tin một cô gái từ tận Hà Nội xa xôi, lại lên tận đây để dạy bà con về tiêu chuẩn organic.

Những hộ dân tộc, sống bám vào những mảnh rừng, lần đầu tiên được dạy thế nào là ăn sạch, uống sạch. Họ được đào tạo để hiểu rằng, sạch – hữu cơ nghĩa là phải sạch từ nguồn đất, từ nguồn nước. Cứ thế, bằng sự nhẫn nại và quyết tâm, dần dần, Huyền và Vinasamex lấy được niềm tin của bà con, sự ủng hộ của chính quyền địa phương.

Từ những công hàng đầu tiên bị từ chối, trả về vì chưa đạt chất lượng, giờ đây, những cây quế của bà con dân tộc đã đạt chuẩn xuất khẩu tới những thị trường khó nhất thế giới, đã có thể truy xuất nguồn gốc, mang lại công ăn việc làm, cải thiện đời sống cho hàng ngàn hộ dân.

Nếu như cách đây 5, 6 năm, thu nhập của mỗi hộ dân trồng quế chỉ khoảng 7 – 10 triệu đồng/ha thì bây giờ thu nhập trung bình đã tăng lên 150 triệu đồng/ha. Nếu như trước đây để vào được rừng quế, Huyền và mọi người phải đi bộ đường đất cả ngày vì xe không vào được, thì giờ đây nhà máy của Vinasamex đặt ở giữa vùng nguyên liệu, đường bê tông ô tô đi vào đến tận cửa nhà máy. Và quan trọng nhất là Huyền đã mang lại giá trị, sự bình đẳng giới cho hàng ngàn phụ nữ người Dao – xưa nay vốn là lao động chính trong gia đình nhưng hoàn toàn không có tiếng nói.

Đơn cử, tại Lào Cai, thời gian qua, tỉnh Lào Cai đã tích cực triển khai các giải pháp kết nối cung cầu, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa có thế mạnh. Đồng thời, tích cực kết nối giữa doanh nghiệp với các vùng trồng nông sản để đẩy mạnh tiêu thụ. Lào Cai đã kết nối để ký kết hợp đồng nguyên tắc tiêu thụ sản phẩm giữa Công ty Quế hồi Việt Nam Vinasamex với UBND huyện Bảo Thắng.

Cùng với đó, Lào Cai cũng chú trọng việc xây dựng các cơ sở chế biên nông sản để tăng giá trị hàng hóa và tạo việc làm ổn định cho lao động tại địa phương. Vừa qua, Nhà máy sản xuất, chế biến quế hữu cơ do Công ty Quế Hồi Việt Nam Vinasamex làm chủ đầu tư đã được khởi công xây dung trên diện tích 10 ha tại thôn Cốc Sâm, xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng. Nhà máy có công suất chế biến 10.000 – 15.000 tấn quế tươi/năm; chiết suất tinh dầu quế đạt 50.000 lít/năm với tổng mức đầu tư hơn 400 tỷ đồng. Dự kiến quý III năm 2024, Nhà máy hoàn thành và đi vào hoạt động, sẽ tạo việc làm ổn định cho 250 lao động địa phương.

Nhờ vậy, vài năm trở lại đây, giá quế của bà con vùng đồng bào dân tộc tại Lào Cai khá cao và ổn định. Vỏ quế khô đang được tư thương và các doanh nghiệp thu mua ở mức từ 58.000 - 59.000 đồng/kg; vỏ quế tươi 28.000 - 30.000 đồng/kg; lá quế từ 1.800 - 2.000 đồng/kg. Các sản phẩm quế thu hoạch đến đâu có thương lái, doanh nghiệp đến tận nơi thu mua đến đó. Mức giá như hiện nay không chỉ giúp người dân có thu nhập trang trải cuộc sống mà còn yên tâm bảo vệ rừng và phát triển kinh tế dưới tán rừng. Quế Việt Nam đang hiện diện ở nhiều thị trường như Singapore, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, EU,…

Sự đổi thay của đời sống của đồng bào Mông, Dao, Tày, Nùng, Phù Lá… nơi cây quế được coi như người bạn được bắt đầu khi có sự vào cuộc của các doanh nghiệp tham gia xây dựng chuỗi giá trị, bao tiêu đầu ra cho bà con nông dân và thu mua với giá cao hơn từ 10-15% so với thị trường. Chị Nguyễn Thị Huyền chia sẻ, vùng nguyên liệu của Việt Nam hoàn toàn tự nhiên và tốt. Nhưng do điều kiện kinh tế nên Việt Nam không có những công nghệ, máy móc để có thể chế biến và tạo ra được các sản phẩm được kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt. Vì vậy, sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu của các thị trường cao cấp. Đây là câu hỏi cũng là bài toán cần Vinasamex giải.

“Đây là lý do Vinasamex quyết định xây dựng chuỗi giá trị với người nông dân. Bắt đầu với 1.000 nông dân và xin chứng nhận hữu cơ cho 1.000 ha. Và chỉ trong vòng 1 năm, doanh nghiệp đã xin được chứng nhận hữu cơ của 4 thị trường Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc. Tính đến nay, doanh nghiệp đã hợp tác với 3.000 hộ nông dân với diện tích 4.200 ha đạt chứng nhận hữu cơ quốc tế” – chị Nguyễn Thị Huyền nói.

Bên cạnh việc xây dựng vùng nguyên liệu, Vinasamex cũng mua sản phẩm cho bà con nông dân với giá cao hơn giá thị trường. Đây là phần được Vinasamex gọi là extramoney, là phần tạo sinh kế và tăng sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số. Nếu như cách đây 10 năm, 1 hộ nông dân có thu nhập 7 triệu đồng/ha/năm thì nay tăng lên 120 – 150 triệu đồng/ha/năm. Tức là sinh kế của họ tăng gấp gần 20 lần so với trước đây.

Gìn giữ cho cánh rừng quê hương

Không chỉ khai thác, mà Vinasamex xác định sẽ kinh doanh bền vững trên những cánh rừng quê hương. Do đó, vùng nguyên liệu quế, hồi của Vinasamex tuân thủ nhiều tiêu chuẩn như không sử dụng phân bón hóa học hay chất kích thích tăng trưởng gây hại cho đất, cho cây, không sử dụng thuốc triệt cỏ trong quá trình canh tác.

Trải qua hơn 10 năm hình thành và phát triển, Vinasamex đến nay đã trở thành thương hiệu quế hồi cao cấp tại Việt Nam, xây dựng và sản xuất theo chuỗi giá trị khép kín, đồng hành bền vững với người nông dân vùng cao ở Yên Bái, Lạng Sơn, Lào Cai… góp phần nâng tầm sản phẩm quế hồi Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Nhận định về tác động lan tỏa của mô hình chuỗi sản xuất quế hồi hữu cơ của Vinasamex tới bà con vùng Tây Bắc, ông Nguyễn Lê Bình, Phó Chánh Văn phòng Quốc gia giảm nghèo (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho biết, Vinasamex đã có nhiều đóng góp giúp bà con vùng sâu vùng xa, đặc biệt là bà con nghèo tận dụng được các sản phẩm đặc trưng của vùng đất của mình để giảm nghèo bền vững.

Hiện nay, các nhân viên bán hàng của Vinasamex không chỉ là chuyên gia thương mại quốc tế mà còn rất hiểu về nguyên liệu quế, về thị trường gia vị quốc tế. Ai trong số họ, cũng có thể giải thích cặn kẽ với khách hàng về những thanh quế đến từ đâu – giống như Huyền – ngày hôm nay, đang ngồi đây say sưa kể với chúng tôi. Và đó là cách mà một thương hiệu do người Việt làm chủ, đã đưa cây quế từ vùng núi cao Yên Bái đến với những thị trường khó tính nhất thế giới.


Tác giả: Ngọc Lâm

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website