A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chợ phiên Pò Hèn: Thúc đẩy giao thương vùng đồng bào dân tộc thiểu số Quảng Ninh

Chợ phiên Pò Hèn được mở cửa trở lại sẽ là cơ hội thúc đẩy giao thương vùng đồng bào dân tộc thiểu số thành phố Móng Cái (Quảng Ninh).

Mở lại chợ phiên Pò Hèn

Là một xã miền núi cách trung tâm Thành phố Móng Cái 35 km, có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc dài 12 km, gồm 03 dân tộc anh em (Kinh, Dao, Sán Chỉ) cùng sinh sống, trong đó dân tộc Dao, Sán Chỉ chiếm đến 86,8%, xã Hải Sơn được xác định là địa bàn vùng cao, biên giới có vị trí trọng yếu chiến lược về Quốc phòng - an ninh và luôn được đón nhận sự quan tâm của các cấp các ngành.

Đặc biệt, Thành phố đã luôn có nhiều cơ chế chính sách, sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sát sao giúp cho Hải Sơn có nhiều bứt phá trong quá trình phát triển… nhất là từ khi tuyến đường Quốc lộ 18C, đường kết nối Hải Sơn - Hải Tiến đi vào hoạt động.

Bên cạnh đó, Khu di tích lịch sử Pò Hèn được xếp hạng di tích cấp Quốc gia… đã mở thêm nhiều điều kiện thuận lợi để Hải Sơn phát triển, nhất là lĩnh vực du lịch trải nghiệm, du lịch tâm linh. Đồng thời, thương hiệu ẩm thực của Hải Sơn với những đặc sản như: Ngan đen, Lợn bản, cá suối, rau rừng, mật ong, rượu sim, trà Hoa vàng, sôi ngũ sắc… ngày càng được khẳng định được thương hiệu và thu hút sự quan tâm, tiêu dùng của rất nhiều người dân và du khách. 

Di chuyển tới Phiên chợ Pò Hèn, có 3 tuyến đường cho du khách lựa chọn, tuy nhiên để thuận tiện du khách nên đi 2 tuyến: Nếu khách đi từ Trung tâm thành phố thì đến km3 Hải Yên, đi theo quốc 18C đi qua xã Bắc Sơn là đến Chợ Pò Hèn xã Hải Sơn; nếu du khách đi Cao Tốc Hạ Long - Móng Cái thì đến nút giao đường dẫn đến Huyện Hải Hà tiếp tục đi đường 18A hướng về Móng Cái, rẽ vào đường 18C đi Cửa khẩu Bắc Phong Sinh đi vào địa phận xã Hải Sơn Thành phố Móng Cái, đi thẳng là tới Chợ Pò Hèn.

Chợ Pò Hèn là chợ truyền thống có từ lâu đời, được hình thành trong giai đoạn từ năm 1975 tại khu vực Pò Hèn, là nơi trao đổi hàng hóa của nhân dân trong vùng, giao thương với thôn Thán Sản (Trung Quốc). Chợ được họp vào các ngày mùng 2, 5, 8, 12, 15, 18, 22, 25, 28 âm lịch; đến năm 2000, xã Hải Sơn đã xây dựng lại chợ; các mặt hàng được giao thương chủ yếu là nông, lâm sản của nhân dân trong vùng và một số tiểu thương ở huyện Hải Hà mang các mặt hàng nông sản và nhu yếu phẩm đến giao thương trao đổi lấy các lâm sản, nông sản.

Tuy nhiên từ năm 2019 đến năm 2022 do dịch Covid-19 chợ đã ngừng hoạt động và đã xuống cấp không đáp ứng được hoạt động trở lại. Năm 2023, được thành phố bố trí vốn chỉnh trang lại chợ, sau khi được chỉnh trang lại hiện nay có 30 hộ thực hiện đăng ký kinh doanh thường xuyên tại chợ.

Việc khôi phục chợ phiên Pò Hèn nhằm bảo tồn nếp văn hóa quen thuộc của người dân vùng cao xã Hải Sơn, để người dân từ các thôn hội họp, trao đổi, buôn bán những sản phẩm nông sản đơn thuần như gà, lợn, tỏi khô, măng, mật ong rừng, các loại rau, thuốc bắc... Chợ phiên Pò Hèn đi vào hoạt động có sự tham gia của các gian hàng, trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của các dân tộc thiểu số trên địa bàn như trang phục các dân tộc, nông lâm sản địa phương, đặc sản ẩm thực...

Thúc đẩy giao thương

Chợ phiên Pò Hèn hoạt động kinh tế thương mại, mua bán hàng hóa theo cơ chế thị trường. Dân cư các xã lân cận thuộc huyện Bình Liêu, Hải Hà cũng đưa hàng hóa lâm thổ sản - đặc sản địa phương, hàng thêu-hàng dệt y phục riêng của dân tộc mình, sản phẩm OCOP đến bán. Chợ phiên còn có đủ hương vị văn hóa ẩm thực người vùng cao, món ăn lạ miệng du khách nhưng khoái khẩu. Thị trường “có cầu - có cung”, đường tỉnh 341 (Quốc lộ 18C) lại vừa được nâng cấp thông thương, các doanh nghiệp thương mại và thương lái xa gần đổ đến họp chợ, làm cho mỗi phiên Chợ Pò Hèn thêm sầm uất.

Chợ phiên Pò Hèn không chỉ là chợ đơn thuần giao lưu, buôn bán, mà còn là nơi tái hiện, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, giao lưu văn hóa văn nghệ của các dân tộc Dao, Sán Chỉ, Kinh.

Bà Phạm Thị Oanh - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TP Móng Cái cho biết:  “Phiên chợ vùng cao Pò Hèn, xã Hải Sơn được tổ chức vào ngày 22/10/2023 và nghiên cứu thí điểm tổ chức thường niên 02 lần/tháng vào ngày thứ 7, chủ nhật đầu tháng và giữa tháng”.

Phiên chợ Pò Hèn có sự tham gia của đồng bào các dân tộc xã Hải Sơn, xã Bắc Sơn (TP Móng Cái), xã Quảng Đức (huyện Hải Hà), xã Húc Động (huyện Bình Liêu) du khách đến đây sẽ được thưởng thức các làn điệu hát giao duyên của dân tộc Dao, hát soóng cọ, được mua sắm và check - in cùng các trang phục dân tộc; tham gia các trò chơi dân gian; thưởng thức ẩm thực mẹt, thắng cố, thịt trâu, thịt bò, ngan Đen, phở xào, vịt quay Bắc Kinh, các loại đồ ăn vặt, các loại bánh, mật ong rừng, các mặt hàng về rổ, rá; may mặc, hàng nông sản, lâm sản. Đặc biệt, du khách sẽ được kết nối tham quan các điểm du lịch tại xã Hải Sơn như Khu di tích lịch sử quốc gia Pò Hèn, cột mốc 1347, làng bích họa xóm họ Đặng, núi Pa Nai... và tham quan TP Móng Cái với nhiều điểm đến hấp dẫn. Đây cũng là một điểm đến níu chân du khách trong mùa du lịch Thu - Đông của TP Móng Cái.

Ông Vũ Tuấn Anh - Bí thư, Chủ tịch UBND xã cho biết thêm: “Đối với phiên chợ Pò Hèn, chúng tôi kỳ vọng sẽ là điểm đến du lịch và thương mại, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thông qua việc kết nối giao thương với các xã lân cận như Quảng Đức và trong vùng theo định hướng phát triển bền vững. Đồng thời, chọ phiên Pò Hèn sẽ kết nối các tour tuyến du lịch và đón du khách đến với Hải Sơn gắn với du lịch tâm linh tại Khu di tích lịch sử Quốc gia Pò Hèn, du lịch cộng đồng, du lịch khám phá và trải nghiệm tại xã Hải Sơn. Đặc biệt, chúng tôi hy vọng sắp tới lối mở Pò Hèn - Thán Sản sẽ là cặp chợ biên giới thúc đẩy phát triển mạnh mẽ về giao thương cho nhân dân 2 bên biên giới”.


Tác giả: Bảo Lâm

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website