A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ để mở rộng đầu ra cho nông sản tỉnh Yên Bái

Việc liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ đã giúp nông sản Yên Bái được mở rộng đầu ra, đặc biệt là những sản phẩm đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh.

Thành công từ nhiều mô hình

Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái (nơi sinh sống của hơn 30 dân tộc với dân số đến thời điểm hiện tại gần 85 vạn người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 57 %) đã có những chuyển biến mạnh mẽ theo hướng hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, liên kết chuỗi, giá trị sản phẩm nông nghiệp được nâng cao, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Nhiều sản phẩm đã vươn ra thị trường quốc tế, đặc biệt là các thị trường khó tính, đòi hỏi yêu cầu khắt khe về chất lượng. Qua đó đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và doanh thu của các chủ thể kinh tế, góp phần quan trọng quảng bá thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ. Việc hình thành vùng nguyên liệu cũng giúp cho các doanh nghiệp, hợp tác xã chủ động trong kế hoạch sản xuất và kiểm soát được nguồn nguyên liệu về thời gian, số lượng và chất lượng của sản phẩm.

Gia đình ông Triệu Phú Thịnh ở thôn Khe Ruộng, xã Kiên Thành (huyện Trấn Yên) trước đây trồng chưa đầy 0,3 ha tre Bát Độ, đến vụ thu hoạch không biết bán cho ai, giá cả bấp bênh cộng với vận chuyển đi xa, hiệu quả kinh tế không cao. Vì vậy, gia đình không mở rộng diện tích trồng mới và cũng không tập trung chăm sóc, thâm canh.

Từ khi có HTX Dịch vụ tổng hợp Kiên Thành về địa phương thu mua, bao tiêu măng tươi ổn định, ký hợp đồng cam kết hỗ trợ và cử cán bộ kỹ thuật xuống hướng dẫn chi tiết, gia đình ông đã chuyển đổi phần lớn diện tích trồng cây sắn, keo sang trồng tre Bát Độ. Đến nay, gia đình đã có hơn 3ha tre Bát Độ đến tuổi khai thác, khi vào vụ thu hoạch, dự kiến sẽ cho sản lượng 1 tấn măng tươi mỗi ngày.

Mô hình liên kết giữa HTX Dịch vụ tổng hợp Kiên Thành và gia đình ông Triệu Phú Thịnh là một trong những mô hình liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ thành công trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Các chính sách hỗ trợ thực sự đã trở thành động lực để các HTX đẩy mạnh đầu tư theo mô hình chuỗi giá trị; trong đó, phải kể đến HTX Lũng Lô được hỗ trợ xây dựng dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm dược liệu, với kinh phí 2,8 tỷ đồng; HTX Miến đao Giới Phiên được hỗ trợ xây dựng dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm miến đao Giới Phiên với kinh phí gần 1 tỷ đồng bằng nguồn kinh phí từ Chương trình Mục tiêu quốc gia về Xây dựng nông thôn mới (NTM). 

Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số chuỗi liên kết sản xuất trong nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nổi bật, phải kể đến chuỗi liên kết trong sản xuất đối với sản phẩm măng tre Bát độ của HTX Dịch vụ tổng hợp Kiên Thành (Trấn Yên); HTX Dịch vụ tổng hợp Hồng Ca liên kết với Công ty cổ phần Yên Thành (Yên Bình) đầu tư vật tư, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và thu mua toàn bộ sản phẩm cho nông dân. 

Trong sản xuất và chế biến chè, có kết quả rất đáng khích lệ từ việc liên kết giữa HTX Dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận, HTX Vạn Hoa (Văn Chấn) và Công ty TNHH Hưng Thịnh (Trấn Yên) với HTX Trường Xuân, HTX Tân Hương (Yên Bình) để đầu tư kỹ thuật chăm sóc, thu hái chè theo tiêu chuẩn Unilever và VietGAP...

Trong đó, khi tham gia liên kết, các hộ trồng chè được tham gia các khóa tập huấn, chuyển giao kỹ thuật canh tác, thu hái bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng được doanh nghiệp hướng dẫn và đặt hàng; doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ sản phẩm HTX sản xuất, sơ chế và tiếp tục chế biến sâu phục vụ xuất khẩu. 

Những mô hình liên kết kể trên đã phát huy được khả năng hợp tác từ khâu cung cấp nguyên liệu đầu vào đến khâu hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chế biến cho đến tiêu thụ sản phẩm, góp phần tạo việc làm, nâng cao giá trị sản phẩm. 

Tăng cường liên kết trên nền tảng số

Bên cạnh việc xây dựng các chuỗi liên kết, tỉnh Yên Bái còn đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu nông sản trên nền tảng công nghệ số. Giải pháp này đã và đang hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp, người dân Yên Bái đưa sản phẩm của mình đến với người tiêu dùng trong nước và quốc tế; trong đó, quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm nông sản trên các sàn thương mại điện tử đang mở ra cơ hội lớn tìm kiếm, phát triển thị trường và nâng cao giá trị nông sản.

Là một trong những doanh nghiệp đi tiên phong đưa sản phẩm lên sản thương mại điện tử, ông Bùi Thế Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Y học cổ truyền và Đông dược Thế Gia, huyện Văn Chấn cho biết, trong 2 năm vừa qua, thông qua các sàn thương mại điện tử Shopee, Postmart.vn, Voso.vn, các sản phẩm Trà táo mèo Shan Thịnh, Dầu massage Quốc Kỳ, Xịt massage Quốc Kỳ của Công ty đã có mặt tại 12 quốc gia. Sản lượng tiêu thụ và doanh thu liên tục tăng trên 40% mỗi năm.

Ông Vũ Vinh Quang - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Yên Bái cho biết, từ khi đưa hàng nông sản của Yên Bái lên sàn thương mại điện tử đã giúp cho tốc độ giao thương nhanh hơn, phạm vi bán hàng mở rộng toàn cầu. Đặc biệt, sàn thương mại điện tử có thể kết nối trực tiếp người bán với người tiêu dùng, mở rộng số lượng người mua và người bán trên cùng một không gian với nhiều nhóm sản phẩm, đồng thời chi phí thấp hơn nhiều so với thương mại truyền thống.

Đến nay, nhiều sản phẩm nông sản Yên Bái đang có đơn đặt hàng tăng đột biến, nhiều thương hiệu nông sản chủ lực của tỉnh Yên Bái tiếp tục được khẳng định, duy trì sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế. Điển hình một số sản phẩm nông sản của bà con dân tộc thiểu số như: quế Trấn Yên, chè Shan tuyết Suối Giàng, gạo Séng cù Mường Lò, chè Bát tiên Trấn Yên, bưởi Đại Minh; miến đao Quy Mông; trà Sơn tra Shan Thịnh; măng tre Bát độ Trấn Yên; mật ong Mù Cang Chải...


Tác giả: Ngọc Linh

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website