A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tạo điều kiện cho phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam – Lào

Nhằm thúc đẩy phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam – Lào, ngày 23 tháng 10 năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch thực hiện Bản ghi nhớ về phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Dân chủ Nhân dân Lào tại Quyết định số 1247/QĐ-TTg.

Mục đích của Kế hoạch nhằm triển khai hiệu quả Bản ghi nhớ về phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam – Lào; tạo thuận lợi trong công tác phối hợp thực hiện giữa các bộ, ngành, địa phương biên giới Việt Nam và giữa các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam với các cơ quan có thẩm quyền của Lào trong việc triển khai thực hiện Bản ghi nhớ thông qua Cơ quan đầu mối của hai nước; góp phần thúc đẩy phát triển hạ tầng thương mại biên giới giữa 2 hai nước; làm cơ sở cho các tỉnh biên giới Việt Nam xây dựng kế hoạch phát triển hạ tầng thương mại biên giới trên địa bàn tỉnh biên giới.  

Kế hoạch do Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan và các tỉnh biên giới triển khai thực hiện ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành cho đến khi Bản ghi nhớ hết hiệu lực trong vòng 3 năm và tiếp tục triển khai thực hiện nếu Bản ghi nhớ được gia hạn; không đặt ra các vấn đề ban hành quy phạm pháp luật mới hoặc sửa đổi, bổ sung hay bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để thực hiện.

Các nhiệm vụ chính được nêu trong Kế hoạch bao gồm: Tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung Bản ghi nhớ, các quy định pháp luật liên quan của Việt Nam và Lào cho các cá nhân, tổ chức và thương nhân Việt Nam và Lào trên các phương tiện thông tin đại chúng, phương tiện truyền thông, ấn phẩm, chuyên trang liên quan đến phát triển hạ tầng thương mại biên giới; hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tập huấn liên quan đến nội dung Bản ghi nhớ.

Bản ghi nhớ được ký kết là cơ sở pháp lý đặt nền tảng về hợp tác phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới giữa hai nước; nên trong Kế hoạch đã nêu việc nghiên cứu đề xuất chính sách phát triển hạ tầng thương mại biên giới phù hợp với tiềm năng của các tỉnh biên giới Việt Nam – Lào cũng là cần thiết.  

Hai bên Cơ quan đầu mối hai Bên của Việt Nam và Lào trao đổi thống nhất danh mục hạ tầng thương mại biên giới cần ưu tiên xây dựng phù hợp quy hoạch của mỗi địa phương biên giới theo từng giai đoạn; lựa chọn ít nhất 01 loại hình hạ tầng thương mại biên giới ưu tiên đầu tư xây dựng để báo cáo Chính phủ quyết định; thúc đẩy phát triển các loại hình hạ tầng thương mại biên giới trên địa bàn các tỉnh biên giới Việt Nam – Lào.

Kết nối, hỗ trợ thương nhân kinh doanh đưa hàng hóa vào chuỗi phân phối dưới hình thức thương mại biên giới; xây dựng cơ chế kết nối thông tin giữa thương nhân với cư dân biên giới hoạt động tại khu vực biên giới; kết nối thương nhân Việt Nam với thương nhân Lào.

Khuyến khích các hoạt động thương nhân Việt Nam và Lào tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại biên giới theo quy định hiện hành; hai bên trao đổi, thống nhất tăng cường các hoạt động tổ chức và xúc tiến đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại biên giới ở khu vực biên giới hai nước Việt Nam và Lào định kỳ ít nhất 01 lần 01 năm.

Tăng cường trao đổi thông tin, đào tạo, phát triển nguồn lực cho các cơ quan quản lý nhà nước; phát triển đội ngũ thương nhân đầu tư, kinh doanh tại khu vực biên giới.

Hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam – Lào phát triển theo hướng hiện đại, bền vững sẽ góp phần phát triển kinh tế xã hội và tạo động lực cho các doanh nghiệp đến giao lưu thương mại khu vực biên giới. Trong thời gian tới, cơ quan đầu mối là Bộ Công Thương hai nước sẽ phối hợp triển khai Bản ghi nhớ về phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam – Lào.


Nguồn:Vụ Thị trường trong nước Copy link

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website