A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Song hành” xúc tiến thương mại trực tiếp và trực tuyến, đẩy mạnh đầu ra cho nông sản

Song hành “2 chân” trực tuyến và trực tiếp trong công tác xúc tiến thương mại, nông sản Việt “rộng cửa” đầu ra.

Ngày 4/10, trong khuôn khổ Hội chợ Làng nghề Việt Nam lần thứ 20 năm 2024 (diễn ra từ 3 - 6/10 tại Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (số 489, Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội), Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp phối hợp với các đơn vị liên quan đã tổ chức chương trình Chợ phiên livestream OCOP với chủ đề “Nâng tầm nông sản Việt” nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm làng nghề và các nông đặc sản trên nền tảng thương mại điện tử. 

Chợ phiên livestream đã giới thiệu gần 30 sản phẩm đặc trưng như: Trái cây sấy Nam Huy, bánh dừa nướng TOPCOCO, bánh hoa dừa COCOOL, xoài sấy dẻo POPE, bún tươi sấy khô Sa Đéc, nước mắm nhỉ cá linh Dì Mười...  Các sản phẩm trong chợ phiên livestream OCOP có nguồn gốc đảm bảo.

Sau 3 tiếng livestream (từ 10 giờ đến 13 giờ) trên kênh tiktok “Chợ phiên OCOP”, các nhà sáng tạo nội dung đã thu hút hơn 150 nghìn lượt tiếp cận; 14 nghìn lượt người xem trực tiếp; 600 đơn hàng thành công. Đây là con số ấn tượng, cho thấy sự thành công của chương trình khi kết nối online với người tiêu dùng. 

Đắk Lắk có rất nhiều tiềm năng về sản phẩm nông sản. Hiện nay, ngoài tiêu thụ trên thị trường của cả 63 tỉnh thành trong cả nước thì nhiều sản phẩm nông sản của Đắk Lắk đã thâm nhập được vào thị trường của trên 72 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có nhiều thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu hay Nhật Bản.

Thời gian qua, với mục tiêu hỗ trợ thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, phát triển thị trường nông sản, ngành Công Thương Đắk Lắk đã có nhiều nỗ lực trong công tác xúc tiến thương mại sản phẩm nông sản. Ông Lưu Văn Khôi - Giám đốc Sở Công Thương Đắk Lắk - thông tin, thông qua các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại cả truyền thống và môi trường số, hàng loạt biên bản ghi nhớ hợp tác, hợp đồng tiêu thụ đã được ký kết thành công, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh.

Có thể thấy, trong những năm qua công tác xúc tiến thương mại đã góp phần không nhỏ cho việc thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, trong đó có các sản phẩm nông sản sạch. Đặc biệt, với sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua việc kết nối thị trường, tạo liên kết vùng đã dần hình thành các chuỗi cung ứng lớn và bền vững, từ đó giảm thiểu các hiện tượng bếp bênh về thời vụ cho sản phẩm nông sản sạch cũng như tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu.

Hiện tỷ trọng hàng nông sản Việt chiếm đến 70-85% tại các kênh phân phối truyền thống và siêu thị hiện đại. Để có được kết quả này, ở góc độ ngành Công Thương, hoạt động xúc tiến thương mại mặt hàng nông sản đã được thực hiện mạnh mẽ và ngày càng bài bản hơn. Hàng năm, Bộ Công Thương đều dành nguồn kinh phí thích đáng cho công tác xúc tiến thương mại nông sản thông qua tổ chức Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài với nội dung xúc tiến xuất khẩu nông sản mùa vụ. Hội nghị được tổ chức ở nhiều địa phương là vùng nông sản lớn như: Hải Dương, Bắc Giang… giúp khơi thông đầu ra cho nhiều loại nông sản thế mạnh.

Tại thị trường nội địa, các địa phương, hiệp hội, ngành hàng cũng thường xuyên tổ chức các sự kiện kết nối cung cầu nông sản vào các siêu thị, kênh phân phối hiện đại, chợ truyền thống… Nhờ đó, nông sản Việt Nam đã có mặt ở nhiều kênh phân phối, đáp ứng nhu cầu của phần đông người tiêu dùng. Song song với đó, xúc tiến xuất khẩu nông sản đã phát triển từ xúc tiến trên các kênh phân phối truyền thống đến xúc tiến trên các nền tảng số.

Ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương thông tin, triển khai các hoạt động tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng số, đặc biệt là đối với nông sản mùa vụ luôn là hoạt động được quan tâm của Bộ Công Thương. Hiện nay, chương trình đã bước vào giai đoạn tối ưu hoá và mở rộng, tập trung vào việc nâng cao kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số, phát triển thương hiệu, xây dựng năng lực cho doanh nghiệp theo 6 vùng kinh tế trọng điểm.

Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp - cho hay, người tiêu dùng hiện nay không chỉ mua hàng qua kênh thương mại truyền thống mà còn đẩy mạnh tiêu dùng trên nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội,…

Nhằm đa dạng hoá các hình thức xúc tiến thương mại, mở ra thị trường mới, gia tăng cơ hội tiếp cận khách hàng và mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội cho các địa phương, điểm nhấn tại Phiên chợ OCOP là hoạt động livestream bán nông đặc, sản phẩm OCOP trên nền tảng TikTok và các nền tảng mạng xã hội. Với sự chuẩn bị chu đáo, sản phẩm được lựa chọn kỹ càng, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn chất lượng, mang đến cho người tiêu dùng nhiều trải nghiệm khi tham gia theo dõi, mua sắm nông đặc sản bằng hình thức mua hàng trực tiếp tại buổi livestream. Từ đó, các sản phẩm nông đặc sản các tỉnh/thành phố không chỉ được giới thiệu đến người tiêu dùng tại Thủ đô mà cả những người tiêu dùng cả nước biết đến.

Ông Nguyễn Minh Tiến cũng nhấn mạnh, việc tổ chức các hội chợ, phiên chợ, hoạt động xúc tiến thương mại cả trực tuyến và trực tiếp diễn ra nhằm mục tiêu hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất lĩnh vực nông nghiệp phát triển kinh doanh, mở rộng thị trường, hướng nhiều hơn vào thị trường trong nước với phương châm Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và “Hàng Việt Nam chinh phục người tiêu dùng Việt Nam"; Tuyên truyền, quảng bá thương hiệu, tôn vinh sản phẩm nông lâm thủy sản sạch, an toàn; Tạo cầu nối giữa hợp tác xã, doanh nghiệp với người tiêu dùng, giữa sản xuất với tiêu thụ.

Việc chủ động các biện pháp xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản, đặc sản sẽ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức cho đa số người tiêu dùng Việt Nam trong việc ưu tiên lựa chọn và sử dụng hàng hóa do các doanh nghiệp trong nước sản xuất, tạo đầu ra bền vững cho nông sản, đặc sản địa phương.

Ông Nguyễn Minh Tiến cho biết, hai bên sẽ tiếp tục mở rộng các phiên chợ OCOP tại các địa phương để có thể giới thiệu được các sản phẩm OCOP, những truyền thống văn hóa và những giá trị của các địa phương. Từ đó, tạo môi trường thuận lợi, tạo vườn ươm cho các hạt giống OCOP; trong đó, không chỉ có các KOL(người nổi tiếng trên nền tảng truyền thông xã hội), KOC (đối tượng trực tiếp trải nghiệm sản phẩm dịch vụ), mà cả các chủ thể OCOP, những người có đủ năng lực và mong muốn mở kênh bán hàng sẽ được tập huấn bài bản trên các nền tảng để chính các chủ thể OCOP có thể tham gia trực tiếp bán sản phẩm của mình. Đồng thời, không chỉ dừng ở triển khai xúc tiến sản phẩm OCOP tại thị trường trong nước mà còn được triển khai, xúc tiến tại các thị trường khác trong khu vực. 

"Bước sang năm 2024, OCOP vẫn là một trong những ưu tiên hàng đầu của TikTok, với các hoạt động đồng hành, đào tạo và hỗ trợ dài kỳ và sâu sát hơn nữa nhằm hỗ trợ doanh nghiệp địa phương phát triển kinh doanh trên nền tảng số. Đây sẽ là mốc tiếp theo hứa hẹn mở ra những kết quả tích cực hơn nữa, đóng góp vào sự phát triển kinh tế nông thôn, đồng thời tạo đà xúc tiến cho các giá trị văn hoá địa phương lan tỏa rộng khắp trong và ngoài nền tảng" - ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok tại Việt Nam thông tin.


Tác giả: Nguyễn Hạnh

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website