A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hiến kế để đặc sản vùng miền đến tay người tiêu dùng

Thời gian qua, nhiều đặc sản vùng đã mở được đường vào hệ thống phân phối có uy tín trên cả nước và xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, những đặc sản nổi tiếng của từng vùng miền thì số lượng sản phẩm được xây dựng thương hiệu bài bản, đưa vào hệ thống phân phối hay bán trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) vẫn chưa đạt như kỳ vọng.

Vậy, cách nào để khai thác hiệu quả những giá trị đặc sản vùng miền, đồng thời nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, góp phần thúc đẩy kinh tế?

Theo các chuyên gia, để đặc sản Việt Nam tới người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu thì trước hết cần có chính sách khai thác hiệu quả yếu tố đặc trưng văn hoá, dân tộc, đặc sản vùng miền, tinh hoa sản phẩm của mỗi địa phương. Đây cũng là yếu tố cốt lõi để đưa sản phẩm vào hệ thống phân phối.

Đối với nông sản, khu vực miền núi có rất nhiều nông sản hàng hóa mà ở các thị trường lớn rất thích. Đơn cử, tỉnh Điện Biên có sản phẩm gạo của Điện Biên khá nổi tiếng ở thị trường trong nước; dưa của đồng bào mà ở địa phương gọi là “dưa mèo” khi đưa về thị trường thì cũng được tiếp nhận rất tích cực; hay các sản phẩm nông sản như bí xanh, lạc, cà phê, chè,… Tuy nhiên, khi các doanh nghiệp cung ứng đặt vấn đề về tiêu thụ sản phẩm, ký hợp đồng để bao tiêu sản phẩm với khối lượng ổn định hàng tháng lên tới vài chục tấn thì thường không có, không thể đáp được. Bởi đồng bào dân tộc miền núi, vùng sâu, vùng xa thì vẫn sản xuất theo phương thức tự cung tự cấp, khi nhà dùng không hết thì mang ra bán, nên tính ổn định không cao.

Người tiêu dùng Thủ đô háo hức và quyết “săn” bằng được các đặc sản vùng  miền

Điện Biên hiện có 44 sản phẩm OCOP đã được chứng nhận đạt chuẩn 3 đến 4 sao, vậy làm thế nào để đưa những sản phẩm lợi thế của Điện Biên vào hệ thống phân phối và xuất khẩu. Qua đó, để những người dân khó khăn ở Điện Biên cũng như ở các tỉnh đặc biệt khó khăn trên toàn quốc có thể tham gia đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước, xóa đói giảm nghèo tự thân cho chính đồng bào nhân dân các dân tộc.

Tương tự, các sản phẩm của Sơn La, Tuyên Quang, Bắc Giang… đến thời điểm này được thị trường tiếp nhận, có sức bật tốt và sản lượng tiêu thụ ngày càng tăng lên. Qua đó, đã giúp cho đời sống của các hộ nông dân, hộ kinh doanh cá thể cũng như các đồng bào dân tộc thiểu số cải thiện hơn rất nhiều. Đơn cử, như trường hợp của anh Vàng A Sa ở Vân Hồ, đến nay đã trở thành một nhà sản xuất rất lớn, ngoài cung cấp cho Big C, đến nay anh đã có thể cung cấp hàng hóa thương mại cho các chuỗi và hệ thống khác.

Thị trường bán lẻ tập trung vào xu hướng tiêu dùng nào trong năm 2023? |  baotintuc.vn

Để đưa sản phẩm đi nhanh và xa hơn trong thời gian tới, giới chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp cần nên tận dụng xu hướng phát triển của TMĐT. Nhưng để bán được hàng thì quan trọng nhất là khâu hoàn thiện và đóng gói sản phẩm tùy theo điều kiện. Do vậy, cần phải ứng dụng công nghệ thông tin trong vấn đề truy xuất nguồn gốc và đầu tư công nghệ bảo quản chế biến sản phẩm. “Công nghệ thông tin là một công cụ, phương tiện giúp chúng ta kết nối giữa người mua - người bán và có thể giúp bảo vệ ngay những người sản xuất ở vùng đó tránh việc bị làm giả hàng hóa”,

Có thể nói, TMĐT là “sân chơi bình đẳng”, mang đến cơ hội kinh doanh cho tất cả mọi người. Ngành này hiện không chỉ là lãnh địa dành cho các “ông lớn” mà ngay cả những nhà bán hàng, hộ kinh doanh nhỏ lẻ cũng có thể nắm bắt để khởi nghiệp thành công, đưa sản phẩm nội địa vươn tầm thế giới.

Đại diện Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục chú trọng vào các hoạt động kết nối cung cầu, thúc đẩy tiêu thụ hàng nông sản, các sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh của địa phương nhằm kết nối tiêu thụ ổn định vào chuỗi phân phối của các siêu thị lớn trong nước và xuất khẩu; hỗ trợ các địa phương tổ chức xây dựng mô hình phát triển các sản phẩm đặc trưng của địa bàn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm tiềm năng, lợi thế của các địa phương...

Người tiêu dùng Thủ đô háo hức và quyết “săn” bằng được các đặc sản vùng  miền

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ ngành, địa phương, đã kết nối được hơn 60 doanh nghiệp với trên 80 hợp đồng tiêu thụ các sản phẩm, hàng hóa là lợi thế phát triển của các địa phương tại các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ngãi, Kiên Giang, Quảng Ninh trong nước và xuất khẩu.

Bộ Công Thương cũng đã phối hợp và cấp kinh phí xây dựng 2 mô hình phân phối đặc thù phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng tại 2 huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi và huyện đảo Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tạo điều kiện cho người dân trên địa bàn huyện đảo sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm đặc trưng của huyện đảo. Hiện nay sản phẩm tỏi Lý Sơn cũng như sản phẩm thuỷ sản, hải sản của Côn Đảo đã đến được các hệ thống phân phối lớn cũng như các cửa hàng thực phẩm sạch.


Tác giả: Hải Minh

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website