Nâng cao hiệu quả hỗ trợ về xúc tiến thương mại cho kinh tế tập thể, hợp tác xã
Trong thời gian qua, nhiều giải pháp xúc tiến thương mại, chương trình hỗ trợ đã mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp, hợp tác xã nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và hỗ trợ xúc tiến thương mại phát triển thị trường. Kết quả, nhiều hợp tác xã đã đạt được các thỏa thuận, ký kết hợp đồng tiêu thụ và phân phối sản phẩm với các doanh nghiệp trên cả nước, cung cấp sản phẩm thực phẩm chế biến an toàn, đạt tiêu chuẩn chất lượng cho các đại lý phân phối các hệ thống siêu thị.
Hỗ trợ hàng nghìn doanh nghiệp, hợp tác xã quảng bá tới người tiêu dùng các địa phương các sản phẩm đặc trưng vùng miền, sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân địa phương
Nhiều hoạt động thiết thực
Theo ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), cơ chế chính sách hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại chủ yếu thực hiện thông qua Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại, Chương trình Thương hiệu quốc gia được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương (Cục Xúc tiến thương mại) là cơ quan chủ trì, đầu mối phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, tổ chức xúc tiến thương mại triển khai. Trong đó, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam là đơn vị chủ trì đề án của Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ triển khai mại theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, hợp tác xã; hỗ trợ phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu, cũng như xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh và khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Bộ Công Thương đã huy động các nguồn lực khác nhau, trong nước và quốc tế, trung ương và địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp để triển khai nhiều chương trình hỗ trợ mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp, hợp tác xã tập trung vào nhóm giải pháp xúc tiến thương mại nâng cao năng lực cạnh tranh và hỗ trợ xúc tiến thương mại phát triển thị trường.
Theo đó, hoạt động xúc tiến thương mại góp phần đa dạng hóa thị trường, đa dạng các kênh phân phối truyền thống và hiện đại trong nước và thị trường nước ngoài. Theo thống kê của Cục Xúc tiến thương mại, tính riêng hai năm 2023-2024, Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại đã phê duyệt, giao Liên minh Hợp tác xã Việt Nam làm đơn vị chủ trì, thực hiện 7 đề án với tổng kinh phí 5,1 tỷ đồng, hỗ trợ hàng nghìn lượt hợp tác xã tham dự, tập trung vào các nội dung.
Cụ thể: Tổ chức hội chợ xúc tiến thương mại cho sản phẩm của khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã thường niên tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các trung tâm kinh tế lớn của cả nước. Tổ chức các khóa đào tạo tập huấn kỹ năng kinh doanh và tiếp cận thị trường trong nước cho các hợp tác xã. Tổ chức chương trình kết nối giao thương giữa các hợp tác xã sản xuất với các doanh nghiệp xuất khẩu và các tổ chức xúc tiến thương mại.
Hỗ trợ hàng nghìn doanh nghiệp, hợp tác xã quảng bá tới người tiêu dùng các địa phương các sản phẩm đặc trưng vùng miền, sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân địa phương như nông sản, đồ gia dụng, đồ may mặc, hàng thủ công mỹ nghệ, thực phẩm chế biến….
Về cung cấp thông tin thương mại thị trường xuất khẩu, ông Vũ Bá Phú cho hay, Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ phối hợp chặt chẽ với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các Bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội ngành hàng tổ chức định kỳ hàng tháng chuỗi Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với Hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các chuyên đề tổng hợp về thị trường toàn cầu, các chuyên đề chuyên sâu theo nhóm thị trường và theo nhóm ngành hàng xuất khẩu nhằm cung cấp thông tin thị trường xuất khẩu, thông tin về chính sách thương mại của các nước, tiêu chuẩn, quy định đối với sản phẩm nhập khẩu, nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng tại thị trường mục tiêu và thông tin có tính dự báo về những yếu tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam.
Đối với hỗ trợ kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển thương hiệu cũng được đẩy mạnh, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thống nhất ban hành Kế hoạch số 3926/KH - BKHCN - BCT - BNNPTNT về phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2022 - 2025.
Đến nay đã có 5 sản phẩm chỉ dẫn địa lý (trà Tân Cương và trà Mộc Châu, xoài Yên Châu, quả vải Thanh Hà và quả vải Lục Ngạn, thanh long Bình Thuận, cà phê tại một số tỉnh Trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên đã được tăng cường tuyên truyền, quảng bá thông qua hình thức video clip, ấn phẩm điện tử bằng nhiều thứ tiếng.
Qua đó, các hợp tác xã trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý này được hưởng lợi từ việc tiếp cận thị trường, gia tăng giá trị sản phẩm, đồng thời có thêm nguồn lực đầu tư cho hoạt động phát triển sản phẩm, thiết kế bao bì mẫu mã, khai thác sử dụng nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý để phát triển thương hiệu sản phẩm.
Đẩy mạnh kết nối giữa nhà sản xuất, nhà cung ứng, nhà nhập khẩu
Bên cạnh những hiệu quả đạt được, ông Vũ Bá Phú cũng thẳng thắn cho rằng, mặc dù có nhiều chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại theo nhóm ngành, lĩnh vực cụ thể của hợp tác xã, nhưng quá trình triển khai chưa thực sự đúng đối tượng, chưa phát huy hiệu quả theo đúng mục tiêu. Mặt khác, sự hạn chế về nguồn hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước cũng là lực cản đối với việc nâng cao hiệu quả triển khai hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp trong thời gian qua.
Đặc biệt, những năm qua, các tổ hợp tác, hợp tác xã đã tiếp cận và tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại được hỗ trợ từ Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại tuy nhiên số lượng còn hạn chế, tập trung chủ yếu vào các hoạt động xúc tiến thương mại tại địa phương và một số ít đề án hội chợ triển lãm tại nước ngoài; một bộ phận lớn hợp tác xã có quy mô nhỏ, vốn ít, năng lực quản trị hạn chế, liên kết thành viên còn thấp, chưa có uy tín và thương hiệu trên thị trường… nên chưa đủ đáp ứng yêu cầu trong sản xuất, kinh doanh với đối tác nước ngoài.
Tỷ lệ hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, gắn với chuỗi giá trị sản phẩm còn hạn chế. Số lượng hợp tác xã xây dựng được thương hiệu sản phẩm chưa nhiều, đa số các hợp tác xã chưa chú trọng xin cấp giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng thương hiệu nên giá trị để cạnh tranh trên thị trường còn hạn chế.
Để nâng cao hiệu quả hỗ trợ về xúc tiến thương mại cho kinh tế tập thể, hợp tác xã, theo ông Vũ Bá Phú, Bộ Công Thương (Cục Xúc tiến thương mại) tiếp tục phối hợp, hướng dẫn Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và các đơn vị chủ trì Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại xây dựng và thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại phù hợp với nhu cầu, năng lực của các doanh nghiệp, hợp tác xã; tăng cường phổ biến thông tin tạo điều kiện cho hợp tác xã tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong nước và nước ngoài nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể.
Đồng thời, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó, ưu tiên hỗ trợ khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã về công tác xúc tiến thương mại trong các hoạt động như: Xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu phục vụ xúc tiến thương mại gắn với truyền thông, quảng bá cho sản phẩm của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, xúc tiến thương mại phát triển thị trường trong nước và quốc tế thông qua hoạt động kết nối giữa nhà sản xuất, nhà cung ứng với nhà phân phối, nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu….