A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, khơi mở tiềm năng cho nông sản Tây Nguyên

Với ưu thế địa lý như đất đai phong phú, khí hậu thuận lợi và tài nguyên thiên nhiên đa dạng, Tây Nguyên cần đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, tạo kết nối, xây dựng các vùng nguyên liệu, mở rộng không gian cho nông sản của vùng.

Cà phê là một trong những mặt hàng nông sản chủ lực của Tây Nguyên

Nhiều tiềm năng phát triển

Theo Bộ Công Thương, thời gian qua, Tây Nguyên đã trở thành vùng sản xuất một số sản phẩm nông sản chủ lực quy mô lớn, chiếm tỉ trọng cao, nhất là cây công nghiệp, cây ăn quả. Diện tích trồng các loại dược liệu quý như: sâm Ngọc Linh, sâm dây, nấm linh chi đỏ, đinh lăng, hà thủ ô, đương quy, hoa hòe… ở Tây Nguyên cũng đang phát triển nhanh và dần hình thành các vùng dược liệu tập trung.

Báo cáo thống kê cho thấy, với hơn 5 triệu ha đất nông nghiệp, trong đó có 1,3 triệu ha đất đỏ bazan và có lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với nhiều loại cây trồng. Vùng đất trở thành trọng điểm sản xuất các loại nông sản chủ lực của cả nước như cà phê, hồ tiêu, cao su, điều, mắc ca... cùng nhiều loại cây ăn quả.

So về sản lượng với cả nước, cà phê Tây Nguyên chiếm 94,8%; cao su chiếm 22,1%, hồ tiêu chiếm 68,6%. Một số cây ăn quả tăng nhanh như: sầu riêng chiếm tới 43,1% diện tích và 36,3% sản lượng; bơ chiếm tới 78,1% diện tích và 81,9% sản lượng. Cùng với đó, Tây Nguyên là vùng sản xuất chanh dây lớn nhất cả nước, chiếm trên 70% diện tích.

Bên cạnh đó, Tây Nguyên còn là vùng có tiềm năng lớn về phát triển kinh tế rừng, chế biến nông lâm sản, khai thác và chế biến khoáng sản, phát triển du lịch gắn với bản sắc văn hóa dân tộc bản địa phong phú và đa dạng.

Mặc dù hội tụ đủ những điều kiện để phát triển nhưng theo nhận định của các chuyên gia, hiện nay Tây Nguyên còn gặp nhiều điểm nghẽn về cơ chế, chính sách và về khoa học công nghệ. Các ý kiến chỉ ra rằng, thực trạng ở Tây Nguyên cho thấy một hiện trạng tương đối phổ biến của nông nghiệp Việt Nam là quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, các trung tâm chế biến sâu còn thiếu và yếu, dẫn đến nguyên liệu phục vụ xuất khẩu còn thô, có giá trị gia tăng thấp. Các sản phẩm nông sản chủ lực có chất lượng không đồng đều.

Mở rộng không gian cho nông sản Tây Nguyên

Từ vị trí địa phương, ông Nguyễn Tuấn Hà - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, kỳ vọng của tỉnh Đắk Lắk là tăng trưởng bình quân hàng năm khoảng 11% nhưng thực tế bình quân tăng trưởng trên dưới 7%. “Để phát triển thì tỉnh Đắk Lắk phải chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ lĩnh vực nông nghiệp sang các lĩnh vực có dư địa tốt hơn, ví dụ như lĩnh vực thương mại dịch vụ và đặc biệt là hoạt động xuất nhập khẩu” - ông Nguyễn Tuấn Hà thông tin.

Theo đó, nhằm thu hẹp dần khoảng cách về thu nhập và trình độ phát triển thương mại của vùng so với trung bình cả nước trong thời gian tới, Đắk Lắk và các tỉnh trong khu vực cần đẩy mạnh tăng cường liên kết vùng; tích cực tháo gỡ khó khăn và tạo thuận lợi phát triển hạ tầng công nghiệp, sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản.

Cùng với đó, các địa phương trong vùng cần tận dụng tối đa giá trị lợi thế, chính sách ưu đãi của Nhà nước để đẩy nhanh tiến độ thu hút đầu tư các dự án vào các cụm công nghiệp; làm đòn bẩy phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ có giá trị gia tăng và lợi thế cạnh tranh cao của địa phương.

Từ thực tế doanh nghiệp, ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho rằng, phần lớn doanh nghiệp trong vùng là doanh nghiệp vừa và nhỏ, năng lực sản xuất và cạnh tranh còn yếu, công tác xúc tiến thương mại chưa thường xuyên, doanh nghiệp cũng chưa tận dụng tốt thế mạnh của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết.

Từ đó, Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam đề xuất một số giải pháp cho phát triển nông sản của vùng. Trong đó, Bộ Công Thương nên phối hợp với chính quyền tỉnh Tây Nguyên định kỳ hàng năm tổ chức các hội chợ lớn để xúc tiến thương mại. Đây sẽ là dịp để doanh nghiệp của vùng có cơ hội quảng bá với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, cũng là dịp để trao đổi thông tin với ý nghĩa mang thị trường đến tận tay doanh nghiệp trên địa bàn.

Mặt khác, các sản phẩm nông sản của Tây Nguyên, bao gồm rau quả cũng cần được đưa lên sàn thương mại điện tử nhằm kết nối với các vùng trong nước. Về giải pháp lâu dài, các ý kiến chuyên gia cũng cho rằng, việc kết nối, xây dựng vùng nguyên liệu cho xuất khẩu tươi và chế biến sâu là vấn đề quan trọng số một cho ngành trồng trọt của Tây nguyên. Như vậy, việc đẩy mạnh đầu tư, hoàn thiện, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, đặc biệt trong liên thông vùng, kết nối liên quốc gia, cửa khẩu, cảng biển được cho là ưu tiên hàng đầu.

Song song với đó, cần phổ biến tốt hơn cho doanh nghiệp các thông tin về chính sách ưu đãi và thuế phí, luật đầu tư hấp dẫn cho các doanh nghiệp liên kết thành các tập đoàn sản xuất. Từ đó tạo nên hàng hóa mang thương hiệu quốc gia, tăng giá trị trên thị trường quốc tế và tận dụng tốt các FTA đang có của Việt Nam.

Đồng thời, cần tuyên truyền thành lập các hợp tác xã, trang trại lớn hoặc hội sản xuất rau quả liên vùng để hình thành vùng chuyên canh. Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc giúp cải thiện khả năng cạnh tranh và cung cấp sự đảm bảo cho khách hàng khi mua và tiêu thụ sản phẩm… 

Với trách nhiệm là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại, vừa qua, theo tinh thần thực hiện Nghị quyết số 152/NQ-CP của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế- xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 152), Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết với nhiều phương án, hành động cụ thể, thiết thực.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tổng hợp đầy đủ nhu cầu hỗ trợ và các kiến nghị, đề xuất của các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để tập trung giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và xuất khẩu, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước.


Tác giả: Quỳnh Trang

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website