A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tận dụng lợi thế từ liên kết vùng, thúc đẩy tiêu thị, mở rộng thị trường cho sản phẩm nông sản Bắc Kạn

Trong thời gian qua, hoạt động xúc tiến thương mại được đánh giá là đã thúc đẩy liên kết, tiêu thụ và mở rộng thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm nông sản của tỉnh Bắc Kạn. Hiện nay, các sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn như bí xanh thơm Ba Bể, miến dong Bắc Kạn đã được đưa đi tiêu thụ ở các địa phương trong cả nước và đang được xúc tiến đưa ra thị trường nước ngoài…

Hiện nay Bắc Kạn có 218 sản phẩm OCOP trong đó: 01 sản phẩm 5 sao, 18 sản phẩm 4 sao, 199 sản phẩm 3 sao.Trong những năm vừa qua, đặc biệt là năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, hoạt động xúc tiến thương mại của Sở Công Thương Bắc Kạn đã có những kết quả khá tích cực. Đặc biệt, hoạt động xúc tiến thương mại liên kết vùng ở phía địa phương được thực hiện ở trong khu vực 6 tỉnh phía Bắc đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và các hợp tác xã, các chủ thể có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP được tiếp xúc trực tiếp cũng như gián tiếp thông qua kết nối của ngành Công Thương giữa các tỉnh với nhau, để tìm hiểu và trao đổi những sản phẩm hàng hóa, qua đó họ đã có những sự kết nối với nhau trong việc tiêu thụ các mặt hàng.

Với khát vọng mong muốn đưa sản phẩm OCOP vươn xa, thời gian qua tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức tham gia các hội chợ, triển lãm tại nhiều tỉnh, thành phố như: Tham gia Tuần lễ quảng bá văn hóa, bán hàng đặc sản tại NovaWorld Phan Thiết tại phố đi bộ Miami, Nova World Phan Thiết, Bình Thuận; tham gia Hội chợ Công Thương vùng Tây Bắc – Điện Biên năm 2024; tham gia Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu thành phố Hà Nội và khu vực phía Bắc năm 2024 tại thành phố Hà Nội; Chương trình “Ngày Hội hàng hóa vì người tiêu dùng năm 2024”.

Bên cạnh đó, năm 2024, Sở Công thương Bắc Kạn đã tổ chức triển khai Đề án Tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về sản phẩm OCOP khu vực Đông Bắc đến người tiêu dùng trong nước thuộc Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2024. Duy trì, phát huy hiệu quả trang thông tin giao dịch điện tử ngành Công thương Bắc Kạn tại địa chỉ www.xttmbackan.gov.vn; triển khai nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền về hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm tỉnh Bắc Kạn thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Tổ chức triển khai Đề án Tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về sản phẩm OCOP khu vực Đông Bắc đến người tiêu dùng trong nước thuộc Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2024. Ngoài ra Sở Công thương tiếp tục đồng hành, hỗ trợ và triển khai, thông tin về các chương trình hội chợ, hội nghị, hoạt động xúc tiến thương mại do bộ, ngành, các địa phương trên cả nước tổ chức đến các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh để nghiên cứu, tham dự.

Đặc biệt, cuối tháng 8 vừa qua, Ngày hội nông sản OCOP và văn hóa ẩm thực 06 tỉnh Việt Bắc được tổ chức tại tỉnh Bắc Kạn. Ngày hội đã thu hút hơn 100 gian  hàng đến từ các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang. Các tỉnh trưng bày, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm làng nghề, sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm nông - lâm - hải sản và chế biến thực phẩm và các sản phẩm, dịch vụ khác có liên quan… Đến với ngày hội, các địa phương có cơ hội giới thiệu, quảng bá về sản phẩm hàng hóa, văn hóa ẩm thực đặc sắc của tỉnh Bắc Kạn và các tỉnh Việt Bắc tới Nhân dân và du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, trải nghiệm và thưởng thức các phong vị ẩm thực mang đậm bản sắc vùng miền nổi tiếng, lựa chọn những sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng, có thể mạnh của các tỉnh.

Đồng thời, Ngày hội cũng là dịp để hỗ trợ, tạo điều kiện các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở công nghiệp nông thôn, cơ sở sản xuất kinh doanh gặp gỡ, trao đổi, giao lưu, học học, chia sẻ kinh nghiệm, tìm hiểu thông tin thị trường; thúc đẩy kích cầu tiêu dùng, du lịch.

Ông Đinh Lâm Sáng - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn – cho rằng, việc xây dựng những điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP không phải là của riêng tỉnh mình mà gọi là đa tỉnh, có nghĩa là hàng hóa trên địa bàn chúng tôi sẽ có mặt ở các điểm bán sản phẩm OCOP của các tỉnh bạn. Ngược lại, sản phẩm OCOP của tỉnh bạn sẽ có mặt tại các điểm bán và giới thiệu sản phẩm trên địa bàn tỉnh, để tăng cường giao lưu về mặt hàng hóa và đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Ông Sáng lấy dẫn chứng, chẳng hạn miền núi thì cần hàng của miền xuôi, những sản phẩm OCOP của miền biển, miền nông thôn thì cần hàng hóa ngoài đô thị… Đây là một trong những chủ trương chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh là phải liên kết và chỉ đạo cho việc xúc tiến thương mại phải liên kết vùng và trao đổi hàng hóa giữa các vùng với nhau.

Có thể thấy, việc tận dụng lợi thế từ liên kết vùng có ý nghĩa rất lớn, giúp các địa phương liên kết với nhau để cùng thống nhất đồng hành. Tuy nhiên, muốn tận dụng được tối đa lợi thế liên kết vùng, theo ông Đinh Lâm Sáng, các cơ sở sản xuất ở các địa phương phải có sự liên kết trong hành động, cụ thể: Xây dựng được mạng lưới liên kết và thiết lập, duy trì các mối quan hệ đối tác, cơ quan quản lý trong vùng tham gia vào sự kiện, hội thảo để mở rộng thêm mạng lưới kinh doanh. Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác và chia sẻ nguồn lực hợp tác với các cơ sở sản xuất khu vực; phải xây dựng và thực hiện được chiến lược marketing hiệu quả thì mới quảng bá được sản phẩm hàng hóa ổn định, mang tính lâu dài. Đồng thời theo dõi và phân tích về xu hướng thị trường.

“Là một cơ quan thuộc ngành Công Thương, Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn cung cấp cho các doanh nghiệp, Hợp tác xã, các chủ thể biết được thông tin thị trường của tỉnh bạn, của các thành phố lớn và của nước ngoài tại thời điểm này tại sao tăng và lúc nào giảm. Từ đó các doanh nghiệp, hợp tác xã mới có thể chọn được những phương án thích ứng phù hợp”- ông Sáng nhấn mạnh.


Tác giả: Thu Trang

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website