A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiếp tục triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ nông sản

Tiêu thụ các sản phẩm nông sản, đặc biệt các sản phẩm nông sản có tính mùa vụ luôn là ưu tiên của Bộ Công Thương. Với nguyên tắc sớm và coi thị trường trong nước là nền tảng, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai các chương trình xúc tiến thương mại lớn nhằm thúc đẩy sản xuất, kết nối sản xuất với thị trường trong nước.

Những khó khăn trong triển khai XTTM

Thị trường trong nước vẫn là thị trường tiêu thụ quan trọng đối với các sản phẩm nông sản. Một mặt, giảm áp lực cho hoạt động xuất khẩu nhất là trong bối cảnh thị trường thế giới có nhiều biến động bất lợi, khó lường. Mặt khác, bình ổn thị trường trong nước, cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu giúp người tiêu dùng trong nước được tiêu thụ các sản phẩm đúng vụ có chất lượng cao, giá cả phù hợp, tiêu dùng thuận tiện.

Tuy nhiên, việc triển khai hoạt động xúc tiến thương mại tại thị trường nội địa cũng còn gặp phải một số khó khăn, hạn chế. Theo bà Trịnh Huyền Mai- Phó trưởng Phòng Chính sách Xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), ở góc độ sản xuất, chúng ta cần nhìn nhận thẳng thắn rằng chính người nông dân đang có sự bị động trong quá trình sản xuất nông nghiệp, mở rộng diện tích trồng ở các vùng có điều kiện đất đai, sinh thái không phù hợp, chất lượng sản phẩm nông sản chưa có sự đồng đều, năng lực cung ứng số lượng lớn để vừa tiêu thụ nội địa vừa đẩy mạnh xuất khẩu chưa cao. Nhiều địa phương, việc tổ chức sản xuất không tuân thủ quy hoạch, chưa theo tín hiệu thị trường dẫn đến tình trạng dư thừa, mất giá hoặc khi thị trường có nhu cầu, được giá thì lại không có sản phẩm để bán.

Ở góc độ xúc tiến thương mại, hiện nhiều địa phương trên cả nước còn thiếu cơ sở hạ tầng để tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại quy mô cấp vùng, cấp quốc gia”- bà Trịnh Huyền Mai nhận định và đưa ra dẫn chứng, ngay tại 3 cực tăng trưởng là Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh đến nay vẫn thiếu các trung tâm hội chợ triển lãm, hội nghị đảm bảo diện tích và đầy đủ công năng phù hợp để tổ chức sự kiện mang tính chất khu vực, quốc tế nhằm thu hút đầu tư, thúc đẩy thương mại, quảng bá văn hóa, du lịch quốc gia.

Mặt khác, năng lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ làm công tác xúc tiến thương mại còn nhiều vấn đề cần tiếp tục được khắc phục, chưa thực sự theo kịp yêu cầu của các hoạt động lớn, cần sự phối hợp liên ngành, liên tỉnh. Tính liên kết chưa thực sự chặt chẽ và hiệu quả trong mạng lưới các tổ chức xúc tiến thương mại, hiệp hội ngành hàng, dẫn đến nguồn lực cho xúc tiến thương mại bị dàn trải, chồng chéo, thiếu các hoạt động có quy mô lớn, tác động sâu rộng.

Do đó, UBND các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo Sở Công Thương, Trung tâm xúc tiến thương mại nghiên cứu, chủ động kết hợp, lồng ghép các hoạt động của địa phương với các Bộ, ngành, với các địa phương khác trong vùng và liên vùng; tích cực tuyên truyền, quảng bá và hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương tham gia chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại cấp vùng, cấp quốc gia. Mục tiêu là vừa tránh chồng chéo, dàn trải vừa phát huy được hiệu quả hỗ trợ xúc tiến thương mại tới nhiều hơn các doanh nghiệp, sản phẩm của vùng, đồng thời dần hình thành và củng cố cơ chế hợp tác, liên kết cùng có lợi trong mạng lưới các tổ chức xúc tiến thương mại nói chung”- bà Trịnh Huyền Mai khuyến nghị.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần chuyển đổi phương thức xúc tiến thương mại theo hướng đi vào chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung lựa chọn một số mặt hàng thế mạnh để tập trung xúc tiến thương mại theo ưu tiên về thị trường; chủ động tổ chức và tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại cấp vùng, cấp quốc gia chuyên đề cho các sản phẩm cùng chủng loại, các sản phẩm OCOP, các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý…; tập trung lựa chọn và hỗ trợ các sản phẩm đặc sản địa phương thâm nhập vào các hệ thống phân phối hiện đại trong và ngoài nước.

Hỗ trợ tiêu thụ bền vững cho mặt hàng nông sản tại thị trường nội địa

Để khắc phục khó khăn và hỗ trợ tiêu thụ bền vững cho mặt hàng nông sản tại thị trường nội địa, bà Trịnh Huyền Mai cho biết, Cục Xúc tiến thương mại sẽ tiếp tục triển khai các chương trình xúc tiến thương mại lớn nhằm thúc đẩy sản xuất, kết nối sản xuất với thị trường trong nước như Chương trình “Tháng khuyến mại tập trung quốc gia”, hội chợ, triển lãm, chuỗi chương trình kết nối giao thương cấp vùng, hỗ trợ xúc tiến đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP, nông sản mang chỉ dẫn địa lý của các địa phương... Qua đó, giúp nhà sản xuất, nhà cung ứng của các địa phương kết nối với hệ thống phân phối, đơn vị thu mua để sản xuất, phục vụ nhu cầu tiêu dùng đa dạng của người dân.

Về kế hoạch xúc tiến thương mại mang tính bền vững, dài hạn, bà Trịnh Huyền Mai thông tin thêm, Cục sẽ tập trung việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản địa phương thông qua một số giải pháp cụ thể: Hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà cung ứng địa phương áp dụng truy xuất nguồn gốc nhằm minh bạch thông tin sản phẩm cho người tiêu dùng; huấn luyện về kỹ năng xúc tiến thương mại, kỹ năng tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại, nghiên cứu thị trường, thiết kế phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà cung ứng.

Huy động các nguồn lực, đặc biệt sự hỗ trợ về kỹ thuật của các đối tác trong nước và nước ngoài, đặc biệt các sàn thương mại điện tử  trong nước  như Lazada, Sendo, Shopee, Tiki, và các sàn thương mại điện tử nước ngoài như Amazon, Alibaba huấn luyện, nâng cao nhận thức cũng như hỗ trợ kỹ thuật, kỹ năng về chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, các kỹ năng quảng bá bán hàng trên môi trường số, kỹ năng bán hàng livestream, đưa công nghệ thông tin đến các nhà cung ứng địa phương, các hợp tác xã, các doanh nghiệp vừa và nhỏ ứng dụng vào xúc tiến thương mại nhằm đa dạng hóa các hình thức xúc tiến thương mại và phát triển các kênh tiêu thụ sản phẩm hiệu quả.


Tác giả: Minh Tuệ

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website