Hành trình 76 năm hàng Việt vươn ra thế giới
76 năm sau Cách mạng tháng Tám, từ một nước chủ yếu nhập khẩu hàng hóa, Việt Nam đã trở thành quốc gia có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ở mức cao với nhiều mặt hàng chủ lực như nông sản, dệt may, điện tử... Thành quả này đến từ chủ trương, chính sách đúng đắn, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó có Bộ Công Thương, doanh nghiệp và người dân.
Vị thế hàng Việt
Để quảng bá quả vải tươi của Việt Nam đến với người Hà Lan, giữa tháng 6 vừa qua, Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan phối hợp với Công ty LTP Import Export BV và siêu thị Thanh Hùng tổ chức Chương trình "Vietnam fresh golden lychees – Taste it, love it" tại siêu thị Thanh Hùng, thành phố Spijkenisse. Người Hà Lan, Thái Lan, Indonesia... sinh sống tại Spijkenisse đã rất ngạc nhiên khi nếm thử quả vải thiều, bởi ngon và hương vị khác biệt.
Chị Vân Anh - chủ siêu thị Thanh Hùng - cho biết, bên cạnh việc sẵn sàng hỗ trợ trái vải quê nhà, chị mong muốn có nguồn hàng ổn định hàng năm để duy trì kinh doanh tại Hà Lan. Siêu thị Thanh Hùng đã kinh doanh quả vải Trung Quốc từ nhiều năm nay với chất lượng không bằng vải Việt Nam, lại có giá 22-25 euro/kg.
Quảng bá quả vải tươi Việt Nam tại Hà Lan |
Không chỉ có quả vải, ở hệ thống phân phối bản địa, ngày càng xuất hiện nhiều hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam. Tại Pháp, hàng Việt hiện diện ở nhiều nơi, phục vụ nhu cầu của bà con người Việt cũng như người bản địa. Không những vậy, các sản phẩm nông sản, thực phẩm chế biến của Việt Nam còn xuất hiện trên các kệ hàng tại chuỗi siêu thị đại chúng của Pháp như Auchan hay Carrefour như gạo, bánh tráng, nem, nước mắm...
Tại Đức và Séc, chợ Đồng Xuân (Berlin, Đức) và chợ Sapa (Praha, Séc) được hình thành với quy mô như các trung tâm thương mại lớn để trao đổi, buôn bán các sản phẩm quê hương. Đây cũng chính là cửa ngõ để đưa hàng Việt Nam vào các thị trường này. Đặc điểm của các chợ này là các sản phẩm hàng Việt đều có giá thành rẻ hơn các sản phẩm bán tại siêu thị thông thường. Vì vậy, bên cạnh những người Việt Nam đang sinh sống và học tập tại đây, các khu chợ còn thu hút nhiều người bản địa đến mua sắm và trải nghiệm các sản phẩm của người Việt.
Thực tế nhiều năm nay, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia sở hữu nhiều loại nông sản xuất khẩu hàng đầu như gạo, tiêu, điều... Đồng thời được biết đến như một trong những cường quốc xuất khẩu dệt may, da giày...
Hàng Việt ngày càng khẳng định vị thế ở thị trường ngoài nước. Đây là một trong những thành quả lớn của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Những năm qua, hàng loạt các chủ trương về hội nhập kinh tế quốc tế đã được triển khai, gần đây gắn liền với việc Chính phủ đã triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị khóa XI về "Hội nhập quốc tế", trong đó xác định hội nhập kinh tế là trọng tâm. Nhờ đó, nước ta đã đạt những kết quả quan trọng nổi bật, đặc biệt trong kinh tế.
Về phía Bộ Công Thương, là Bộ chủ quản về xuất nhập khẩu, Bộ đã xây dựng và ban hành khung khổ pháp lý trong lĩnh vực xuất nhập khẩu đầy đủ, đồng thời minh bạch, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, tạo thuận lợi hóa thương mại. Đơn cử, Luật Quản lý ngoại thương được Quốc hội thông qua năm 2017 và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018, là văn bản cấp luật đầu tiên điều chỉnh hoạt động xuất nhập khẩu. Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Bộ Công Thương đã ban hành 82 Thông tư và trình Chính phủ ban hành 4 Nghị định thuộc lĩnh vực xuất nhập khẩu. Bộ Công Thương cũng đã chủ động, quyết liệt, ban hành nhiều chính sách nhằm cải cách hành chính thuộc lĩnh vực xuất nhập khẩu. Tiêu biểu, Việt Nam đã kết nối C/O điện tử mẫu D với toàn bộ các nước trong khối ASEAN.
Xúc tiến thương mại là yếu tố then chốt
Để có được những thành quả này, không thể không kể đến công sức của những người làm công tác xúc tiến thương mại (XTTM). Bên cạnh những sự kiện XTTM trực tiếp được triển khai nhiều năm qua, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra phức tạp trên toàn cầu, làm gián đoạn các chuỗi cung ứng cũng như hạn chế khả năng đi lại giữa các quốc gia, Bộ Công Thương đã liên tiếp tổ chức các hoạt động XTTM trực tuyến nhằm giới thiệu, quảng bá các sản phẩm của Việt Nam đến với doanh nghiệp bản địa.
Giới thiệu sản phẩm sữa Vinamilk với khách hàng tại Dubai |
Bà Nguyễn Việt Hồng - Phó Trưởng ban phụ trách Ban Kinh tế XTTM - Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam - đánh giá, thời gian qua các doanh nghiệp thuộc hiệp hội đã được hỗ trợ hiệu quả thông qua nhiều chương trình XTTM trực tuyến. Thông qua các kênh như trang Fanpage của Cục XTTM, Zalo, Viber, hiệp hội đã chia sẻ nhiều thông tin kết nối bạn hàng cho doanh nghiệp thành viên, tiết kiệm rất nhiều thời gian, chi phí so với trước đây.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang có gần 60 Thương vụ và 7 chi nhánh Thương vụ dưới sự quản lý của Bộ Công Thương, trải đều tại các khu vực lớn trên thế giới như. Các Thương vụ là "cầu nối", hỗ trợ các doanh nghiệp xác minh, tìm hiểu thông tin về đối tác tại địa bàn; tham gia giải quyết các vụ việc tranh chấp; tư vấn các vấn đề pháp lý giúp doanh nghiệp trước khi tiến hành ký kết hợp tác.
Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam đạt 281,5 tỷ USD; 8 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 212,55 tỷ USD. Dù còn nhiều khó khăn do dịch bệnh diễn biến phức tạp, song doanh nghiệp Việt Nam đang tiếp tục nỗ lực đưa hàng Việt Nam tiếp tục định danh rõ hơn trên bản đồ thị trường hàng hóa thế giới. |