A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đồng bằng sông Hồng phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Hồng phát triển nhanh, bền vững, hướng tới bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Gắn kết kinh doanh với bảo vệ môi trường

Ngày 11/7/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định 826/QĐ-TTg thành lập Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Hồng. Hội đồng được thành lập nhằm đổi mới cơ chế điều phối vùng, thúc đẩy kinh tế - xã hội của vùng đồng bằng sông Hồng phát triển nhanh, bền vững, bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng - an ninh.

(Ảnh minh họa)

Trước đó, liên quan đến phát triển kinh tế vùng Đồng bằng sông Hồng, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp với UBND tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp tổ chức Hội thảo vùng Đồng bằng sông Hồng về phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và giới thiệu Chỉ số Xanh cấp tỉnh.

Hội thảo được tổ chức nhằm giới thiệu bối cảnh thế giới và những yêu cầu về phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, chia sẻ kinh nghiệm tốt từ các tỉnh, thành phố về phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường.

Đây cũng là diễn đàn để các địa phương, các chuyên gia thảo luận về chủ đề quan trọng này, chia sẻ các kinh nghiệm, bài học trong việc phát triển kinh tế, thu hút hút đầu tư gắn với bảo vệ môi trường. Sự kiện đặc biệt có ý nghĩa khi diễn ra tại Vĩnh Phúc, một địa phương có thế mạnh trong thu hút các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài và đang chú trọng phát triển kinh tế bền vững, thu hút các dự án đầu tư, kinh doanh có trách nhiệm, gắn tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, xu hướng chung của thế giới là phát triển xanh. Do đó, thu hút đầu tư thời gian tới của Việt Nam cũng đã được định hướng xanh hơn, có chất lượng và công nghệ cao hơn, mang lại giá trị gia tăng cao. Việt Nam có chủ trương xây dựng một môi trường đầu tư không chỉ thuận lợi về thủ tục mà phải xanh hơn, bền vững hơn. Điều đó đòi hỏi các địa phương phải chủ động, sáng tạo trong hoạch định các chính sách thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường.

Hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp ngày nay đang ở trong quá trình chuyển đổi để thích ứng tốt hơn trước các xu hướng toàn cầu. Hai xu hướng toàn cầu ngày càng rõ nét là thích ứng tốt hơn trước các nguy cơ mới, đặc biệt là biến đổi khí hậu, xu hướng thứ hai là kinh doanh xanh hơn, gắn kết kinh doanh với bảo vệ môi trường.

Xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường từ thực tiễn kinh doanh

Đối với xu hướng phát triển xanh hơn, xu thế chung của thế giới là cần phải chung tay bảo vệ môi trường. Do đó, ông Nguyễn Quang Vinh nhấn mạnh, đây là vấn đề toàn cầu quan trọng, là trách nhiệm của tất cả các quốc gia, doanh nghiệp, người dân. Phát triển xanh phải nằm trong mọi yếu tố của quá trình phát triển. Đầu tư FDI thời gian tới của Việt Nam phải xanh hơn, có chất lượng hơn, công nghệ cao hơn, mang lại giá trị gia tăng cao hơn. Vốn tín dụng cũng ưu tiên cho vay những dự án xanh, thân thiện với môi trường. Việt Nam phải xây dựng một môi trường đầu tư không chỉ thuận lợi về thủ tục mà phải xanh hơn, bền vững hơn.

Trong bối cảnh này, VCCI lần đầu tiên đã công bố Chỉ số Xanh. Đây là bộ Chỉ số đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh: mức độ tuân thủ pháp luật về môi trường; thực trạng ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các doanh nghiệp tại địa phương, trình độ quản trị và ứng xử với môi trường của doanh nghiệp, mức độ quan tâm, chính sách khuyến khích hoạt động đầu tư thân thiện với môi trường của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề liên quan đến môi trường quan trọng khác.

Đánh giá cao đánh giá cao sáng kiến Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) của VCCI, ông Vũ Chí Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhận định, sáng kiến không những tạo cơ sở cung cấp thông tin phục vụ cho công tác hoạch định chính sách ở địa phương, mà còn tạo động lực để các địa phương có bước đi đúng đắn trong phát triển kinh tế - xã hội, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và tính bền vững của doanh nghiệp, phù hợp với xu hướng phát triển của đất nước và trên thế giới.

Theo Đại diện Ban pháp chế VCCI, Chỉ số Xanh cấp tỉnh PGI gồm 4 thành phần: (1) Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; (2) Đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu; (3) Thúc đẩy thực hành xanh; (4) Chính sách ưu đãi và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường. Nếu chỉ số PCI là chỉ số đo lường và đánh giá chất lượng điều hành kinh tế địa phương dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh, thì chỉ số PGI là chỉ số đánh giá và xếp hạng chất lượng quản trị môi trường địa phương dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh.

PGI xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường từ thực tiễn kinh doanh

Dưới góc nhìn của địa phương, bà Vũ Thị Kim Chi, Phó Trưởng Ban Thường trực, Ban Xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Ninh cho biết, Quảng Ninh là trung tâm sản xuất nhiệt điện than lớn nhất cả nước, để phát huy đầy đủ các tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế so sánh của địa phương, tạo đột phá phát triển nhanh và bền vững, Quảng Ninh đã chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững dựa vào ba trụ cột (thiên nhiên, con người, văn hóa).

Tại Hội thảo, các ý kiến của Đại diện cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đã đưa ra giải pháp nhằm nâng cao chất lượng quản trị môi trường, hướng tới phát triển bền vững; thảo luận về các quy định, chính sách pháp luật liên quan đến phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, thúc đẩy tiến trình phát triển kinh tế bền vững của mỗi địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng, từ đó, góp phần thúc đẩy nỗ lực của Việt Nam để đạt được các cam kết đã đưa ra tại COP26.


Tác giả: Hoài Phương

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website