Tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ tro xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện làm nguyên vật liệu xây dựng
Ngày 12/4/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 452/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng.
Để giúp các doanh nghiệp tăng cường công tác xử lý, tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 26/3/2021, trong đó giao Bộ Công Thương chủ trì tổ chức kiểm tra thực hiện đề án xử lý tro, xỉ, thạch cao do các cơ sở phát thải lập và phê duyệt, đảm bảo yêu cầu lượng thải chứa trong bãi không vượt quá 2 năm sản xuất theo công suất thiết kế.
Theo Chỉ thị số 08/CT-TTg, các chủ cơ sở phát thải phải chịu trách nhiệm tổ chức xử lý, tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao phát sinh trong quá trình sản xuất; Có các giải pháp hữu hiệu thực hiện các cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường và pháp luật về bảo vệ môi trường.
Hiện nay, theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020, tro, xỉ, thạch cao được coi là chất thải thông thường và sau khi được hợp chuẩn hợp quy thì tro, xỉ, thạch cao được quản lý như đối với sản phẩm hàng hóa.
Các nhà máy nhiệt điện đẩy mạnh đẩy mạnh tiêu thụ tro xỉ, thạch cao làm nguyên vật liệu xây dựng
Thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1818/QĐ-BCT về đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong công trình xây dựng.
Nhằm đánh giá tổng thể về kết quả thực hiện Đề án xử lý, tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 08/CT-TTg và Quyết định số 452/QĐ-TTg, cuối tháng 11/2023, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Tổng Công ty Điện lực (Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam) tổ chức Hội thảo với chủ đề Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác tiêu thụ tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện, phân bón, hóa chất.
Đại diện các Bộ, ngành tham dự Hội thảo cho rằng, thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg, các doanh nghiệp xác định hoạt động bảo vệ môi trường phải gắn với bảo vệ môi trường của địa phương và của ngành; gắn kết hài hòa với việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và phát triển sản xuất, các doanh nghiệp đã chủ động thực hiện đúng các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, thực hiện tốt các nội dung trong Luật Bảo vệ môi trường cũng như đảm bảo sự phát triển hài hòa, thân thiện với môi trường.
Chẳng hạn, Công ty Nhiệt điện Nghi Sơn (thuộc EVNGENCO1) đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư với đơn vị bao tiêu là Công ty CP đầu tư Minh Phong (Hà Nội). Tro bay, xỉ đáy lò, thạch cao được Công ty Minh Phong xử lý, tiêu thụ để sản xuất xi măng, phụ gia bê tông và sản xuất gạch bê tông cốt liệu, gạch tuynel. Từ năm 2018, tro bay và thạch cao đã được Công ty xử lý tiêu thụ 100%. Do có một số khó khăn chủ quan, khách quan nên đến năm 2021 mới xử lý được 100% sản lượng xỉ. Công ty đang tiếp tục phối hợp cùng đơn vị bao tiêu để mở rộng thị trường, đẩy mạnh khâu tiêu thụ, phấn đấu khai thác giảm tồn bãi nhằm đạt mục tiêu của nhà nước, EVN và EVNGENCO1 đặt ra.
Còn tại Công ty Nhiệt điện Duyên Hải, để hạn chế, quản lý lượng rác thải, bụi phát sinh trong quá trình sản xuất gây ô nhiễm môi trường, Công ty đã đề ra các quy định và thực hiện nghiêm túc quy trình xử lý các loại chất thải này. Cụ thể, các chất thải rắn khác (bao gồm cả rác thải nguy hại, thông thường và rác thải sinh hoạt) được thu gom theo từng loại có kho chứa riêng và ký hợp đồng với các đơn vị xử lý theo chuyên ngành. Đối với tro bay và xỉ đáy lò (đã được Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng - Bộ Xây dựng thực hiện đánh giá, lấy mẫu thử nghiệm và cấp chứng nhận hợp chuẩn tro, xỉ của Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1, Nhiệt điện Duyên Hải 3 và Nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng phù hợp theo TCVN 12249:2018 - tro xỉ nhiệt điện than làm vật liệu san lấp; hợp quy tro bay dùng cho bê tông, vữa xây và xi măng theo QCVN 16:2017/BXD) được Công ty thu gom và vận chuyển bằng xe chuyên dụng kín để vận chuyển ra ngoài bãi xỉ hoặc đơn vị tiếp nhận để làm vật liệu xây dựng.
Lãnh đạo Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 cho biết, tro xỉ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đã được đánh giá, cấp chứng nhận hợp chuẩn, hợp qui phù hợp cho bê tông, vữa xây dựng và xi măng, làm vật liệu xây san lấp, làm nền đường ô tô…
Đánh giá những kết quả đạt được của Bộ Công Thương trong công tác xử lý, tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao, bà Đỗ Phương Dung - Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp nhấn mạnh, với sự chỉ đạo kịp thời của các cơ quan quản lý từ cấp Trung ương đến địa phương và sự nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp, hiện nay việc xử lý, tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao của các doanh nghiệp đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, về cơ bản các doanh nghiệp đã tiêu thụ hoàn toàn lượng tro, xỉ, thạch cao phát sinh hàng ngày và giải phóng một phần lượng tro, xỉ, thạch cao tại bãi chứa.
Theo kế hoạch bảo vệ môi trường ngành Công Thương giai đoạn 2020-2025, đến năm 2025, 80% tổng lượng tro, xỉ, thạch cao phát sinh từ các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón được tái sử dụng và xử lý làm nguyên liệu sản xuất, vật liệu xây dựng, san lấp…
Theo thông tin từ Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, tỷ lệ tiêu thụ tro, xỉ tại các nhà máy nhiệt điện, hóa chất đã tăng lên hàng năm. Nếu như năm 2018 tỷ lệ tiêu thụ mới đạt 38,5%, đến năm 2020 đã nâng lên 50%. Toàn ngành phấn đấu năm 2025 đạt khoảng 80%.
Để đạt được mục tiêu đó, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp đã xây dựng chiến lược về công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt đối với ngành năng lượng, như: Xử lý tro, xỉ, bảo vệ môi trường đối với nước thải của các nhà máy nhiệt điện; khai thác hầm lò chú ý đến quản lý khí mê tan, bụi, nước ngầm trong quá trình sản xuất... Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp cũng yêu cầu chủ doanh nghiệp phải đầu tư và chú trọng công tác bảo vệ môi trường.