A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường đối với việc lưu giữ chất thải rắn công nghiệp thông thường

Dự thảo Thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020 hiện đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường lấy ý kiến góp ý, trong đó, có quy định yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường đối với việc lưu giữ chất thải rắn công nghiệp thông thường. 

Theo đó, phải đảm bảo các tiêu chí về: Thiết bị lưu giữ chất thải rắn công nghiệp, Khu vực lưu giữ (nói chung) và Khu vực lưu giữ chất thải rắn công nghiệp thông thường ngoài trời.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2022).

Thông tư này quy định chi tiết một số nội dung của Luật Bảo vệ môi trường về bảo vệ môi trường nước, đất, không khí, di sản thiên nhiên; nội dung bảo vệ môi trường trong quy hoạch tỉnh, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường; phương án cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản; quản lý chất thải và kiểm soát các chất ô nhiễm khác; hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường và báo cáo môi trường; phục hồi môi trường sau sự cố môi trường, thực hiện trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu và nguồn lực về bảo vệ môi trường.

Về Quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường, theo mục 3, Điều 43 của Dự thảo, yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường đối với việc lưu giữ chất thải rắn công nghiệp thông thường cụ thể:

Thiết bị lưu giữ chất thải rắn công nghiệp thông thường phải đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Đảm bảo lưu giữ an toàn, không bị hư hỏng, rách vỡ vỏ.

b) Bao bì mềm được buộc kín và bao bì cứng có nắp đậy kín để đảm bảo ngăn chất thải rò rỉ hoặc rơi vãi ra môi trường.

c) Kết cấu cứng chịu được va chạm, không bị hư hỏng, biến dạng, rách vỡ bởi trọng lượng chất thải trong quá trình sử dụng.

Khu vực lưu giữ (nếu có) không bắt buộc phải xây dựng dưới dạng kho nhưng phải đáp ứng các quy định sau:

 a) Có cao độ nền bảo đảm không bị ngập lụt;

 b) Mặt sàn đảm bảo kín, không rạn nứt, không bị thẩm thấu và tránh nước mưa chảy tràn từ bên ngoài vào.

 c) Có mái che kín nắng, mưa cho toàn bộ khu vực lưu giữ.

 d) Kho lưu giữ tạm thời hoặc trạm trung chuyển theo dạng nhà kho thì phải đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng theo quy định.

Khu vực lưu giữ chất thải rắn công nghiệp thông thường ngoài trời phải đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Có hệ thống thu gom, xử lý nước mưa chảy tràn, nước thải phát sinh trong quá trình lưu giữ chất thải rắn công nghiệp thông thường đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

 b) Có cao độ nền đảm bảo không bị ngập lụt; nền bảo đảm kín, không rạn nứt, không bị thẩm thấu, đủ độ bền chịu được tải trọng của phương tiện vận chuyển và lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường lưu giữ.

 c) Có biện pháp giảm thiểu bụi phát sinh từ bãi lưu giữ chất thải rắn công nghiệp thông thường (đối với loại chất thải có phát sinh bụi).

Bên cạnh đó, Điều 44 của Thông tư nêu yêu cầu kỹ thuật và biểu mẫu khai báo, phân loại, thu gom, lưu giữ chất thải nguy hại và Điều 45 nêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường đối với phương tiện, thiết bị lưu chứa, vận chuyển, phòng ngừa và ứng phó sự cố trong quá trình vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại.

Theo đó, đối với bao bì lưu chứa chất thải nguy hại, quy định:

a) Bao bì chất thải nguy hại (vỏ cứng hoặc vỏ mềm) phải đáp ứng các yêu cầu chung như sau:

- Toàn bộ vỏ bao bì có khả năng chống được sự ăn mòn, không bị gỉ, không phản ứng hoá học với chất thải nguy hại chứa bên trong, có khả năng chống thấm hoặc thẩm thấu, rò rỉ, đặc biệt tại điểm tiếp nối và vị trí nạp, xả chất thải; bao bì mềm có ít nhất 02 lớp vỏ.

- Chịu được va chạm, không bị hư hỏng, rách vỡ vỏ bởi trọng lượng chất thải trong quá trình sử dụng thông thường.

- Bao bì mềm được buộc kín và bao bì cứng có nắp đậy kín để bảo đảm ngăn chất thải rò rỉ hoặc bay hơi ra ngoài.

- Chất thải lỏng, bùn thải dạng nhão hoặc chất thải có các thành phần nguy hại dễ bay hơi phải chứa trong bao bì cứng không vượt quá 90% dung tích hoặc mức chứa cao nhất cách giới hạn trên của bao bì là 10 (mười) cm.

b) Trước khi vận chuyển, bao bì phải được dán nhãn rõ ràng, dễ đọc, không bị mờ và phai màu. Nhãn bao gồm các thông tin sau: Tên và mã chất thải nguy hại, tên và địa chỉ nơi phát sinh chất thải nguy hại, ngày bắt đầu được đóng gói; dấu hiệu cảnh báo, phòng ngừa theo TCVN 6707:2009 với kích thước ít nhất 05 (năm) cm mỗi chiều. Trường hợp chỉ vận chuyển một  loại chất thải nguy hại, không bắt buộc dãn nhãn riêng cho từng bao bì mà dán nhãn chung cho một chuyến vận chuyển.

Thiết bị lưu chứa chất thải nguy hại quy định:

a) Các thiết bị lưu chứa (có vỏ cứng với cỡ lớn hơn các bao bì thông thường, như các bồn, bể, công ten nơ) để bảo quản chất thải nguy hại phải đáp ứng các yêu cầu chung như sau:

- Vỏ có khả năng chống được sự ăn mòn, không bị gỉ, không phản ứng hoá học với chất thải nguy hại chứa bên trong, có khả năng chống thấm hoặc thẩm thấu, có gia cố hoặc thiết kế đặc biệt tại điểm tiếp nối và vị trí xếp, dỡ hoặc nạp, xả chất thải để tránh rò rỉ.

- Kết cấu cứng chịu được va chạm, không bị hư hỏng, biến dạng, rách vỡ bởi trọng lượng chất thải trong quá trình sử dụng.

- Có dấu hiệu cảnh báo, phòng ngừa theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6707:2009 với kích thước ít nhất 30 (ba mươi) cm mỗi chiều, được in rõ ràng, dễ đọc, không bị mờ và phai màu.

b) Thiết bị lưu chứa chất thải nguy hại ở thể lỏng hoặc có thành phần nguy hại dễ bay hơi phải có nắp đậy kín, biện pháp kiểm soát bay hơi, đặc biệt tại điểm nạp, xả, biện pháp kiểm soát nạp đầy tràn để bảo đảm mức chứa cao nhất cách giới hạn trên của thiết bị lưu chứa 10 (mười) cm.

c) Trường hợp thiết bị lưu chứa chất thải nguy hại không có các thành phần nguy hại dễ bay hơi thì có thể không cần nắp đậy kín nhưng phải có mái hoặc biện pháp che hoàn toàn nắng, mưa khác và biện pháp kiểm soát gió trực tiếp vào bên trong.

Về vấn đề phòng ngừa và ứng phó sự cố trong quá trình vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại, quy định:

a) Vận chuyển đảm bảo tối ưu hóa về tuyến đường, tránh các tuyến đường tập trung đông dân cư, chợ, trường học,…

b) Trang bị đầy đủ các thiết bị phòng chống ứng phó sự cố trong quá trình vận chuyển, xây dựng phương án phòng chống ứng phó sự cố thể hiện bằng sơ đồ rút gọn với đầy đủ thông tin về quy trình thực hiện bao gồm các bước: Trước khi thu gom; Đến nơi thu gom; Vận chuyển về cơ sở xử lý.

c) Xây dựng kế hoạch ứng phó khẩn cấp đối với các tình huống trong quá trình vận chuyển bao gồm: sự cố tiếp xúc, tràn đổ chất thải hóa chất, cháy nổ, tai nạn giao thông, chất thải bị rò rỉ, rơi rớt …


Tác giả: Anh Thư

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website