Bộ Công Thương tổ chức Diễn đàn kết nối doanh nghiệp đồng hành Chuyển đổi số Công Thương
Ngày 16/12/2022 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (TMĐT và KTS) - Bộ Công Thương đã tổ chức Diễn đàn kết nối doanh nghiệp đồng hành Chuyển đổi số Công Thương. Theo đó, Cục TMĐT và KTS và Công ty cổ phần FPT cùng các đối tác đồng hành bao gồm: Công ty ACCESSTRADE VIETNAM, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam – VECOM và các đối tác cung cấp giải pháp chuyển đổi số hợp tác đồng hành.
Tham dự Diễn đàn có đại diện Lãnh đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, đại diện các doanh nghiệp đồng hành, cùng đại diện các Sở Công Thương, đại diện các đối tác triển khai Chương trình; đại diện các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp của ngành Công Thương và các đối tác cung cấp giải pháp và đông đảo các cơ quan báo chí truyền thông Trung ương và địa phương.
Thời gian qua, các doanh nghiệp Công thương, đặc biệt là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tác động bởi đại dịch Covid-19. Đại dịch Covid-19 đã và đang thay đổi cuộc sống, thói quen của con người, gây ra những khó khăn, thách thức chưa từng có, buộc các nhà sản xuất và người tiêu dùng phải thay đổi và thích ứng. Đặc biệt, trong giai đoạn 2023-2025, trong bối cảnh kinh tế thế giới đứng trước nguy cơ suy thoái, chuyển đổi số trong doanh nghiệp đã được Đảng và Nhà nước quan tâm, được Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ xác định là giải pháp quan trọng, là xu hướng tất yếu để các doanh nghiệp nâng cao năng lực, lợi thế cạnh tranh, tồn tại, tăng tốc và phát triển.
Việt Nam là một trong những quốc gia đi tiên phong trên thế giới trong việc ban hành các chương trình và chiến lược về Chuyển đổi số quốc gia. Ngoài ra, doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ còn được đặc biệt quan tâm phát triển khi được hỗ trợ kinh phí chuyển đổi số từ nguồn ngân sách nhà nước từ tháng 10 năm 2021. Hành động này của Chính phủ đã đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nhận thức về chuyển đổi số, đồng thời chiến lược đã tạo cơ hội cho nhiều doanh nghiệp vươn lên, tạo sự bứt phá nhờ hỗ trợ của cuộc cách mạng công nghệ.
Theo khảo sát của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam năm 2020, thì tại Việt Nam, hơn 92% doanh nghiệp đã có sự quan tâm đến ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Tuy nhiên, chỉ có chưa đến 10% trong số họ nhận định rằng việc chuyển đổi số đã thành công và có thể mang lại giá trị trọng yếu cho doanh nghiệp. Thêm vào đó, doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ tại Việt Nam đang chiếm phần đa số, ước tính chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp nhưng thực trạng đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ để chuyển đổi số còn chưa cao. Khoảng hơn 90% doanh nghiệp trong số này chưa thực sự hiểu biết về chuyển đổi số và tầm quan trọng của chuyển đổi số, và hơn 70% số doanh nghiệp chưa biết bắt đầu từ đâu.
Đối với các doanh nghiệp ngành Công Thương, kết quả điều tra, khảo sát đánh giá mức độ sẵn sàng tiếp cận với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 do Bộ Công Thương phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam cho thấy mức độ chuyển đổi số tại doanh nghiệp còn rất thấp, đặc biệt doanh nghiệp sản xuất. Những hạn chế, khó khăn doanh nghiệp gặp phải trong quá trình Chuyển đổi số bao gồm: (i) hạn chế về nhận thức, nhân lực triển khai Chuyển đổi số; (ii) hạn chế về thông tin các giải pháp chuyển đổi số trên thị trường; (iii) hạn chế về tiếp cận các nguồn tài chính nhằm triển khai CĐS; (iv) hạn chế trong việc xây dựng hệ sinh thái tổng thể nhằm thức đẩy chuyển đổi số, bao gồm: chính sách, nhân lực, logistics, phương thức thanh toán cũng như hạ tầng kết nối.
Vì vậy, thực hiện chủ trương, định hướng của Chính phủ về hỗ trợ Chuyển đổi số cho các cơ sản xuất kinh doanh, bao gồm: Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn và cấp bách của các doanh nghiệp ngành Công Thương trong việc triển khai chuyển đổi số, Cục TMĐT và KTS tổ chức Diễn đàn kết nối doanh nghiệp đồng hành Chuyển đổi số Công Thương.
Diễn đàn được tổ chức nhằm đánh giá, trao đổi về thực trạng chuyển đổi số của doanh nghiệp ngành Công Thương, đồng thời kết nối các đơn vị cung cấp giải pháp chuyển đổi số uy tín để đồng hành, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số này của doanh nghiệp. Ngoài ra, Diễn đàn cũng quy tụ nhưng chuyên gia về chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm đề xuất giải pháp cũng như cách thức phối hợp, huy động nguồn lực để từng bước xây dựng Hệ sinh thái Chuyển đổi số ngành Công Thương.
Diễn đàn đã diễn ra với hai Phiên tọa đàm bao gồm:
Phiên một với chủ đề “Thực trạng chuyển đổi số từ góc nhìn của các đơn vị triển khai” có sự tham gia của lãnh đạo Cục TMĐT và KTS, Tập đoàn FPT, Công ty ACCESSTRADE Việt Nam, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, Công ty Abivin, Công ty CP TopCV Việt Nam, Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam – BIDV.
Tại Phiên một, các diễn giả đã chia sẻ về mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của doanh nghiệp công thương, các giải pháp công nghệ hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp, từ đó thảo luận đề xuất các hoạt động phối hợp với Cục TMĐT và KTS trong thời gian tới nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp công thương lộ trình chuyển đổi số hiệu quả, thiết thực.
Phiên hai với chủ đề “Chia sẻ bài học kinh nghiệm và khó khăn của doanh nghiệp đã và đang chuyển đổi số” có sự tham gia của đại diện Công ty Phích nước bóng đèn Rạng Đông, Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN, Công ty cổ phần Sài Gòn Food, Công ty cổ phần công nghệ Haravan, Công ty cổ phần Fado Việt Nam; Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam.
Tại Phiên hai, các diễn giả cùng nhau chia sẻ về các kinh nghiệm thực tế trong quá trình ứng dụng công nghệ vào công tác vận hành, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong 02 lĩnh vực lớn sản xuất công nghiệp và kinh doanh – thương mại điện tử. Tại phiên thảo luận, các diễn giả thảo luận những thuận lợi, khó khăn trong lộ trình chuyển đổi số của doanh nghiệp, cũng như đề xuất, kiến nghị các hỗ trợ từ phía Bộ Công Thương nhằm giúp các doanh nghiệp chuyển đổi số hiệu quả thông qua Hệ sinh thái chuyển đổi số doanh nghiệp.
Trong khuôn khổ Diễn đàn cũng diễn ra Lễ ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác giữa Cục TMĐT và KTS cùng các đơn vị đồng hành bao gồm: Tập đoàn FPT, Công ty ACCESSTRADE Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV, trong việc xây dựng Hệ sinh thái Chuyển đổi số Công Thương.
Hệ sinh thái Chuyển đổi số Công Thương được xây dựng nhằm mục tiêu:
Thay đổi tư duy, nhận thức quản trị của doanh nghiệp trong công cuộc chuyển đổi số, hướng tới phát triển doanh nghiệp bền vững trên nền tảng số;
Tiếp cận công cụ chuyển đổi số từ bước tư vấn thực trạng doanh nghiệp, khả năng chuyển đổi số đến các combo giải pháp công nghệ thuộc 05 nhóm giải pháp: Quản trị vận hành, bán hàng và marketing, Logistics, thanh toán và tài chính, Đào tạo, phát triển nhân lực số và truyền thông.
Triển khai nhiều "điểm chạm" với các cá nhân, tổ chức có nhu cầu triển khai các hoạt động chuyển đổi số toàn diện cho đơn vị mình bao gồm: (i) Hệ thống đánh giá mức độ CĐS của doanh nghiệp, và đánh giá tín nhiệm cho DN cung cấp giải pháp; (ii) Các khoá đào tạo/tập huấn: cung cấp các khoá học từ cơ bản đến nâng cao, phù hợp với nhiều nhóm doanh nghiệp; (iii) Cẩm nang chuyển đổi số - cung cấp các tài liệu hướng dẫn, hỗ trợ chuyển đổi số từ cơ bản đến chuyên sâu; (iv) Câu chuyện chuyển đổi số - chia sẻ những điển hình đã đạt được những hiệu quả nhất định trong quá trình chuyển đổi số, nền tảng đào tạo trực tuyến về chuyển đổi số; (v) Mạng lưới chuyên gia chuyển đổi số - Kết nối cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu triển khai chuyển đổi số trực tiếp tới các chuyên gia trong nhiều ngành nghề khác nhau đang có những hoạt động tư vấn chuyển đổi số hiệu quả; (vi) Chuỗi các sự kiện chuyển đổi số chia theo lĩnh vực, ngành nghề và quy mô doanh nghiệp, các Cuộc thi tìm hiểu về chuyển đổi số và giải thưởng cho các ý tưởng chuyển đổi số dành cho khối sinh viên các khoa TMĐT, kinh tế số, công nghệ thông tin...
Việc hợp tác giữa Cục TMĐT và KTS – Bộ Công Thương với các đơn vị đồng hành như Công ty cổ phần FPT, Công ty ACCESSTRADE Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt nam và các đối tác cung cấp giải pháp chuyển đổi số uy tín trong công tác triển khai, xây dựng Hệ sinh thái Chuyển đổi số Công Thương sẽ tạo thêm một kênh hỗ trợ thiết thực và hiệu quả cho doanh nghiệp ngành Công Thương trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, qua đó giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, vượt qua khó khăn thách thức, hướng tới phát triển doanh nghiệp bền vững trên nền tảng số, góp phần đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế số hàng đầu tại khu vực.