Nghiên cứu công nghệ ứng dụng enzyme trong sản xuất collagen từ nguồn lợi sứa biển Việt Nam
Bộ Công Thương đã nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu công nghệ ứng dụng enzyme trong sản xuất collagen từ nguồn lợi sứa biển Việt Nam”. Đề tài thuộc Đề án Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020, do TS. Trần Mạnh Hà làm chủ nhiệm, cơ quan chủ trì là Viện Tài nguyên môi trường biển.
Hội đồng nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu công nghệ ứng dụng enzyme trong sản xuất collagen từ nguồn lợi sứa biển Việt Nam.”
Tại các vùng biển Việt Nam, nguồn lợi sứa biển là rất lớn với tiềm năng mang lại lợi ích kinh tế cao. Nhóm sứa biển Việt Nam đang khai thác là sứa dù với khoảng 26 loài, trong đó khai thác chính 4 loài đem lại hiệu quả kinh tế; sản lượng khai thác chủ yếu tập trung tại vùng ven biển phía Bắc. Tuy nhiên, cho tới nay sứa biển Việt Nam vẫn chủ yếu được khai thác, chế biến thủ công theo phương pháp truyền thống, tạo ra một số sản phẩm với giá trị kinh tế thấp; sứa đa phần được chế biển làm thực phẩm, phục vụ tiêu dùng nội địa. Việc tìm ra công nghệ nhằm nâng cao giá trị sử dụng và giá trị kinh tế của nguồn lợi sứa biển là vô cùng cần thiết và hữu ích.
TS. Phạm Thế Thư - thư ký khoa học của đề tài cho biết: “Collagen từ sứa biển có rất nhiều ưu điểm so với các loài động vật khác. Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ mang lại tiềm năng lớn không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu. Nghiên cứu của đề tài hướng tới xây dựng quy trình công nghệ tách chiết collagen từ sứa biển ứng dụng enzyme, có thể ứng dụng ở quy mô công nghiệp để cung cấp nguồn nguyên liệu collagen an toàn cho ngành chế biến thực phẩm, y dược và mỹ phẩm.”
TS. Phạm Thế Thư - Thư ký đề tài trình bày trình bày trước hội đồng nghiệm thu
Với mục tiêu của đề tài đó là xây dựng được quy trình công nghệ, mô hình thiết bị ứng dụng enzyme để tách chiết Collagen từ sứa biển Việt Nam phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, sau thời gian triển khai thực hiện, nhóm đã xây dựng được quy trình công nghệ, mô hình thiết bị ứng dụng enzyme để tách chiết collagen từ sứa biển Việt Nam quy mô từ 1000 kg nguyên liệu/mẻ. Đã sản xuất được hơn 500 kg bột collagen có độ tinh khiết >= 80%, đảm bảo độ an toàn và đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định của Bộ Y tế, phục vụ cho việc triển khai các nội dung nghiên cứu liên quan như nghiên cứu và sản xuất viên nang, nghiên cứu độ an toàn, kiểm nghiệm các chỉ tiêu chất lượng, sản phẩm minh chứng.
Viện Tài nguyên môi trường biển đã sản xuất được tổng số 75.000 viên nang thực phẩm chức năng chứa collagen, hàm lượng >= 200 mg/viên, (trong đó 15.000 viên đang được giới thiệu sản phẩm tại các cửa hàng thuốc của Công ty TNHH Thương mại và Dược phẩm Thiện Nhân). Sản phẩm đảm bảo độ an toàn và chất lượng theo quy định của Bộ Y tế. Nhóm nghiên cứu đã thiết lập được hồ sơ cơ sở về tiêu chuẩn và chất lượng nguyên liệu sứa, sản phẩm bột Collage Jelly từ sứa biển Việt Nam, viên nang thực phẩm chức năng CollaJell chứa collagen.
Sản phẩm thực phẩm chức năng CollaJell chứa collagen của đề tài
Nhóm nghiên cứu cũng đã làm chủ quy trình công nghệ sản xuất collagen từ sứa biển đã được thử nghiệm ở quy mô phòng thí nghiệm, quy mô pilot và quy mô xưởng sản xuất 1000kg nguyên liệu/mẻ đạt hiệu suất lần lượt là 1,97; 1,74 và 1,70% trọng lượng collagen khô/khối lượng nguyên liệu sứa muối, và đạt hiệu suất lần lượt là 82,04; 72,20 và 70,78% trọng lượng collagen khô/hàm lượng collagen thường có trong nguyên liệu sứa.
Hiệu quả kinh tế của việc áp dụng quy trình sản xuất collagen từ sứa biển cũng đã được tính toán và đánh giá là mang lại hiệu quả kinh tế. Đã công bố được 2 bài báo quốc tế, 2 bài báo cáo trên tạp chí chuyên ngành, 1 bài trình bày tại hội thảo chuyên ngành trong nước. Đã hỗ trợ đào tạo 1 thạc sĩ chuyên ngành kỹ thuật hóa học. Có 1 hồ sơ giải pháp hữu ích về “Quy trình chiết xuất collagen từ sứa biển Việt Nam” đang trong giai đoạn thẩm định để nộp Cục sở hữu trí tuệ.
Hội đồng nghiệm thu đánh giá rất cao những nỗ lực cũng như kết quả nghiên cứu của nhóm. Đề tài đã thực hiện đầy đủ và vượt các chỉ tiêu về số lượng, khối lượng và chủng loại so với hợp đồng đã ký kết với Bộ Công Thương. Trong thời gian tới, để hoàn thiện công nghệ, thiết bị và ứng dụng kết quả đề tài vào thực tế thì việc tiếp tục thực hiện đề tài hoàn thiện quy trình sản xuất hoặc dự án sản xuất thử nghiệm là hết sức cần thiết. Nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục phát triển các nghiên cứu, đa dạng hóa sản phẩm thứ cấp có ứng dụng nguyên liệu collagen sứa biển, thương mại hóa các sản phẩm đưa vào phục vụ đời sống.