A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thúc đẩy năng suất cần cú huých từ chuyển đổi số

Chuyển đổi số hiện đang là xu hướng tất yếu, vấn đề sống còn đối với các quốc gia, nhất là sau đại dịch Covid-19. Và Việt Nam cũng không thể nằm ngoài xu hướng đó, thậm chí đã có doanh nghiệp phần mềm của nước ta đạt năng suất lao động tiệm cận với mức trung bình trên thế giới nhờ vào internet, AI và Big Data.

Những thay đổi to lớn về năng suất lao động, trải nghiệm của người dùng và các mô hình kinh doanh mới đang được hình thành cho thấy vai trò và tác động to lớn của chuyển đổi số trong mọi mặt đời sống xã hội.

Dây chuyền sản xuất bảng mạch điện tử tại Công ty TNHH 4P (tỉnh Hưng Yên). (Ảnh MINH HÀ)

Kiếm tiền từ nguồn lực dữ liệu

Chia sẻ về bài học thành công trong chuyển đổi số tại doanh nghiệp, Chủ tịch FPT Telecom Hoàng Nam Tiến cho biết, hiện nay, năng suất lao động của doanh nghiệp này cao gấp khoảng hơn từ bốn đến năm lần năng suất lao động trung bình của cả nước. Trong đó, riêng đội ngũ phần mềm chuyên làm về AI có năng suất lao động cao gấp chín lần và đã tiệm cận năng suất lao động trung bình cả thế giới, tức đạt khoảng từ 38.000 USD đến 42.000 USD/người. Có được thành công này là nhờ vào internet, AI và Big Data.

Thông qua kết nối dữ liệu, nhân viên FPT hoàn toàn có thể làm việc như những kỹ sư ở Tokyo, Singapore và các nước khác với sự trợ giúp của khoa học. “Internet đã trở thành một phần rất cơ bản của cuộc sống. Trong thời gian đại dịch Covid-19 bùng phát, các công ty viễn thông nhận ra sứ mệnh của mình không chỉ là kinh doanh mà là kết nối con người, đây chính là cơ hội rất lớn. Cùng với tiền bạc, con người thì dữ liệu đã trở thành nguồn lực chính để cạnh tranh và phát triển”, ông Hoàng Nam Tiến chia sẻ.

Theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), không có giải pháp chung về chuyển đổi số cho mọi doanh nghiệp. Là doanh nghiệp quy mô lớn, có sự phân tán về địa bàn và khác biệt về công nghệ giữa các công ty thành viên, Vinatex thực hiện chuyển đổi số trước tiên ở các công ty ngành sợi vì đó là khu vực có nhiều tài sản nhất, có lợi thế cạnh tranh nhất và có điều kiện tốt hơn về trang thiết bị công nghệ. Đơn cử, năm 2020, Công ty cổ phần Sợi Phú Bài quyết định đầu tư nhà máy sợi hai tầng đầu tiên trong hệ thống các đơn vị ngành sợi của Vinatex với quy mô 30 nghìn cọc sợi, công nghệ mới nhất của Thụy Sĩ, tổng vốn đầu tư gần 600 tỷ đồng.

Đây là dây chuyền tự động, được số hóa và quản trị tập trung nhưng chỉ sử dụng 130 công nhân (trung bình 35 công nhân/10 nghìn cọc sợi), diện tích xây dựng 9.000m2. So quy mô của một nhà máy sợi tương tự, dự án giảm 84% số lao động, giảm khoảng 50% diện tích đất xây dựng, tiết kiệm chi phí lao động bằng 120% chi phí khấu hao tăng thêm và còn lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời trên mái để bắt kịp xu hướng xanh hóa ngành dệt may.

Tư duy và hành động mới

Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), chuyển đổi số sẽ trở thành cú huých thúc đẩy năng suất lao động của khu vực châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Điểm thuận lợi là châu Á đóng góp 60% số lượng bằng sáng chế của toàn thế giới và chiếm gần 60% tổng doanh thu bán lẻ trực tuyến nhờ chi tiêu cho thương mại điện tử gia tăng mạnh mẽ. Mức tăng trưởng vượt bậc cũng có được ở tỷ lệ đơn xin cấp bằng sáng chế cho các công nghệ thương mại điện tử và làm việc từ xa. Đáng lưu ý, doanh thu thương mại điện tử ở Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ tăng vượt trội so với phần lớn các quốc gia khác trên thế giới, lên đến 40%-50% trong năm 2020.

Tuy nhiên, điểm hạn chế là đổi mới sáng tạo lại không dẫn đến tăng năng suất ở châu Á. Điều này cho thấy, chất lượng đổi mới sáng tạo không phải lúc nào cũng cao một cách nhất quán và đòi hỏi phải có sự cải thiện về chất lượng các sáng chế để chuyển hóa thành năng suất cao hơn. Đồng thời, tốc độ truyền bá công nghệ từ doanh nghiệp đi đầu và các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn chậm, không có được sự chuyển giao công nghệ, truyền bá tri thức mạnh mẽ khiến hoạt động đổi mới sáng tạo đang tập trung vào một nhóm các doanh nghiệp lớn, trong khi số đông gồm các doanh nghiệp nhỏ vẫn đang tụt hậu phía sau.

Để thúc đẩy chuyển đổi số tăng năng suất lao động, bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Worldbank tại Việt Nam cho rằng, cần đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào lĩnh vực giáo dục. Cùng với đó là tăng cường khả năng tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp, nhất là đầu tư mạo hiểm; cải thiện môi trường kinh doanh, tạo sân chơi bình đẳng, hiệu quả hơn với khu vực tư nhân, giảm bớt các rào cản hành chính đối với việc thành lập doanh nghiệp và tăng cường khả năng dự báo chính sách.

Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cần có tư duy và hành động mới để thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp, hướng đến chiều sâu. Cụ thể là đánh giá mức độ chuyển đổi số chi tiết theo các tiêu chí khoa học, rõ ràng, để từ đó có những thay đổi, chiến lược và kế hoạch phát triển phù hợp. Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thọ Đạt, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân nhận định, chuyển đổi số trong khu vực sản xuất, kinh doanh sẽ chậm và khó khăn hơn so với các ngành có mức độ chuyển đổi số cao như tài chính ngân hàng, công nghệ thông tin và truyền thông...

Khi bắt đầu thực hiện chuyển đổi số, doanh nghiệp luôn trăn trở giữa lựa chọn phương án mua công nghệ mới hoàn toàn hay cải tạo công nghệ cũ, điều này phụ thuộc rất nhiều về nguồn tài chính và nhân lực của doanh nghiệp và của cả ngành kinh tế. Vì vậy, để chuyển đổi số thành công phải có tầm nhìn xa nhưng bước đi nhỏ.

Tầm nhìn xa là phải có chiến lược phát triển, có bộ chỉ số thể hiện mức độ trưởng thành số trong từng ngành và bước đi nhỏ là để nếu phải làm lại thì chi phí cũng không lớn. Quan trọng hơn cả là cần có thể chế đi trước mở đường, vì chuyển đổi số và kinh tế số không đơn thuần chỉ là bài toán công nghệ mà liên quan đến cái mới. Trong quá trình chuyển đổi số ở doanh nghiệp, thể chế có tính chất mở đường, công nghệ giữ vai trò quan trọng, con người là yếu tố quyết định.


Tác giả: An An
Nguồn:Báo Nhân Dân Copy link

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website