Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân giải trình trước Quốc hội về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)
Chiều 10/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu giải trình về các vấn đề mà các đại biểu tập trung thảo luận nhiều như vấn đề bảo vệ người tiêu dùng yếu thế; giải quyết tranh chấp đối với sản phẩm hàng hoá, dịch vụ không đạt chất lượng; kiến nghị quy định chặt chẽ các giao dịch trên không gian mạng…
"Bộ Công Thương - Cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) xin được trân trọng cảm ơn các vị đại biểu Quốc hội đã góp nhiều ý kiến quan trọng về Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Đây là những ý kiến hết sức quý báu, thể hiện trách nhiệm, tâm huyết của các vị đại biểu Quốc hội đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam, giúp công tác này tiếp tục hoàn thiện và phát triển trong thời gian tới", Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân mở đầu phiên giải trình.
Theo Thứ trưởng, ngày 02/11 vừa qua, thông qua các phiên thảo luận tại Tổ, đã có 148 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến. Cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp với Cơ quan chủ trì thẩm tra đã tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu tối đa các ý kiến để chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Luật nhằm tiếp tục cụ thể hóa 07 nhóm Chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 48 ngày 06/5/2021.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân tại phiên giải trình
Tại Phiên họp ngày hôm nay, đã có hơn 20 đại biểu Quốc hội tiếp tục đóng góp các ý kiến. Trước hết, Cơ quan chủ trì soạn thảo xin được ghi nhận và cảm ơn các ý kiến đánh giá cao của đại biểu Quốc hội về công tác chuẩn bị và hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật. Đối với các ý kiến cụ thể về nội dung Dự án Luật, Cơ quan chủ trì soạn thảo xin được tiếp thu toàn bộ các ý kiến để nghiên cứu thể hiện trongquá trình hoàn thiện Dự thảo Luật. Nhân đây, Cơ quan chủ trì soạn thảo xin được báo cáo làm rõ thêm một số nội dung sau:
1. Về đảm bảo sự thống nhất, hài hòa với hệ thống pháp luật hiện hành
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là vấn đề có nội hàm rộng, được thể hiện trong nhiều văn bản pháp luật từ Bộ luật Dân sự đến pháp luật chuyên ngành như: Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa,…Do đó, để đảm bảo sự thống nhất, tránh xung đột, chồng chéo, trong quá trình xây dựng Dự án Luật, Cơ quan chủ trì soạn thảo đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó, tập trung vào việc xin ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, đặc biệt là các bộ, ban, ngành và cộng đồng doanh nghiệp. Trong quá trình xin ý kiến đóng góp, Cơ quan chủ trì soạn thảo cũng chủ động ứng dụng công nghệ thông tin, nhờ đó đã tổng hợp được rất nhiều ý kiến, nổi bật là các ý kiến thông qua phương thức đóng góp trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử. Cùng với đó, Cơ quan chủ trì soạn thảo cũng phối hợp chặt chẽ với các đơn vị soạn thảo các dự án luật có liên quan như Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của các quy định.
2. Về khái niệm người tiêu dùng
Dự thảo Luật hiện đang tiếp cận theo hướng không quy định đối tượng tổ chức trong khái niệm người tiêu dùng. Căn cứ để quy định như trên là do:
Thứ nhất, pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng xác định người tiêu dùng là đối tượng ở vị trí yếu thế trong mối quan hệ với tổ chức, cá nhân kinh doanh. Trong khi đó, đối tượng tổ chức (bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức không kinh doanh, hoạt động vì mục đích phi lợi nhuận) về cơ bản đã có đầy đủ các chức năng, năng lực để tự khắc phục vị trí yếu thế của mình, ví dụ như có cơ cấu tổ chức, có nguồn lực, có tư vấn về pháp lý…
Thứ hai, trên cơ sở xác định các đối tượng người tiêu dùng là cá nhân hiện bao gồm gần 100 triệu người dân, cùng với đó là các người tiêu dùng nước ngoài có liên quan, Cơ quan chủ trì soạn thảo mong muốn tập trung nguồn lực để thực hiện tốt công tác bảo vệ quyền lợi của những người tiêu dùng này.
Tuy nhiên, trên cơ sở ý kiến đóng góp của các vị đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận Tổ và tại Hội trường ngày hôm nay, Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ rà soát, đánh giá về việc quy định đối tượng tổ chức vào khái niệm người tiêu dùng.
3. Về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù
Cơ quan chủ trì soạn thảo xin ghi nhận các ý kiến tán thành, thống nhất của đại biểu Quốc hội về việc cần tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch có yếu tố đặc thù, trong đó, bao gồm vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng, trong giao dịch từ xa và hình thức bán hàng trực tiếp.
Tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu, Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá để quy định trúng các đặc điểm đặc thù trong các giao dịch, từ đó, hoàn thiện hơn nữa quy định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch này.
4. Về các phương thức giải quyết tranh chấp
- Về phương thức thương lượng, Dự thảo hiện hành chỉ quy định cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức xã hội hỗ trợ người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh tiến hành thương lượng qua việc hỗ trợ chuyển thông tin, không can thiệp vào nội dung thương lượng, không can thiệp vào tự do ý chí của các bên trong quá trình thương lượng.
- Về việc áp dụng thủ tục rút gọn theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự đối với vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội tán thành, thống nhất với sự cần thiết của quy định này. Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đóng góp, nhằm đảm bảo hiệu lực và tính khả thi, Dự thảo Luật sẽ hoàn thiện quy định theo hướng giao Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện chi tiết nội dung này.
5. Về vai trò, trách nhiệm của của tổ chức xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Từ thực tiễn hoạt động của các tổ chức xã hội trong thời gian qua, căn cứ ý kiến của các đại biểu Quốc hội về việc tiếp tục tạo điều kiện tối đa khuyến khích, phát huy hoạt động của các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Dự thảo Luật sẽ tiếp tục hoàn thiện một số nội dung, cụ thể: (i) Hoàn thiện các quy định để đảm bảo tính khả thi trong việc tạo điều kiện cho hoạt động của các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; (ii) Quy định cụ thể hơn, chi tiết hơn về vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
6. Về vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương tới địa phương
So với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, Dự thảo Luật đã quy định rõ hơn về trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các cấp đối với việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đảm bảo tính thống nhất và hiệu quả trong quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ Trung ương tới địa phương. Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát để tăng cường và cụ thể hơn nữa trách nhiệm của các bộ, ban, ngành và địa phương trong việc thực hiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
"Ngày 08/11/2022, trên cơ sở tổng hợp các ý kiến đóng góp của các vị đại biểu Quốc hội tại Phiên thảo luận tổ, Cơ quan chủ trì soạn thảo đã có Báo cáo số 173/BC-BCT báo cáo định hướng tiếp thu, giải trình đối với các ý kiến. Kết quả cho thấy, về cơ bản tất cả các ý kiến góp ý của các vị đại biểu Quốc hội đã được Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiêm túc nghiên cứu và phối hợp với Cơ quan thẩm tra để hoàn thiện một cách tốt nhất Dự thảo Luật. Trong thời gian tới, Cơ quan chủ trì soạn thảo cũng mong sẽ tiếp tục nhận được thêm nhiều ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để hoàn thiện hơn nữa Dự thảo Luật. Một lần nữa, Cơ quan chủ trì soạn thảo trân trọng cảm ơn Quốc hội đã cho ý kiến để hoàn thiện Dự thảo Luật", Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh.