A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giải bài toán nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực thi CPTPP

Hiệp định thương mại Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết mở ra cho Việt Nam nhiều cơ hội tiếp cận công nghệ sản xuất và quản lý tiên tiến từ nước ngoài. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả thực thi CPTPP, Việt Nam cần đào tạo đội ngũ chuyên gia, nguồn nhân lực chất lượng cao một cách bài bản, kịp thời đáp ứng nhu cầu của đất nước.

Trong nội dung cam kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA... không chỉ lĩnh vực truyền thống mà còn bao gồm những lĩnh vực phi truyền thống như lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ. CPTPP đặt ra các yêu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa, các quy định về bảo hộ sở hữu trí tuệ, đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và chặt chẽ, do vậy, tham gia Hiệp định này không tránh khỏi những khó khăn khi phải đáp ứng đầy đủ những chuẩn mực về chất lượng hàng xuất khẩu, cạnh tranh nguồn lao động chất lượng cao... Điều này đòi hỏi phải có một đội ngũ nhân lực có thể hiểu sâu và hiểu rõ, giúp các cơ quan quản lý ở cấp địa phương cũng như doanh nghiệp thực thi hiệu quả. 

Để nâng cao hiệu quả thực thi các FTA nói chung, Hiệp định thương mại tự do CPTPP nói riêng, cần phải xác định đúng đối tượng đào tạo, bồi dưỡng. Ưu tiên những người trực tiếp chịu tác động từ các FTA để thiết kế nội dung đào tạo phù hợp, kết hợp lý thuyết và thực tiễn, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các địa phương. Điều này sẽ giúp các đối tượng liên quan nâng cao kiến thức và kỹ năng, từ đó thực thi CPTPP một cách hiệu quả hơn.

Cùng với đó, tổ chức các khóa đào tạo, giảng dạy, hướng dẫn thực tập và đánh giá kết quả học tập của người học tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng như tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề và đào tạo lại nghề cho người lao động của doanh nghiệp.

Khai giảng lớp đào tạo cơ bản để trở thành chuyên gia về FTA

Với vai trò là cơ quan đầu mối thực thi các FTA nói chung và CPTPP nói riêng, Bộ Công Thương đã chú trọng xây dựng chương trình đào tạo cũng như hướng dẫn cán bộ, công chức, cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp để tận dụng tốt hơn các FTA.

Bên cạnh rất nhiều những giải pháp đồng bộ để hỗ trợ cho các địa phương và doanh nghiệp tận dụng tốt hơn các FTA, Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ kiến nghị giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì xây dựng một chương trình với các trường đại học và cao đẳng để hỗ trợ cho các địa phương, các doanh nghiệp. Hiện nay, các Bộ, ngành và địa phương cũng đã chuẩn bị nhân lực của các cơ quan quản lý nhà nước, còn các doanh nghiệp cũng sẵn sàng cử nhân sự đi đào tạo, bồi dưỡng.

Riêng trong năm 2024, Bộ Công Thương đã tổ chức các chương trình đào tạo khóa cơ bản và khóa chuyên sâu nhằm tập trung cập nhật đầy đủ và kịp thời các định hướng, chủ trương, chính sách và văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới việc đàm phán và thực thi các FTA của Việt Nam nói chung (bao gồm các FTA thế hệ mới và các FTA mới được ký kết) và các cam kết, quy định, tình huống thực tế và cách thức xử lý các vướng mắc phát sinh thường gặp liên quan tới việc thực thi các FTA. Các hoạt động đào tạo được tăng cường để gắn với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp, đồng thời hướng tới phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm nâng cao hiệu quả thực thi FTA.

Theo bà Nguyễn Thị Lan Phương - Phó Trưởng phòng WTO và Đàm phán thương mại, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, trong giai đoạn 2023-2024, Vụ Chính sách thương mại đa biên đã phối hợp với Trường Đào tạo, Bồi dưỡng Cán bộ Công Thương Trung ương triển khai chương trình đào tạo chuyên gia FTA cơ bản và chuyên sâu theo từng lĩnh vực cụ thể. Điểm nổi bật của chương trình là các tiêu chí tuyển chọn giảng viên hết sức khắt khe, tập trung vào 3 yếu tố: Kiến thức chuyên môn sâu rộng, kinh nghiệm thực tiễn và kỹ năng giảng dạy.

Nội dung chương trình được thiết kế linh hoạt để phù hợp với từng đối tượng học viên đến từ nhiều nguồn khác nhau. Mỗi lớp học được điều chỉnh theo đặc điểm của từng nhóm học viên, từng địa phương, ngành nghề cụ thể và có thêm các bài tập tình huống thực tế, giúp học viên nắm vững kiến thức và áp dụng hiệu quả vào công việc quản lý hoặc sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt, chương trình còn mời các chuyên gia từng tham gia đoàn đàm phán Chính phủ về FTA, lãnh đạo hiệp hội ngành hàng và đại diện doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm thực tế, từ đó tăng giá trị ứng dụng của các bài giảng.

Trong năm 2023-2024, chương trình nhận được phản hồi tích cực từ học viên, với hơn 50% người tham gia bày tỏ mong muốn đăng ký tiếp các khóa chuyên sâu trong năm 2025.

Thời gian tới, chương trình sẽ tiếp tục được mở rộng và nâng cao chất lượng, từ đội ngũ giảng viên đến nội dung giảng dạy. Đồng thời, phân loại kỹ lưỡng học viên đầu vào để mỗi khóa học đạt hiệu quả tối ưu, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thực tiễn của học viên và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, để có một đội ngũ nhân lực dài hạn, đáp ứng yêu cầu ngày càng phức tạp và chuyên sâu của các cam kết FTA trong 5 hoặc 10 năm tới, công tác đào tạo cần được phát triển từ các trường đại học, cao đẳng thuộc khối kinh tế. Lãnh đạo Vụ Chính sách thương mại đa biên đã có các cuộc trao đổi với lãnh đạo các trường đại học thuộc khối kinh tế nhằm đưa ra ý tưởng lồng ghép chương trình đào tạo chuyên gia FTA vào giảng dạy cho sinh viên. Mục tiêu là trong 5 - 10 năm nữa, đội ngũ nhân lực này sẽ có khả năng thực hiện ngay các công việc tại các cơ quan quản lý Trung ương, địa phương và doanh nghiệp.

Với những nỗ lực đồng bộ từ các bên, cùng quyết tâm của Chính phủ, các chuyên gia tin tưởng, Việt Nam sẽ từng bước đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao, thực thi hiệu quả hơn các FTA thế hệ mới, trong đó có CPTPP, tạo đà cho phát triển kinh tế đất nước. Đây là cơ sở vững chắc để doanh nghiệp Việt nâng cao năng lực cạnh tranh, thâm nhập thành công vào thị trường mới qua các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.


Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website