Nâng cao năng lực phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp
Ngày 11/10, tại TP HCM, Bộ Công Thương tổ chức Diễn đàn phòng vệ thương mại lần thứ nhất với chủ đề “Phòng vệ thương mại: Tăng cường năng lực nội sinh, thúc đẩy tăng trưởng bền vững” với sự tham dự của hơn 150 đại biểu là lãnh đạo Cục Phòng vệ thương mại, lãnh đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố (Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Bình Phước, An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Trà Vinh, Bạc Liêu); lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ Công Thương, hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu, thương mại…
Tại diễn đàn, các diễn giả các đến từ các đơn vị liên quan thuộc Bộ Công Thương cập nhật, thông tin về tình hình điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng nhập khẩu; tình hình áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng xuất khẩu Việt Nam. Đồng thời, giới thiệu với cộng đồng doanh nghiệp một số quy định pháp luật về phòng vệ thương mại dự kiến sẽ bổ sung, sửa đổi trong năm 2024, hướng dẫn cách thức doanh nghiệp nộp và nhận quả xử lý hồ sơ đối với các vụ việc phòng vệ thương mại trên môi trường điện tử, giới thiệu và hướng dẫn doanh nghiệp khai thác thông tin, dữ liệu của hệ thống cảnh báo sớm. Cùng với đó, thông tin về hiệu quả của công tác xử lý các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài trong đảm bảo xuất khẩu bền vững; hiệu quả của các biện pháp phòng vệ thương mại đối với ngành sản xuất trong nước.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Trịnh Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) nhấn mạnh vai trò của công tác phòng vệ thương mại trong bối cảnh hội nhập kinh tế với nhiều biến động như hiện nay. Các công cụ phòng vệ thương mại như thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ được sử dụng hợp lý, theo đúng quy định pháp luật và phù hợp với các cam kết quốc tế đang góp phần hỗ trợ các ngành sản xuất trong nước phát triển bền vững trong một môi trường cạnh tranh bình đẳng. Từ đó đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động, đồng thời đem lại giá trị gia tăng cho nền kinh tế và tăng cường năng lực của đội ngũ doanh nhân trong nước. Việc xử lý một cách phù hợp các cuộc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng đã giúp cho nhiều ngành, nhiều doanh nghiệp tránh được rủi ro và tác động tiêu cực của các biện pháp phòng vệ thương mại mà thị trường xuất khẩu áp dụng, từ đó giúp các doanh nghiệp giữ được thị trường và ngày càng tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu”.
Lãnh đạo Cục Phòng vệ thương mại cho biết, dưới sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ Công Thương, công tác phòng vệ thương mại sẽ tiếp tục được đẩy mạnh với mục tiêu đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, giúp các ngành sản xuất trong nước phát triển và tạo ra giá trị gia tăng nhiều hơn cho nền kinh tế. Các cuộc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng nhập khẩu sẽ được thực hiện trên nguyên tắc công bằng, minh bạch theo đúng các quy định pháp luật và phù hợp với các cam kết quốc tế. Đến hết tháng 9 năm 2024, Việt Nam đã tiến hành 30 cuộc điều tra phòng vệ thương mại và đang duy trì áp dụng 22 biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng nhập khẩu. Tổng doanh thu hàng năm của các doanh nghiệp sản xuất trong nước tham gia các vụ việc phòng vệ thương mại ước đạt 475 nghìn tỷ đồng. Số lao động trực tiếp làm việc tại các doanh nghiệp khoảng trên 36.000 người. Thu ngân sách hàng năm từ thuế phòng vệ thương mại đạt từ 1.200 đến 1.500 tỷ đồng.
Đối với các ngành hàng xuất khẩu, việc xử lý một cách thỏa đáng các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đã giúp các doanh nghiệp tận dụng và giữ vững được những kết quả do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đem lại. Cho đến nay, hàng xuất khẩu của Việt Nam đã phải đối mặt với 263 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 25 thị trường. Trong đó, đứng đầu là các vụ việc điều tra chống bán phá giá (144 vụ việc), tiếp đó là các vụ việc tự vệ (53 vụ việc), chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (38 vụ việc) và chống trợ cấp (28 vụ việc). Tuy số lượng các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có xu hướng tăng lên nhưng nhờ có sự chủ động của các doanh nghiệp cũng như sự hỗ trợ tích cực của Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan, nhiều vụ việc đã đạt được kết quả tương đối tích cực như doanh nghiệp không bị áp thuế phòng vệ thương mại hoặc bị áp thuế ở mức thấp, từ đó tiếp tục giữ được thị trường xuất khẩu.
Đáng chú ý, đến nay, Cục Phòng vệ thương mại đã hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu ứng phó để chấm dứt gần 50% số vụ việc PVTM của nước ngoài như: Úc chấm dứt lệnh áp thuế đối với nhiều vụ việc điều tra CBPG/CTC (ống thép chính xác, dây đai thép phủ màu, ống đồng, nhôm ép, amoni nitrat...); Ấn Độ, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a… lần lượt chấm dứt các vụ việc điều tra CBPG đối với ván gỗ MDF và thép mạ hợp kim nhôm kẽm, nhựa PET, tôn lạnh; Hoa Kỳ từ chối một số yêu cầu điều tra chống lẩn tránh của ngành sản xuất nội địa (thép chống ăn mòn sản xuất từ thép cán nguội và cán nóng nhập khẩu từ Nhật Bản, giá đỡ pin năng lượng mặt trời sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc), kết luận thép dây không gỉ Việt Nam không lẩn tránh thuế PVTM đang áp dụng với Hàn Quốc, một số sản phẩm ống thép không lẩn tránh thuế PVTM đang áp dụng với Đài Loan - Trung Quốc; Ca-na-đa kết luận doanh nghiệp của ta không nhận trợ cấp hoặc nhận trợ cấp không đáng kể… Đối với các vụ việc còn lại: Nhiều vụ việc thuế bằng 0 hoặc thuế thấp/cạnh tranh so với các nước cùng bị điều tra. Ví dụ: Hoa Kỳ không áp thuế CBPG với nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lớn của ta (cá tra-basa, tôm, lốp xe)… Đồng thời, mang lại nhiều lợi ích tích cực cho doanh nghiệp như: Nhận thức về PVTM đang dần được nâng cao; nhiều doanh nghiệp đã xác định được điều tra PVTM là hoạt động bình thường trong thương mại quốc tế và chủ động trong việc xử lý (một số doanh nghiệp đã thành lập bộ phận chuyên trách về PVTM); nâng cao hiệu của của hệ thống cảnh báo sớm về PVTM; kênh liên hệ với các luật sư trong nước và tại nước nhập khẩu đã được thiết lập.
Trong thời gian tới, Cục Phòng vệ thương mại sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc hoàn thiện các công cụ phòng vệ thương mại, nâng cao năng lực điều tra và xử lý vụ kiện, thúc đẩy hợp tác quốc tế để tăng cường sự bảo vệ cho các ngành sản xuất trong nước. Đồng thời, khuyến nghị với các địa phương cần theo dõi thông tin cảnh báo sớm và thông tin cho các Hiệp hội, doanh nghiệp hoạt động tại địa phương; quản lý và giám sát hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn để phát hiện và ngăn chặn các hành vi lẩn tránh; cung cấp thông tin đúng thời hạn, phối hợp tham gia thẩm tra trong trường hợp xử lý vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài. Đối với doanh nghiệp và Hiệp hội cần theo dõi thông tin cảnh báo sớm của Cục PVTM; phối hợp phát hiện và ngăn chặn các hành vi lẩn tránh, cung cấp thông tin chính xác nhằm đảm bảo lợi ích chung của cả ngành; nâng cao chuỗi giá trị của sản phẩm, tăng cường sử dụng các nguyên liệu được sản xuất trong nước hoặc từ các nguồn cung cấp không bị nước nhập khẩu áp dụng các biện pháp PVTM…