Khóa đào tạo về “Đầu tư, phát triển Năng lượng tái tạo và Cơ chế DPPA”
Vừa qua, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển thị trường điện lực và Đào tạo (ERAVCTED) – Cục điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) đã tổ chức 02 khóa đào tạo công chúng về “Đầu tư, phát triển Năng lượng tái tạo và Cơ chế DPPA” tại miền Nam (Thành phố Hồ Chí Minh).
Đây là 02 khóa học trong chuỗi khóa học mà ERAVCTED tổ chức cho các đơn vị, cá nhân quan tâm đến chủ đề “Đầu tư, phát triển Năng lượng tái tạo và Cơ chế DPPA” và cũng là chủ đề được Bộ Công Thương quan tâm phát triển.
Khóa học là một trong những hoạt động nhằm triển khai có hiệu quả Nghị định số 80/2024/NĐ-CP Quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với Khách hàng sử dụng điện lớn (DPPA). Thực hiện Cơ chế DPPA, khách hàng sử dụng điện sẽ đáp ứng mục tiêu và xu hướng sử dụng năng lượng sạch của chính mình, qua đó góp phần thu hút đầu tư không chỉ trong ngành năng lượng tái tạo mà còn cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội có nhu cầu tiêu thụ điện lớn. Đồng thời, Cơ chế DPPA cũng góp phần không nhỏ trong hướng đến việc triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh tại Việt Nam, nâng cao tính hiệu quả của công tác quản lý nhà nước và mức độ cạnh tranh trong hoạt động mua bán điện nói chung và thị trường điện nói riêng. Theo đó, ERAVCTED đã nhận được sự quan tâm của các tổ chức và cá nhân về các chủ đề đào tạo liên quan đến Cơ chế DPPA và các chủ đề như các cơ chế đầu tư, phát triển năng lượng tái tạo; thị trường bán buôn điện cạnh tranh, các chủ đề về đàm phán Hợp đồng, chứng chỉ REC và nhiều chủ đề liên quan khác.
Tại khóa học, các nội dung trao đổi đều xoay quanh cơ chế DPPA và các chủ đề liên quan được học viên công chúng đưa ra ở nhiều góc nhìn khác nhau. Đại diện ERAVCTED đã thông tin tới học viên về ý nghĩa của khóa học là “thực chiến DPPA”, nên việc đưa ra các câu hỏi, các trao đổi 02 chiều tại khóa học là những kiến thức quý giá mà Ban tổ chức luôn động viên, khuyến khích học viên hỏi đáp và không giới hạn về thời gian. Ngoài ra, các câu hỏi sẽ được chọn lọc để ERAVCTED đề xuất đến đơn vị soạn thảo Nghị định 80/2024/NĐ-CP nhằm kiến nghị đưa vào cuốn sổ tay hướng dẫn về thực hiện DPPA, theo đó các câu hỏi điển hình cũng là một nội dung cần được hướng dẫn.
Có thể nhu cầu về tìm hiểu, đào tạo nâng cao năng lực về cơ chế DPPA và các chủ đề đầu tư về phát triển NLTT sẽ còn nhiều ở các mức độ khác nhau. Theo đó, ERAVCTED đang trong quá trình hoàn thiện nhiều Bộ chương trình đào tạo chuyên sâu và mở rộng ở những chủ đề liên quan để ra mắt công chúng và đáp ứng các yêu cầu của nhiều cá nhân và tổ chức. Mô hình mô phỏng tính giá Hợp đồng DPPA cho các đối tượng mua bán điện trực tiếp được quy định Nghị định 80/2024/NĐ-CP sẽ được ERAVCTED kỳ vọng ra đời sớm nhằm đào tạo chuyên sâu, thực hành để hiện thực hóa sự thành công trong triển khai cơ chế DPPA.
Khóa học có 10 chuyên đề với 08 giảng viên và trợ giảng đến từ ERAVCTED, chuyên gia Cục Điều tiết điện lực, NSMO, Đại học Bách Khoa Hà Nội. Khóa học đã mang đến cho học viên những thông tin cụ thể trong giai đoạn đầu triển khai thực hiện cơ chế DPPA, đặc biệt từ là sự kết hợp giảng dạy trên góc nhìn của đơn vị xây dựng cơ chế chính sách, đơn vị vận hành hệ thống điện, thị trường điện (NSMO) và có góc nhìn, sự tham gia của các nhà nghiên cứu. Đặc biệt, khi tham gia khóa học DPPA, học viên đã có bức tranh tổng thể, đầy đủ thông tin, phân tích được lợi ích, thách thức, các điểm lưu ý trong cơ chế DPPA, những kiến thức thu được từ khóa học có giá trị rất lớn để học viên có thể tham vấn cho đơn vị của mình về lộ trình tham gia DPPA và đánh giá được tổng thể các góc cạnh của đơn vị về sự phù hợp và chiến lược khi tham gia DPPA. Đồng thời, trong quá trình diễn ra khóa học đã có sự trao đổi cởi mở giữa các chuyên gia và học viên, với hơn 50 câu hỏi về DPPA mà Ban tổ chức thu được chưa kể các câu hỏi liên quan đến Pháp lý khi đầu tư, thị trường điện, vận hành hệ thống điện, khung giá điện, các chủ đề về BESS/ ESS, lưới điện thông minh...
Nghị định số 80/2024/NĐ-CP là một văn bản pháp luật, một cơ chế, chính sách quan trọng, đột phá và bền vững được Chính phủ ban hành kịp thời nhằm góp phần thúc đẩy việc sử dụng năng lượng sạch và thu hút đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, qua đó góp phần đạt được các mục tiêu về chuyển dịch năng lượng và phát triển bền vững của Việt Nam. Đây là cơ chế đã được nghiên cứu kỹ lưỡng trong nhiều năm thông qua việc tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đánh giá và phân tích đặc điểm, điều kiện của Việt Nam, tham vấn ý kiến của rất nhiều chuyên gia, tổ chức và cơ quan trong và ngoài nước nhằm đảm bảo rằng Cơ chế DPPA không chỉ mang tính hiệu lực, hiệu quả thực thi mà còn đáp ứng được các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và nhu cầu sử dụng điện xanh, sạch của các doanh nghiệp nói riêng. Thực hiện Cơ chế DPPA, khách hàng sử dụng điện sẽ đáp ứng mục tiêu và xu hướng sử dụng năng lượng sạch của chính mình; qua đó góp phần thu hút đầu tư không chỉ trong ngành năng lượng tái tạo mà còn cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội có nhu cầu tiêu thụ điện lớn.