Đẩy mạnh xuất khẩu sang ASEAN nhờ chú trọng khai thác thị trường ngách
Xuất khẩu vào thị trường ngách của ASEAN là một chiến lược tiềm năng, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Với dân số gần 700 triệu người và sự đa dạng về văn hóa, nhu cầu tiêu dùng trong ASEAN rất phong phú, mở ra cơ hội cho các sản phẩm/dịch vụ chuyên biệt.
Việc doanh nghiệp tập trung vào thị trường ngách mang lại nhiều lợi ích, giúp doanh nghiệp tập trung vào một phân khúc ít đối thủ hơn, từ đó tăng cơ hội thành công.
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) mở ra cơ hội lớn cho các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam, đặc biệt trong việc tăng cường xuất khẩu sang các nước ASEAN.
Theo chia sẻ của nhiều đại diện thương vụ, bên cạnh sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, doanh nghiệp trong nước cần chủ động tìm hiểu thị trường, xu hướng tiêu dùng để điều chỉnh sản phẩm cho phù hợp. Bởi lẽ, mỗi quốc gia có quy định về các tiêu chuẩn và văn hoá tiêu dùng khác nhau.
Theo báo cáo đánh giá của Bộ Công Thương, Việt Nam đang có nhiều cơ hội mở rộng xuất khẩu mặt hàng nông sản, thực phẩm sang ASEAN, nhất là các nước có đa số người dân theo đạo Hồi (Indonesia, Malaysia…). Điểm chung là các quốc gia theo đạo Hồi đều yêu cầu chứng nhận Halal (chứng nhận để đủ điều kiện xuất khẩu hàng hóa, thực phẩm sang các nước Hồi giáo) với thực phẩm nhập khẩu. Nếu không đáp ứng được tiêu chuẩn này, doanh nghiệp không thể tiếp cận được phân khúc thị trường ngách tiềm năng.
Các quốc gia theo đạo Hồi đều yêu cầu chứng nhận Halal với thực phẩm nhập khẩu (Ảnh minh họa)
Theo ông Nguyễn Hữu Nam - Phó Giám đốc VCCI chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, ASEAN là thị trường xuất khẩu đứng thứ tư của Việt Nam sau Trung Quốc, Mỹ và EU. Các quốc gia ASEAN có văn hóa khá khác nhau, do đó, doanh nghiệp phải thay đổi mạnh để "tấn công” được vào thị trường này.
"Thị trường lớn quan trọng, nhưng thị trường ngách cũng rất quan trọng, các doanh nghiệp không nên bỏ phí", ông Nguyễn Hữu Nam nhấn mạnh.
Theo đánh giá của các chuyên gia, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có khả năng đáp ứng tiêu chuẩn Halal, nhưng cần thực hiện một số bước quan trọng để đảm bảo tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt. Đây là cơ hội lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu vào các quốc gia Hồi giáo, đặc biệt là Indonesia, Malaysia, Brunei và các cộng đồng Hồi giáo tại các nước ASEAN khác.
Bên cạnh việc tận dụng thị trường ngách, theo bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Liên đoàn Thương mại - Công nghiệp Việt Nam - VCCI), doanh nghiệp cần lưu ý về những rào cản thương mại do một số quốc gia trong ASEAN đặt ra. Cụ thể, thời gian qua, Indonesia, Philippines, Thái Lan đã đặt ra khá nhiều biện pháp phi thuế quan có tính hạn chế thương mại đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như sắt thép, xi măng, gạch men, xơ sợi.
Do đó, theo Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, thời gian tới, các cơ quan quản lý nhà nước cần cung cấp thông tin thị trường, hướng dẫn doanh nghiệp cách tiếp cận, cơ hội tại thị trường ASEAN. Bên cạnh đó, cần thường xuyên theo dõi để kịp thời phát hiện và có biện pháp đấu tranh, xử lý các chính sách hạn chế, rào cản thương mại đối với mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam.