Doanh nghiệp da giày hưởng lợi lớn từ CPTPP
CPTPP là một trong những FTA quan trọng với ngành da giày khi nhiều thị trường trong khối này đóng vai trò là những thị trường lớn nhất của sản phẩm da giày Việt Nam.
Nhiều thị trường trong khối CPTPP là thị trường lớn nhất của da giày Việt
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu giày dép trong 7 tháng năm 2024 đạt 10,147 tỷ USD, tăng 10,4% và xuất khẩu túi xách đạt 1,621 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh nghiệp FDI chiếm 77,9% tổng kim ngạch xuất khẩu (giày dép 79,3%, túi xách 70%).
Tổng xuất khẩu da giày sang 16 nước lớn nhất (gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Bỉ, Hà Lan, Đức, vương quốc Anh, Hàn Quốc, Canada, Pháp, Tây Ban Nha, Italy, Australia, Mexico, UAE và Đài Loan) chiếm trên 88,4% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Như vậy, 2 thị trường lớn nhất trong khối CPTPP là Mexico và Canada đều nằm trong khối các thị trường lớn nhất của giày dép Việt Nam.
Bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng thư ký Hiệp Hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam cho biết, CPTPP là một trong những FTA quan trọng với ngành da giày. Trong những nước tham gia CPTPP, 2 quốc gia Canada và Mexico chưa có FTA trước đó nên khi có CPTPP, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu da giày vào 2 thị trường này tăng rất nhanh chóng, lên đến 20%. Đối với các thị trường của Việt Nam trong khối CPTPP, trừ Brunei, còn lại hầu như đều giảm thuế về 0% ngay khi FTA có hiệu lực, mang lại kết quả tích cực cho doanh nghiệp. Các nước CPTPP hiện chiếm 12% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu, tức là đây là thị trường mang đến nhiều lợi ích lớn.
Một trong những tín hiệu tích cực khác là nhờ hiệp định này mà việc dịch chuyển nguồn cung ứng nguyên phụ liệu đã vào Việt Nam. Các FTA muốn có hiệu lực thì ta phải tuân thủ các điều kiện về quy tắc xuất xứ. Chính vì sự chuẩn bị ngay từ khi đàm phán Hiệp định TPP là Hiệp định tiền thân của CPTPP nên các nguồn cung nguyên phụ liệu đã dịch chuyển vào Việt Nam và góp phần tăng trưởng tỷ lệ nội địa hoá đối với sản phẩm da giày xuất khẩu từ mức 45% lên 55% và đang tiếp tục tăng lên. Đây là thành công đáng kể cho ngành da giày bên cạnh sự tăng trưởng xuất khẩu.
Tuy nhiên, khó khăn của doanh nghiệp hiện nay là các thị trường trong khối CPTPP đang có đòi hỏi ngày càng cao về vấn đề phát triển bền vững. “Phát triển bền vững đặt ra thách thức lớn cho doanh nghiệp ngành da giày nói riêng và doanh nghiệp Việt Nam nói chung. Khi tham gia các FTA thế hệ mới, trong đó có CPTPP thì có thể hiểu nôm na giống như là nếu trước đây ta chỉ đi “nội đô” thì nay đã đi trên “đường cao tốc”. Mà đi trên cao tốc thì đòi hỏi xe phải tốt, phải hiện đại thì mới di chuyển được. Còn các loại xe thô sơ, yếu thì sẽ bị loại ra khỏi cuộc chơi” – bà Phan Thị Thanh Xuân chia sẻ.
Xu hướng xanh hóa trên thế giới đang ngày càng đòi hỏi khắt khe đối với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu. Nếu không muốn bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp da giày Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc cách mạng 4.0, sản xuất tự động, trí tuệ nhân tạo (AI), phát triển xanh.
Doanh nghiệp nỗ lực đáp ứng các yêu cầu thị trường
Thực tế, thời gian qua, để đáp ứng các yêu cầu về tăng trưởng xanh, các doanh nghiệp ngành da giày trong quá trình xuất khẩu luôn tuân thủ các quy định, yêu cầu của phía khách hàng. Việc doanh nghiệp thực hiện đúng các yêu cầu cũng là cách để doanh nghiệp có cách cải tổ nội lực vì khi thực hiện chứng chỉ, doanh nghiệp sẽ rà soát lại năng lực của mình để có được đơn hàng. Đây là động lực lớn để cải tổ sản xuất, cũng là bước để doanh nghiệp chuẩn bị cho quá trình phát triển bền vững.
Tuy nhiên, bà Xuân cho rằng, các doanh nghiệp cũng cần nhanh chóng cải thiện minh bạch thông tin chuỗi cung ứng sản phẩm của mình bắt đầu từ khâu nguyên liệu, sản xuất bền vững hướng đến kinh tế tuần hoàn, có trách nhiệm với xã hội và môi trường.
Để tiếp tục tận dụng được cơ hội từ các FTA mang lại, nhiều ý kiến cho rằng phát triển công nghiệp hỗ trợ và nguyên phụ liệu ngành da giày trong nước là vô cùng quan trọng. Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam đã nhiều lần đề xuất hỗ trợ hình thành các khu công nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ chuyên biệt cho ngành da giày, tập trung sản xuất da thuộc, vải kỹ thuật, phụ kiện làm khuôn, đế,… thuận tiện cho bảo vệ môi trường và tổ chức sản xuất tập trung.
“Cuối năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển ngành dệt may da giày. Trong chiến lược có nội dung thực thi là xây dựng chương trình phát triển bền vững ngành dệt may, da giày. Chúng tôi cho rằng cần xây dựng ngay chương trình hành động cụ thể với chiến lược, trong đó nêu rõ nội dung mà thế giới và doanh nghiệp đang yêu cầu, đặt ra với doanh nghiệp, từ những giải pháp về thể chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, tiêu chuẩn hoá các yêu cầu đối với doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu quốc tế. Đó là giải pháp tổng thể căn bản giúp ngành dệt may da giày đi nhanh và xa hơn” – bà Phan Thị Thanh Xuân khẳng định.
Đồng thời, cần có sự đồng bộ về cơ chế, chính sách, giải pháp thu hút đầu tư từ những tập đoàn đa quốc gia. Kết nối doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Theo ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), cần lập các nhóm kết nối giữa các doanh nghiệp xuất khẩu với các cơ quan liên quan; tập trung xây dựng thương hiệu và có chiến lược xây dựng bài bản, hiệu quả; xây dựng hệ sinh thái cho ngành (cơ quan tư, địa phương, hiệp hội, công ty xuất khẩu chính, công ty tư vấn, nông dân, công ty cung cấp nguyên liệu đầu vào...); tập trung nâng cao chất lượng, chú ý phát triển bền vững... Đây là “chìa khoá” để doanh nghiệp da giày đáp ứng được các yêu cầu không chỉ ở thị trường CPTPP mà còn rất nhiều thị trường mà ta đang có FTA.