Động lực gia tăng kim ngạch thương mại Việt Nam – Nhật Bản từ Hiệp định RCEP
Hiệp định RCEP là một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào tăng trưởng kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam - Nhật Bản tăng trưởng rất mạnh trong những năm qua.
Thương mại hai chiều không ngừng gia tăng
Báo cáo nhìn nhận lại thành tựu của quan hệ kinh tế Việt Nam – Nhật Bản do Ngân hàng HSBC công bố mới đây cho thấy, một điểm ấn tượng là thương mại song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản đã tăng trưởng mạnh trong vòng ba thập kỷ qua nhờ những nỗ lực tích cực trong tự do hóa thương mại, giúp Nhật Bản trở thành đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam. Mặc dù thị phần xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản giảm dần do tỷ trọng của Mỹ và Trung Quốc tăng lên, tổng thương mại giữa Nhật Bản và Việt Nam đã gia tăng với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt mức 15,2% kể từ năm 1990.
Trong nhiều năm qua, Nhật Bản vẫn duy trì là một trong những đối tác xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam. Năm 2023, Nhật Bản đứng thứ 4 trong danh sách các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu sang nước này đạt 23,31 tỷ USD (theo số liệu của Tổng cục Hải quan).
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 8/2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản đạt hơn 2,27 tỷ USD, giảm 1,6% so với tháng trước. Tính chung 8 tháng năm 2024 đạt 16,01 tỷ USD, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước.
Thuỷ sản Việt Nam được thị trường Nhật Bản ưa chuộng
Với dân số hơn 126 triệu người, Nhật Bản là thị trường có nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ lớn đối với các sản phẩm: cá và sản phẩm chế biến từ cá, tôm, lươn, thịt, sản phẩm từ thịt, đậu nành, sản phẩm từ ngũ cốc, rau quả tươi và chế biến, cà phê… Trong khi đó, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có thế mạnh về những mặt hàng nói trên và có khả năng cung ứng tốt cho thị trường Nhật Bản.
Nhật Bản là thị trường xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam nhờ lợi thế ưu đãi thuế quan từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) chung giữa hai nước (04 FTA tính tới thời điểm này, gồm VJEPA, AJCEP, CPTPP và RCEP).
Kết quả ấn tượng này có được là nhờ Việt Nam gia nhập WTO từ năm 2007, sau đó là tới Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện giữa Nhật Bản với ASEAN (ASEAN-Japan Comprehensive Economic Partnership – AJCEP) có hiệu lực từ năm 2008 và Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (Vietnam-Japan Economic Partnership Agreement – VJEPA) có hiệu lực từ năm 2009.
Đồng thời, Việt Nam và Nhật Bản còn là thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Đặc biệt, Hiệp định RCEP chính thức có hiệu lực từ 1/1/2022 đã mở ra khu vực thương mại tự do có quy mô lớn nhất thế giới, với khoảng 30% GDP toàn cầu và một khu vực thị trường với 1/3 dân số thế giới. Trong số các thị trường RCEP, Nhật Bản là thị trường trọng điểm có ý nghĩa quan trọng và gắn kết chặt chẽ với Việt Nam. Do đó, tận dụng cơ hội từ RCEP để tăng kim ngạch xuất khẩu, hạn chế các rào cản thương mại là mục tiêu rất lớn của cơ quan quản lý nhà nước cũng như các doanh nghiệp Việt Nam.
Theo thông tin từ Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), trong những năm qua, Việt Nam đã đóng góp khoảng 3% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vào thị trường Nhật Bản. Hoạt động xuất nhập khẩu và vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam sang Nhật Bản và ngược lại diễn ra rất thuận lợi.
Nhật Bản một nước phát triển và đi đầu về công nghiệp cũng như các sản phẩm điện tử nên đang xuất khẩu sang Việt Nam với kim ngạch rất lớn. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng xuất khẩu những sản phẩm có thế mạnh vào thị trường Nhật Bản như thủy sản, nông sản, hàng dệt may và da giày, các sản phẩm từ gỗ. Hiện nay, các FTA giữa Việt Nam và Nhật Bản đang trở thành trợ lực, là đòn bẩy thúc đẩy quan hệ thương mại song phương giữa hai nước.
Mục tiêu chính của Hiệp định RCEP là tập trung tạo thuận lợi về hàng hóa, nên về sản xuất, Việt Nam có thể đa dạng hóa nguồn nguyên liệu sản xuất đầu vào để thúc đẩy xuất khẩu.
Việt Nam có thể tận dụng được phế liệu từ rượu, bia hay nguyên liệu dệt may từ Trung Quốc, Hàn Quốc để sản xuất và xuất khẩu sang Nhật Bản. Bên cạnh đó, các quy tắc về xuất xứ hàng hóa không có nhiều khác lạ, bởi doanh nghiệp Việt Nam đã rất quen thuộc với quy tắc này tại thị trường các nước ASEAN.
Chú ý chất lượng sản phẩm xuất khẩu
Theo Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, hiện nhìn chung sản phẩm hải sản, nông sản, hoa quả của Việt Nam mới chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong cơ cấu nhập khẩu Nhật Bản, nên còn rất nhiều dư địa để các doanh nghiệp xuất khẩu có thể xâm nhập thị trường này. Tuy nhiên, các mặt hàng nông sản tươi sống xuất khẩu vào Nhật Bản vẫn còn gặp nhiều khó khăn như giá cao, thời gian vận chuyển lâu nên khó đảm bảo độ tươi ngon.
Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản lưu ý, sản phẩm nông sản tươi sống hoặc qua chế biến xuất khẩu cần phải phù hợp với các tiêu chuẩn, quy định trong Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm của Nhật Bản. Hải quan Nhật Bản quy định rất nghiêm ngặt, nếu 1 lô hàng bị phát hiện vi phạm vệ sinh, không những lô hàng đó bị yêu cầu phải tiêu hủy, tần suất kiểm tra sẽ được tăng lên không chỉ với 1 doanh nghiệp mà đối với cả các doanh nghiệp khác cùng nhập khẩu mặt hàng tương tự.
Bên cạnh đó, thị hiếu tiêu dùng và văn hóa kinh doanh của người Nhật Bản rất đặc thù. Khi mua hàng, chất lượng là yếu tố được người dân Nhật Bản coi trọng nhất. Hàng hóa nội địa của Nhật có chất lượng cao nên tâm lý tiêu dùng của người Nhật là luôn đòi hỏi các sản phẩm, kể cả các sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài phải có chất lượng tốt. Người Nhật cũng rất chú trọng đến giá cả, mẫu mã, kích thước, màu sắc, công dụng của sản phẩm. Vì vậy, doanh nghiệp nước ngoài muốn có chỗ đứng tại thị trường này cần tìm hiểu thị hiếu của người tiêu dùng Nhật Bản, từ đó đa dạng hóa mẫu mã, hình thức sản phẩm song song với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành.
Về văn hóa kinh doanh, khi gặp gỡ đối tác Nhật lần đầu tiên, doanh nghiệp Việt Nam cần mang theo danh thiếp, catalo, hồ sơ giới thiệu công ty, hàng mẫu… cần đảm bảo đúng giờ và giữ lời khi đã hứa hẹn một việc gì đó với đối tác. Thông thường thiết lập quan hệ hợp tác kinh doanh với doanh nghiệp Nhật Bản không đơn giản, nhiều trường hợp phải có sự giới thiệu của bên thứ ba uy tín thì doanh nghiệp Nhật mới tin tưởng.