Hướng tới xây dựng chuỗi giá trị bền vững cho ngành da giày tận dụng hiệu quả FTA
Các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đặc biệt là các FTA thế hệ mới (EVFTA, CPTPP, UKVFTA) đã tạo ra nhiều cơ hội thuận lợi cho ngành da giày Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, để tận dụng tốt hơn lợi thế và dư địa của các hiệp định này mang lại, doanh nghiệp trong ngành cần chủ động ứng phó để đảm bảo vị thế cạnh tranh và bền vững hơn trong tương lai.
Tăng tỷ trọng cho tăng trưởng xuất khẩu
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2023, xuất khẩu giày dép của Việt Nam đã mang về hơn 20,2 tỷ USD, giảm 15,3% so với năm 2022. Hiện Việt Nam đang xếp thứ 2 thế giới về xuất khẩu giày dép với lượng xuất khẩu ước tính chiếm 10% của thế giới. Mặt hàng giày dép của Việt Nam đã được xuất khẩu tới hơn 150 thị trường trên thế giới, trong đó, các thị trường chính của giày dép Việt Nam bao gồm EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Đặc biệt, nhờ Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA), thị trường EU đã chiếm 40% tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép, tăng mạnh so với trước khi Việt Nam tham gia EVFTA, khi chỉ đạt khoảng 23%.
7 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu ngành da giày đạt khoảng 13 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023. Với tốc độ tăng trưởng hiện tại, kim ngạch xuất khẩu cả năm 2024 sẽ đạt khoảng 26 - 27 tỷ USD. Tuy nhiên, doanh nghiệp da giày Việt Nam vẫn chưa tận dụng hết lợi thế và dư địa của các hiệp định này mang lại.
Chia sẻ tại Tọa đàm "Xây dựng hệ sinh thái tận dụng FTA cho ngành da giày - Cần làm gì để thực sự hiệu quả" do Báo Công Thương tổ chức mới đây, TS. Lê Huy Khôi - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương nhận định, thời gian qua, ngành da giày đã đóng góp một vai trò quan trọng vào nền kinh tế quốc gia. Ngoài việc tăng tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu, ngành này còn tạo động lực lớn cho tăng trưởng năng lượng và nâng cao thu nhập của người lao động. Các chỉ số sản xuất cho thấy từ khi tham gia vào các hiệp định thương mại, ngành da giày đã có những bước tăng trưởng tích cực. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận rằng sự tăng trưởng này vẫn chưa bền vững do tác động từ các yếu tố bên ngoài và chu kỳ kinh tế không ổn định.
Theo TS. Lê Huy Khôi, ngành da giày Việt Nam vẫn có nhiều tiềm năng để phát triển. Song một trong những thách thức lớn hiện tại là yêu cầu tuân thủ các tiêu chuẩn về môi trường và lao động từ các thị trường quốc tế. Những tiêu chuẩn này không chỉ đảm bảo phát triển bền vững mà còn là rào cản kỹ thuật mà các thị trường sử dụng để hạn chế khả năng cạnh tranh của Việt Nam. Do đó, các doanh nghiệp cần tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế như ISO 9000, quy trình 6 Sigma, và các tiêu chí về môi trường xanh. Trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần tích cực thực hiện truy xuất nguồn gốc nguyên liệu, đảm bảo tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn môi trường và phát triển bền vững, để duy trì vị thế và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Đồng quan điểm, ông Ngô Chung Khanh – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, bên cạnh những mặt tích cực về kim ngạch xuất khẩu thì ngành da giày còn có "điểm sáng" khi xuất khẩu sang các thị trường FTA là tận dụng rất tốt tỷ lệ sử dụng mẫu chứng thư xuất xứ EURO với gần 100%. Điều đó cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam đang tận dụng rất hiệu quả từ FTA.
Tuy nhiên, thông qua các chương trình trao đổi trực tiếp với các doanh nghiệp da giày ở một số tỉnh thành đã cho thấy vẫn còn những khó khăn vướng mắc nhất định đối với ngành này. Trong đó nút thắt lớn nhất là vấn đề nguồn nguyên liệu, cùng với đó là thiếu thông tin thị trường, đơn hàng không ổn định; vấn đề về vốn và công nghệ, hơn nữa là vấn đề xây dựng thương hiệu. “Khách quan mà nói, trong chiến lược phát triển của ngành da giày, chúng ta đặt kỳ vọng rất lớn để xây dựng các thương hiệu có tầm cỡ khu vực, nhưng để làm điều đó không đơn giản, bởi vì đa số hiện nay chúng ta vẫn là gia công” – ông Ngô Chung Khanh nhấn mạnh.
Xây dựng hệ sinh thái kết nối, tận dụng hiệu quả FTA
Bộ Công Thương đã định hướng xây dựng hệ thống hỗ trợ cho ngành da giày, giúp giải quyết những vướng mắc hiện tại. Các xu hướng phát triển hiện nay, đặc biệt là các yêu cầu từ thị trường nhập khẩu, đòi hỏi việc áp dụng các tiêu chuẩn mới liên quan đến môi trường và lao động. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Mai, Trung tâm Thiết kế và Phát triển sản phẩm - Viện Nghiên cứu Da Giày chia sẻ, các doanh nghiệp tư nhân và làng nghề đều mong muốn đưa sản phẩm của họ ra thị trường quốc tế. Tuy nhiên, họ gặp phải rào cản kỹ thuật lớn, từ khâu nguyên liệu đến sản phẩm cuối cùng, khiến nhiều sản phẩm không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Vì vậy, việc xây dựng hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật cho ngành da giày trở thành yếu tố then chốt để kiểm soát nguyên liệu đầu vào và nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu.
Theo bà Mai, việc xây dựng hệ sinh thái FTA cho ngành da giày là một giải pháp thiết thực nhằm giúp các doanh nghiệp tối ưu hóa lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do (FTA). Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu và mang lại lợi ích lớn cho các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất khi tham gia vào hệ sinh thái này. Ngoài ra, hệ sinh thái này cũng giúp phát triển sản xuất nguồn nguyên phụ liệu nội địa hóa, đồng thời cải thiện năng lực sản xuất của doanh nghiệp để đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu của các thị trường quốc tế. Việc phát triển hệ sinh thái FTA sẽ đóng góp lớn cho sự phát triển bền vững của ngành da giày Việt Nam.
Một trong những yếu tố quan trọng để xây dựng hệ sinh thái FTA là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Các doanh nghiệp cần đầu tư mạnh mẽ vào đào tạo và phát triển đội ngũ lao động có tay nghề cao, từ khâu thiết kế, sản xuất đến quản lý chất lượng. Việc này giúp doanh nghiệp không chỉ đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật của các thị trường xuất khẩu, mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế.
Ông Ngô Chung Khanh cho biết, Bộ Công Thương đã xây dựng đề án và đang tiến hành lấy ý kiến các tỉnh thành, hiệp hội, doanh nghiệp và người dân. Quá trình này sẽ triển khai đến hết năm 2024, sau đó sẽ tổng hợp tất cả những ý kiến thành dự thảo gửi các bộ, ngành, các tỉnh/thành, hiệp hội có liên quan. Chúng tôi kỳ vọng đến tháng 9/2025 hệ sinh thái này có thể bắt đầu hoạt động.
Các chuyên gia cho rằng, việc xây dựng Hệ sinh thái tận dụng các FTA giúp doanh nghiệp da giày tối ưu hóa lợi ích FTA, trong đó có Hiệp định EVFTA là vô cùng cần thiết và cấp bách trong bối cảnh hiện nay khi những thị trường xuất khẩu liên tục thay đổi về các quy định nhập khẩu. Không những vậy, việc tham gia xây dựng Hệ sinh thái tận dụng các FTA còn tạo đòn bẩy, thúc đẩy phát triển và tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu của ngành da giày. Những thách thức chính trong việc xây dựng hệ sinh thái này bao gồm việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế và đảm bảo tuân thủ các yêu cầu về môi trường, lao động. Tuy nhiên, nếu thành công, hệ sinh thái mới sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao hiệu quả, tận dụng tối đa các lợi ích từ FTA và tạo ra nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài của ngành da giày.