A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kinh tế Ấn Độ tăng trưởng cao nhất thế giới ở mức 8.4%

Các hoạt động kinh tế của Ấn Độ hiện nay đã trở lại bình thường, đây là quý thứ tư liên tiếp GDP của Ấn Độ quay trở lại tăng trưởng tích cực sau hai quý suy giảm vào năm 2020. Ấn Độ tiếp tục là nền kinh tế lớn có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất với tốc độ 8,4% trong quý 2 năm 2021 (từ tháng 7 tới tháng 9). 

Dự báo GDP của Ấn Độ cho năm 2021 ở mức cao hơn so với mức dự báo 8% của Trung Quốc và mức 6% của Mỹ. Trung Quốc chỉ tăng trưởng 4,9% trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 9 năm 2021.

GDP tính theo giá cố định, trong 6 tháng đầu năm tài chính 2021-2022 (từ tháng 4 tới tháng 9/2021) ước tính đạt 68,11 Rs lakh crore (tương ứng với 903 tỷ USD) tăng 13,7% so với mức 59,92 Rs lakh crore (tương đương với 792 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2020, tuy nhiên, mức tăng này chưa thể bù lại so với suy giảm 15,9% của năm 2020 so với năm 2019. Giá trị thực tế tuyệt đối của GDP quý 2/2021 ở mức 35,75 Rs Lakh Crore (tương đương với 474 tỷ USD) tăng 0,33% so với mức 32,96 Rs Lakh Crore (tương đương với 437 tỷ USD) trong quý 2/2020.

Những tín hiệu phục hồi này cho thấy những nỗ lực của chính phủ Ấn Độ trong việc thúc đẩy tiêu dùng thông qua chi tiêu chính phủ và lãi suất thấp đã mang lại những kết quả khả quan. Bên cạnh đó, Ấn Độ đã nới lỏng chính sách tài khóa và tiền tệ để có thể giúp nền kinh tế vượt qua cơn đại dịch. Chính phủ Ấn Độ cam kết sẽ tiếp tục các biện pháp này trong thời gian cần thiết để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong nước. Bộ trưởng Bộ Tài chính Nirmala Sitharaman đã ưu tiên chi tiêu cho cơ sở hạ tầng trong dự toán ngân sách năm 2021.

Các hoạt động kinh tế của Ấn Độ đang trở lại bình thường sau làn sóng đại dịch thứ hai kể từ đầu năm 2021. Báo cáo GDP quý 2 năm 2021 phản ánh sự phục hồi trong chi tiêu tiêu dùng tư nhân do việc mở cửa trở lại nền kinh tế, dịch bệnh phần nào được kiểm soát do tác động đáng kể bởi tiêm chủng trên diện rộng.

Hoạt động dịch vụ của chính phủ bao gồm hành chính công và quốc phòng ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ ở mức 17,4%. Chi tiêu chính phủ tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2020 và lãi suất thấp đã thúc đẩy tiêu dùng tăng cao.

Thâm hụt tài khóa dự kiến sẽ ở mức 6,8% GDP (tính tới hết ngày 31/3/2022), mức thâm hụt tài khóa này nằm trong dự toán ngân sách có thể đáp ứng được. Theo dữ liệu của Văn phòng Kiểm soát tổng hợp tài khoản (CGA), thâm hụt tài chính của chính phủ Ấn Độ ước đạt 5,47 rs lakh crore (tương đương 72,5 tỷ USD) chiếm 36,6% dự toán ngân sách vào cuối tháng 10/2021 nhờ cải thiện thu ngân sách. Số liệu thâm hụt tài khóa hiện tại tốt hơn so với cùng kỳ năm 2020, với sự chênh lệnh chi và thu đã tăng lên 119,7% so với dự toán ngân sách năm 2020, chủ yếu tăng chi tiêu để đối phó với đại dịch Covid-19. 

Tổng giá trị gia tăng (GVA) đạt mức tăng trưởng 8,5% trong quý 2/2021 cho thấy sự phục hồi trên diện rộng ở nhiều lĩnh vực. Lĩnh vực nông nghiệp đạt mức tăng trưởng 4,5% do vụ mùa bội thu. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất tăng 5,5%, phản ánh sự phục hồi nhu cầu tiêu dùng trong nước, và xuất khẩu tăng. Lĩnh vực xây dựng, thương mại, khách sạn, vận tải và dịch vụ tài chính đạt mức tăng trưởng 7-8%.

Tăng trưởng của các lĩnh vực cốt lõi đạt mức 7,3%, được thúc đẩy bởi sự phục hồi mạnh mẽ trong sản xuất than, xi măng, phân bón và các sản phẩm lọc dầu. Ngoại trừ lĩnh vực điện suy giảm sản lượng do yếu tố mùa vụ và sự thiếu hụt than, tất cả các lĩnh vực cốt lõi ghi nhận sự tăng trưởng trên diện rộng, mở ra kỳ vọng về việc cải thiện hoạt động công nghiệp. Sản lượng các ngành cốt lõi đã vượt mức trước đại dịch với chỉ số bình quân gia quyền trong khoảng thời gian từ tháng 4 tới tháng 10 cao hơn 0,6% so với cùng kỳ năm 2019. Trong 8 lĩnh vực cốt lõi, 6 lĩnh vực cho thấy sự tăng trưởng tích cực trong giai đoạn 7 tháng gần đây so với năm tài chính 2020, ngoại trừ 2 lĩnh vực dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ tinh chế.

Ông Sakshi Gupta, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng HDFC nhận xét “tăng trưởng GDP trong quý 2 đạt mức 8,4%, cho thấy nền kinh tế đã đạt được kết quả tích cực do cầu kéo. Về phía cung, tăng trưởng nông nghiệp cùng với tăng trưởng dịch vụ ở mức 10,2% với sự phục hồi các dịch vụ, lĩnh vực tài chính và bất động sản”.

Cố vấn kinh tế của Chính phủ, ông KV Subramanian cho biết Ấn Độ dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng hai con số trong năm tài chính hiện tại (tháng 4/2021 đến tháng 3/2022), được hỗ trợ bởi nhu cầu tăng và khu vực ngân hàng phát triển mạnh mẽ. Trong nửa đầu năm 2021, Ấn Độ đạt tăng trưởng chung 13,7% do đó với mức tăng trưởng hơn 6% trong nửa cuối năm cũng có thể giúp Ấn Độ đạt tăng trưởng cả năm trên 2 con số. Trong dự kiến, Ấn Độ có thể đạt mức tăng trưởng 6,5-7% cho năm tới và hơn 7% với các kịch bản kinh tế khác nhau.

Trái với nhận xét khả quan về sự phục hồi kinh tế Ấn Độ nói trên, cựu Bộ trưởng Tài chính P Chidambaram cho rằng đây vẫn chưa phải sự phục hồi hình chữ V, và có những lĩnh vực kinh tế kinh tế vẫn còn “què quặt” và cần được giúp đỡ để phục hồi. Ông nhận xét thêm “trong giai đoạn 2021-2022, tăng trưởng GDP trong quý 1 là 20,1% so với mức tăng trưởng của quý 1 năm 2020 là -24,4%. Trong quý 2 mức tăng trưởng đạt 8,4% so với mức tăng trưởng của quý 2 năm 2020 là -7,4%.

Nhiều nhà phân tích đưa ra dự báo tăng trưởng năm tài chính 2022 của Ấn Độ sẽ nằm trong khoảng 9,3% đến 10% với giả định rằng sẽ không có làn sóng Covid-19 nghiêm trọng nào diễn ra. Tuy nhiên, trong bối cảnh xuất hiện biến thể mới Omicron đang trở thành mối đe dọa hàng đầu đối với sự phục hồi kinh tế toàn cầu, thì những dự báo kinh tế này có lẽ cần điều chỉnh lại.


Nguồn:Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ Copy link

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website