EU tăng số lượng cảnh báo, doanh nghiệp Việt cần lưu ý tuân thủ các quy định SPS trong EVFTA
EVFTA dỡ bỏ hàng rào thuế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam vào thị trường EU. Tuy nhiên, đây vẫn là thị trường rất khó tính, thường xuyên thay đổi quy định về kiểm dịch động thực vật nhằm bảo vệ sức khoẻ con người, ngăn ngừa lây lan dịch bệnh trên động, thực vật. Đây là thách thức mà người sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu phải vượt qua để duy trì và phát triển thị trường.
Để tận dụng được cơ hội EVFTA mang lại, nông nghiệp Việt Nam đã có nhiều thay đổi, từ doanh nghiệp, nhà sản xuất và cơ quan quản lý nhà nước… từ đó tổng giá trị xuất khẩu nông sản vào EU đã được nâng cao, đặc biệt là các mặt hàng chủ lực. Tuy vậy, còn rất nhiều việc cần thay đổi để đáp ứng yêu cầu của thị trường khó tính này để tiếp tục nâng cao hiệu quả xuất khẩu nông sản vào EU, đa dạng hoá sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu nhất là sản phẩm chế biến sâu, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản Việt Nam ở châu Âu, từ đó hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế đất nước.
Chia sẻ tại Hội nghị phổ biến các quy định SPS trong Hiệp định EVFTA và RCEP được tổ chức mới đây, ông Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Thị trường EU có 3 quy định an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động thực vật (SPS) đối với nông sản thực phẩm và thủy sản nhập khẩu. Theo thống kê của Văn phòng SPS Việt Nam, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, các quốc gia thành viên WTO đã đưa ra 551 thông báo và dự thảo biện pháp SPS được gửi đến Việt Nam; trong đó, có 115 thông báo về thay đổi mức dư lượng tối đa thuốc bảo vệ thực vật hoặc kháng sinh; sau đó là sức khỏe động vật, sức khỏe thực vật, thức ăn chăn nuôi...
Đáng nói, chỉ riêng trong 6 tháng năm 2024 số lượng cảnh báo an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động thực vật với nông sản từ EU tăng bất thường, tăng gần 20%, nhiều nhất trong các đối tác thương mại nông sản của Việt Nam. Cụ thể, Việt Nam nhận 57 cảnh báo trong nửa năm, trong khi cùng kỳ năm 2023 là 31 cảnh báo, tăng hơn 80%. Trong số này, TP. Hồ Chí Minh chiếm nhiều nhất, với 23 cảnh báo. Việc EU tăng số lượng cảnh báo khiến tần suất kiểm tra biên giới của nông sản tăng. Hiện, Việt Nam còn 4 mặt hàng phải chịu, với tần suất thanh long (30%), ớt (50%), đậu bắp (50%), sầu riêng (10%).
Phân tích nguyên nhân về sự tăng bất thương số lượng cảnh báo, ông Ngô Xuân Nam cho rằng, có cả lý do chủ quan lẫn khách quan. Về phía chủ quan, doanh nghiệp xuất khẩu chưa thực sự tuân thủ các quy định của nhà nhập khẩu vì mức MRL (giới hạn dư lượng tối đa) đối với mỗi hoạt chất của mỗi nước là khác nhau. Việc này đòi hỏi phải có sự nghiên cứu chuyên sâu và am hiểu khoa học, kỹ thuật.
Ngoài ra, theo thói quen từ trước, người sản xuất ở một số nơi còn chưa có biện pháp, kế hoạch sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh, phân bón đúng hướng dẫn. Trách nhiệm kiểm tra, giám sát cũng là một lý do khiến số lượng cảnh báo tăng.
Lãnh đạo Văn phòng SPS Việt Nam cho rằng, tỷ lệ giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói chưa đạt. Ví dụ sầu riêng chỉ giám sát 52% vùng trồng và 47% cơ sở đóng gói. Pháp luật Việt Nam cũng chưa có quy định và chế tài đủ mạnh để xử lý các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm.
“Để khắc phục tình trạng hàng hoá, nông sản bị cảnh báo, tăng tần suất kiểm tra, thậm chí trả/tiêu huỷ khi xuất khẩu, không cách nào khác phải tăng cường liên kết theo hướng đồng quản lý an toàn thực phẩm, chất lượng, góp phần giúp chuẩn hóa ngay từ nguyên liệu đầu vào. Chỉ khi nào từng khâu làm tròn trách nhiệm của mình, nền nông nghiệp Việt Nam mới thoát cảnh e dè trước những thay đổi của thị trường nhập khẩu”, ông Ngô Xuân Nam nhấn mạnh.
Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, cho biết, ngành hàng hồ tiêu nói riêng và gia vị nói chung còn tồn tại một số hạn chế trong kiểm soát các vấn đề SPS, xuất phát từ sản xuất nhỏ lẻ, nông dân, doanh nghiệp chưa nắm bắt đầy đủ các tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu. Đáng chú ý nhất là các cảnh báo từ thị trường EU liên quan đến 3 chỉ tiêu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, vi sinh vật, kim loại nặng.
Do đó, hiệp hội khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu cần thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin về SPS trên các trang thông tin chính thức của Văn phòng SPS, tham khảo các trường hợp tương tự để tránh vi phạm.
Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, cần có sự phối hợp đồng bộ hơn giữa đơn vị đầu mối (Văn phòng SPS, Cục Bảo vệ thực vật, Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường) doanh nghiệp, hiệp hội để xử lý hiệu quả các vấn đề như lô hàng bị cảnh báo, vướng mắc trong thực thi liên quan đến SPS.
Trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), có một chương quy định về Các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (Chương 6), bao gồm các cam kết ràng buộc Việt Nam/EU trong việc ban hành và thực thi các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (các quy định, thủ tục nhằm mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người, động thực vật) đối với hàng hóa, đặc biệt là thực phẩm và các sản phẩm nông nghiệp.
EVFTA quy định mỗi bên cần thiết lập danh sách các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa nông sản, thực phẩm đáp ứng các yêu cầu SPS theo mã hàng hóa xuất khẩu để gửi cho bên còn lại. Thời gian công nhận tương đương là 3 tháng kể từ thời điểm nhận được đề nghị, rút ngắn còn nửa thời gian so với quy định 6 tháng của WTO.
Với cam kết trong EVFTA, doanh nghiệp cần có sự thay đổi trong sản xuất, chuẩn hóa chuỗi giá trị để đáp ứng được yêu cầu mà các nước EU đặt ra tại Hiệp định này. Dù EVFTA có ưu đãi với những quy định về biện pháp kiểm dịch động thực vật linh hoạt nhưng EU còn có nhiều quy định không chỉ liên quan đến tiêu chuẩn sản phẩm mà cả đối với quy trình sản xuất ra sản phẩm đó. Nếu không nâng cấp được chất lượng hàng xuất khẩu và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của EU, đặc biệt là về truy xuất nguồn gốc, các doanh nghiệp sẽ không tận dụng được tối đa ưu đãi do EVFTA mang lại.