Cơ hội và thách thức cho ngành hàng hải và vận tải biển trong bối cảnh thực thi EVFTA
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại song phương Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) nhờ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã mở ra nhiều cơ hội mới cho ngành hàng hải Việt Nam, đồng thời đặt ra những yêu cầu cao hơn về năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp vận tải biển trong nước. Để tận dụng tối đa cơ hội từ EVFTA, ngành vận tải biển Việt Nam cần phải nhanh chóng thích ứng với những thay đổi của thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng được các yêu cầu ngày càng khắt khe của khách hàng.
Vận tải biển là huyết mạch của thương mại toàn cầu
Tận dụng những cơ hội từ EVFTA, tạo động lực phát triển ngành vận tải biển
Theo ông Jan Hoffman - Trưởng Tiểu ban Logistics Thương mại thuộc Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cho biết: “Hơn 80% khối lượng hàng hoá quốc tế được vận chuyển bằng đường biển. Tỉ lệ này thậm chí còn cao hơn tại các quốc gia đang phát triển. Có thể nói, vận tải biển là huyết mạch của thương mại toàn cầu”. Tại Việt Nam, ngành hàng hải đã chứng minh là một trụ cột quan trọng của nền kinh tế, đóng góp tích cực vào tăng trưởng và duy trì sự ổn định của chuỗi cung ứng, ngay cả trong giai đoạn đầy thách thức của đại dịch Covid-19.
Ngành hàng hải Việt Nam đang từng bước khẳng định vị thế của mình trên thị trường châu Á và có những tiến bộ đáng kể trong những năm qua; tuy nhiên, quy mô đội tàu còn hạn chế so với yêu cầu cạnh tranh trên trường quốc tế, đặc biệt là trong bối cảnh xu hướng toàn cầu hóa và sử dụng tàu lớn để tối ưu chi phí. Mặc dù đã có sự cải thiện về quy mô và cấu trúc, đội tàu vận tải biển Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu vận chuyển hàng hóa trên các tuyến quốc tế dài, nơi mà tàu có trọng tải lớn đóng vai trò quan trọng.
Với việc Hiệp định EVFTA đi vào hiệu lực, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và EU dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh mẽ. Theo dự báo, EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% và nhập khẩu của Việt Nam từ EU tăng khoảng 33,06% vào năm 2025, con số tương ứng vào năm 2030 lần lượt là 44,37% và 36,7%. Điều này kéo theo nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường biển cũng tăng cao. Đây là cơ hội vàng để ngành hàng hải Việt Nam bứt phá và khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế.
Là quốc gia ven biển có lợi thế đường bờ biển dài, gần các tuyến hàng hải quốc tế, hiện Việt Nam có 3 cảng nằm trong danh sách 50 cảng container có sản lượng thông qua lớn nhất thế giới (TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng và Cái Mép - Thị Vải). Đến thời điểm này, hệ thống cảng biển Việt Nam đã có thể tiếp nhận được tàu có trọng tải lớn nhất thế giới, thu hút 40 hãng tàu lớn của quốc tế vào hoạt động. Bên cạnh đó, Việt Nam còn có hệ thống sông ngòi dày đặc với 2.360 con sông, kênh tổng chiều dài gần 41.900 km. Hiện nay, cả nước có 202 cảng hàng hóa, 11 cảng hành khách, 97 cảng chuyên dùng, 4.791 bến thủy nội địa có phép. Theo thống kê của Bộ Giao thông vận tải, tính đến hết năm 2023, cả nước có 1.447 tàu, tổng trọng tải đạt hơn 10 triệu DWT; đội tàu Việt Nam đứng thứ 3 khu vực ASEAN và thứ 27 thế giới. Ngoài ra, doanh nghiệp trong nước còn sở hữu đội tàu mang cờ nước ngoài với tổng trọng tải 2,5 triệu DWT; hiện có 40 hãng tàu nước ngoài đang hoạt động ở nước ta. Năm 2023, tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam đã đạt 756,8 triệu tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó hàng container ước đạt 24,7 triệu TEU.
Để tận dụng tối đa cơ hội từ EVFTA, Việt Nam đã tích cực cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là trong lĩnh vực hải quan và kiểm tra chuyên ngành. Nhờ đó, hiệu quả hoạt động logistics của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ngành vận tải biển, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, Hiệp định EVFTA cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp logistics của EU đẩy mạnh đầu tư vào thị trường Việt Nam. Thông qua việc hợp tác, liên doanh với các đối tác EU, các doanh nghiệp hàng hải Việt Nam có thể tiếp cận được nguồn vốn, công nghệ và kinh nghiệm quản lý hiện đại; từ đó, mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần đưa ngành vận tải biển Việt Nam vươn lên tầm cao mới.
Tồn tại những thách thức không nhỏ
EVFTA mở ra cơ hội mới cho ngành vận tải biển Việt Nam tại thị trường EU. Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội này, các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp châu Âu có quy mô và năng lực lớn hơn. Trong khi vận tải bằng tàu container ngày càng chiếm xu hướng, thì tỷ trọng tàu container trong cơ cấu đội tàu biển Việt Nam còn rất thấp, điều này ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng tiếp cận thị trường EU của vận tải biển Việt Nam. Để tồn tại và phát triển trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt, ngành vận tải biển Việt Nam cần có một chiến lược phát triển toàn diện. Bên cạnh việc nâng cao năng lực cạnh tranh nội tại, việc nắm vững các cam kết của EVFTA và tìm kiếm cơ hội hợp tác quốc tế cũng là những yếu tố quan trọng để ngành vận tải biển Việt Nam thành công.
Đối với vận tải biển, việc phát triển đội tàu, đặc biệt tàu có sức chứa từ 1.700 container (TEU) cũng đang là yêu cầu cấp bách. Tuy nhiên, hiện chi phí đầu tư tàu quá lớn đang trở thành rào cản cho việc nâng số lượng và chất lượng đội tàu Việt Nam, nhất là tàu container. Trong khi đó, hiện chi phí VAT nhập khẩu tàu là 10%, lãi suất vay tại các ngân hàng cũng tương đối cao. Đây là hai nút thắt mong sớm được Nhà nước tháo gỡ để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển đội tàu. Để bổ sung danh mục phương tiện, rất cần Nhà nước ưu tiên tín dụng đầu tư cho các doanh nghiệp.
Hiện nay, vận tải biển quốc tế của Việt Nam chủ yếu tập trung vào các tuyến ngắn trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đông Nam Á, chiếm khoảng 7% thị phần. Đội tàu container của Việt Nam cũng hoạt động chủ yếu trên các tuyến ngắn này, với quy mô nhỏ, tuổi tàu cao và tốc độ chậm so với các hãng tàu quốc tế. Một số tàu hàng rời đã được sử dụng để vận chuyển hàng hóa đến châu Âu, nhưng số lượng còn hạn chế. Do đó, để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế, các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam cần có những giải pháp đồng bộ. Việc huy động vốn để đầu tư vào tàu hiện đại, nâng cao năng lực vận hành và quản lý đội tàu, cũng như tìm kiếm cơ hội hợp tác quốc tế là những yếu tố quan trọng để ngành vận tải biển Việt Nam phát triển bền vững.
Hiện nay, xu hướng phát triển của ngành hàng hải của thế giới nói chung cũng như phù hợp với các quy định của EVFTA là chuyển đổi số trong công tác quản lý, cảng xanh, sử dụng năng lượng và giảm khí thải và sử dụng tàu trọng tải lớn. Điều này đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi các doanh nghiệp vận tải biển phải có sự thay đổi căn bản. Để đáp ứng những yêu cầu này, ngành hàng hải cần tập trung vào việc rà soát và hoàn thiện khung pháp lý, đẩy nhanh quá trình đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển đội tàu hiện đại.