A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khai thác lợi thế từ EVFTA, hợp tác thương mại Việt Nam – Bungaria được kỳ vọng phát triển bứt phá

Thị trường Việt Nam và Bulgaria có tính bổ trợ cao cho nhau và còn rất nhiều dư địa để khai thác. Với những thuận lợi mà EVFTA đem lại, cùng với nỗ lực của Quốc hội, Chính phủ và doanh nghiệp hai nước, thương mại và đầu tư song phương được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ.

Bulgaria là một trong những nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đi đầu trong việc phê chuẩn Hiệp định khung về Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) Việt Nam-EU cũng như thúc đẩy việc ký và phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA). Kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực (1/8/2020) đã đóng góp tích cực cho sự phát triển quan hệ thương mại giữa Việt Nam với thị trường EU nói chung và với Bulgaria nói riêng.

Đưa quan hệ song phương Việt Nam - EU ngày càng phát triển sâu rộng

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong khoảng thời gian từ 2019-2023, tổng kim ngạch thương mại Việt Nam - Bulgaria tăng gần gấp đôi, từ 108,2 triệu USD lên 211,4 triệu USD. Tuy nhiên, tỷ lệ tăng trưởng hằng năm tương đối thấp, đặc biệt so sánh với trước khi EVFTA đi vào hiệu lực, tỷ lệ tăng trưởng thương mại chậm hơn. Năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước đạt 211,4 triệu USD, tăng 3,7% so với năm 2022.

Về xuất khẩu, Việt Nam xuất khẩu sang Bulgaria đạt 140,5 triệu USD, giảm 0,4% so năm 2022. Các mặt hàng xuất khẩu chính: Cà phê hạt, cao su thiên nhiên, gạo, hạt điều, quần áo, túi xách, giày da, giày thể thao, máy tính, điện thoại di động, linh kiện điện tử, bàn ghế văn phòng, sản phẩm nhựa dân dụng, thuốc lá nguyên liệu...

Về nhập khẩu, Việt Nam nhập khẩu từ Bulgaria đạt 70,9 triệu USD, tăng 13% so năm 2022. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu gồm: Sắt phế liệu, cao lanh, hoá chất, chế phẩm kích thích tăng trưởng cây trồng, lúa mỳ, hoa quả khô, thiết bị báo động, hạt hướng dương, dầu thực vật, rượu mạnh, rượu vang, tân được, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, vải nguyên liệu và phụ liệu.

Trong 10 tháng năm 2024, kim ngạch thương mại hàng hóa giữa ViệtNam và Bulgaria đạt khoảng 229,2 triệu USD tăng 30,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu đạt 167,25 triệu USD tăng 37,8% và nhập khẩu đạt 61,95 triệu USD tăng 13,5%. Thặng dư thương mại trong 10 tháng năm nay đạt 105,3 triệu USD.

Theo ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), thời gian qua Bộ Công Thương Việt Nam đã chỉ đạo sát sao các cơ quan thuộc Bộ thực hiện có trọng tâm, trọng điểm các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư trong lĩnh vực công thương với thị trường EU, trong đó có Bulgaria thông qua đa dạng kênh và hình thức.

Theo đó, Bộ Công Thương có Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Bulgaria, phụ trách theo dõi thị trường, tìm kiếm các cơ hội xuất - nhập khẩu, đầu tư song phương, hỗ trợ doanh nghiệp 02 nước kết nối, trao đổi thông tin, tìm kiếm đối tác... Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ thuộc Bộ Công Thương Việt Nam phụ trách theo dõi chung về mặt chính sách thương mại, thị trường EU, trong đó có Bulgaria.

Cục Xúc tiến thương mại thuộc Bộ Công Thương Việt Nam phụ trách thực hiện đa dạng các hoạt động xúc tiến thương mại như cung cấp thông tin thị trường phục vụ xúc tiến thương mại thông qua các sự kiện hội nghị, hội thảo, tổ chức tham gia các hội chợ, triển lãm, tổ chức các phái đoàn giao dịch thương mại và đầu tư, đào tạo nâng cao năng lực thực hành xúc tiến thương mại và đầu tư cho các tổ chức, doanh nghiệp...

Về phương diện hợp tác phát triển, Cục trưởng Vũ Bá Phú cho biết, với Bulgaria, Cục Xúc tiến thương mại đã ký 02 biên bản ghi nhớ hợp tác (MoU) với 02 tổ chức là Phòng Thương mại và Công nghiệp Bulgaria (BCCI) và Cục Xúc tiến doanh nghiệp vừa và nhỏ Bulgaria (Bộ Kinh tế Bulgaria).

Song để đẩy mạnh quan hệ song phương Việt Nam- Bulgaria, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thị trường, tìm kiếm đối tác, tăng cường quảng bá sản phẩm tại thị trường Bulgaria. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tận dụng tối đa lợi ích từ Hiệp định Thương mại tự do (Việt Nam - EU) EVFTA mang lại để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng thế mạnh Việt Nam vào Bulgaria. Bởi đây có thể là cửa ngõ thông qua đó hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào thị trường các nước EU khác. Ngoài ra, doanh nghiệp cần phối hợp với Bộ Công Thương, Thương vụ Việt Nam tại Bulgaria kết nối đưa hàng hóa Việt Nam vào hệ thống siêu thị tại Bulgaria vì sản phẩm được bán tại thị trường này có nhiều điểm tương đồng cũng như giá cả, chất lượng mà hàng hóa Việt Nam đáp ứng được. 

Thúc đẩy hợp tác thương mại - đầu tư cũng được lãnh đạo hai nước Việt Nam - Bulgaria khẳng định là trụ cột quan trọng trong quan hệ song phương.

Tại buổi hội đàm giữa Chủ tịch nước Lương Cường và Tổng thống Bulgaria Rumen Radev trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 24-/28/11, hai bên đã xác định mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 500 triệu USD trong thời gian tới. Hai bên sẽ nỗ lực tận dụng tốt hơn nữa các cơ hội do Hiệp định EVFTA đem lại, tích cực thúc đẩy kết nối và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và địa phương hai nước; tạo thuận lợi cho hàng hóa của hai bên tiếp cận thị trường của nhau. Hai bên cũng ủng hộ việc làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Việt Nam-EU trên cơ sở Hiệp định Đối tác và Hợp tác Việt Nam - EU, cùng với các Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU, tạo ra những cơ hội mới cho quan hệ Bulgaria - Việt Nam. Đồng thời nhất trí thúc đẩy hợp tác trên một số ngành công nghiệp và lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với xu hướng phát triển chung, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu như chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, ô tô điện trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang làm thay đổi nền tảng, cấu trúc của các nền kinh tế truyền thống để chuyển đổi sang kinh tế tri thức và đổi mới sáng tạo.


Tác giả: Ngọc Hân

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website