Trao đổi thương mại với khu vực châu Mỹ tăng trưởng, các đối tác trong khối CPTPP là một trong những điểm sáng
Trong 10 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam với các nước châu Mỹ lấy lại đà tăng trưởng mạnh, đạt 114,9 tỷ USD, tăng 22,3% so với năm 2023. Trong đó, các nước thành viên CPTPP là một trong những đối tác tiềm năng với giá trị kim ngạch tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước.
Đòn bẩy từ các FTA
Tại Hội nghị Tham tán Thương mại và Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam khu vực châu Mỹ diễn ra ngày 18/11, tại thành phố Rio de Janeiro, Brazil, ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế trong nước chịu tác động từ các biến động của nền kinh tế thế giới, song hợp tác thương mại, đầu tư với các đối tác châu Mỹ vẫn tăng trưởng tích cực nhờ “đòn bẩy” từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Cụ thể, tại khu vực châu Mỹ, Việt Nam đã ký kết 2 thỏa thuận thương mại tự do là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP (Canada, Mexico, Peru và Chile là thành viên) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Chile. Bên cạnh các FTA, Việt Nam đã ký kết một số thỏa thuận thương mại với các đối tác thuộc khu vực châu Mỹ như Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ và Hiệp định Thương mại Việt Nam - Cuba. Các FTA và những thỏa thuận hợp tác trên đã có hiệu lực và góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các đối tác khu vực châu Mỹ.
Theo đó, trong 10 tháng năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam với khu vực châu Mỹ đạt hơn 136,5 tỷ USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó xuất khẩu đạt hơn 114,9 tỷ USD, tăng 22,3%; nhập khẩu từ châu Mỹ đạt 21,6 tỷ USD, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2023. Thặng dư thương mại đạt 93,3 tỷ USD.
Về hoạt động xuất khẩu sang thị trường châu Mỹ, trong 10 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam với các nước châu Mỹ lấy lại đà tăng trưởng mạnh, đạt hơn 114,9 tỷ USD, tăng 22,3%. Hoa Kỳ, các nước thành viên CPTPP và Khối MERCOSUR tiếp tục là những đối tác nhập khẩu nhiều hàng hóa Việt Nam nhất, lần lượt đạt 98,7 tỷ USD (tăng 24,6%); 11,3 tỷ USD (tăng 15,4%) và 2,8 tỷ USD (giảm 9,3%).
Về nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ khu vực châu Mỹ trong năm 2023 đạt 23,1 tỷ USD, giảm 9,7% so với năm 2022. Các thị trường nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam là Hoa Kỳ đạt 13,8 tỷ USD (giảm 4,5%), Khối MERCOSUR đạt 7,3 tỷ USD (giảm 16,9%), các nước thành viên CPTPP đạt 1,8 tỷ USD (giảm 10,8%)...
Trong 10 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu từ châu Mỹ đạt 21,6 tỷ USD, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2023. Hoa Kỳ, Khối MERCOSUR và các nước thành viên CPTPP tiếp tục là những đối tác quan trọng với kim ngạch lần lượt đạt 12,2 tỷ USD (tăng 7,9%); 7,4 tỷ USD (tăng 20,9%) và 1,8 tỷ USD (tăng 15,3%).
Còn nhiều dư địa tại khối thị trường CPTPP
Tại hội thảo quốc tế “Hiệp định CPTPP: Tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại với các đối tác châu Mỹ” diễn ra cách đây không đâu, các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp nhận định, Châu Mỹ là thị trường rộng lớn và có sự liên kết chặt chẽ với nhau thông qua các khối thương mại tự do đan xen như Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (USMCA), Liên minh Thái Bình Dương (PA), Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR)... Tận dụng các lợi thế mà Hiệp định CPTPP mang lại, cùng với các vị trí cửa ngõ thuận lợi các nước thành viên trong khu vực là Canada, Mexico, Chile và Peru, các doanh nghiệp có thể xem xét thông qua việc xuất khẩu và đầu tư sản xuất tại các nước nêu trên để mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu sang khu vực thị trường sôi động và đầy tiềm năng này.
Hiệp định CPTPP mở ra cơ hội cho nhiều ngành hàng, đặc biệt là ngành dệt may - một trong những ngành mũi nhọn của Việt Nam. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam khẳng định, CPTPP là FTA tạo ra cơ hội lớn cho ngành dệt may Việt Nam tiếp cận các thị trường mà trước đây Việt Nam khó có thể thâm nhập sâu. Hiệp định còn tạo điều kiện để các doanh nghiệp ngành dệt may thích ứng với quy trình mua hàng của các đối tác nhập khẩu trong khối CPTPP. Đặc biệt, các yêu cầu về chứng nhận xuất xứ của CPTPP đã thúc đẩy doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, từ khâu nguyên liệu đầu vào cho đến sản xuất, tạo ra lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ trên thị trường toàn cầu.
CPTPP cũng tác động tích cực tới ngành thủy sản. Theo Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Việt Nam (VASEP) Nguyễn Hoài Nam, quy mô xuất khẩu của ngành là 10 tỷ USD thì thị trường CPTPP đạt 2 - 2,5 tỷ USD. Năm 2022, sau đại dịch Covid-19, kim ngạch xuất các ngành đều tăng, trong đó thủy sản tăng hơn 20% so với năm 2021, nhưng riêng khối CPTPP tăng 30,6%. Năm 2023, do lạm phát nên xuất khẩu sang đa số thị trường đều sụt giảm mạnh ở mức hơn 20%; nhưng khối CPTPP chỉ giảm 16,4%. Những con số này cho thấy, CPTPP là thị trường quan trọng, là trợ lực lớn của ngành thủy sản và ngành vẫn sẽ có nhiều cơ hội, dư địa vào khối thị trường này.
Tuy hàng hóa Việt Nam hiện diện nhiều hơn tại thị trường các nước CPTPP, song theo các chuyên gia, giá trị gia tăng của hàng xuất khẩu Việt Nam còn thấp, chủ yếu xuất dưới dạng thô, chưa chú trọng tới thương hiệu và chiếm thị phần khiêm tốn.
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, dự kiến trong năm 2024, ngành dệt may Việt Nam sẽ tiếp tục đạt mức kim ngạch xuất khẩu từ 43-44 tỷ USD. Tuy nhiên, để khai thác tối đa các ưu đãi về thuế quan từ CPTPP, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ, tối ưu hóa quy trình sản xuất và cung ứng, và hướng đến tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị thông qua các mô hình sản xuất dưới thương hiệu gốc (OBM) hoặc sản xuất theo thiết kế gốc (ODM). Đây được xem là những yếu tố then chốt để nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp dệt may Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên – ông Ngô Chung Khanh, doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt rõ ràng các lợi ích và cách thức tận dụng CPTPP. Khoảng cách địa lý xa xôi giữa Việt Nam và các quốc gia châu Mỹ là một rào cản lớn về chi phí vận chuyển, do đó, cần có cơ chế hợp tác chuyên sâu và kết nối chặt chẽ hơn giữa doanh nghiệp hai bên. Đồng thời, việc xây dựng các kết nối doanh nghiệp trong hệ sinh thái tận dụng FTA, mở rộng các hình thức hợp tác song phương như Việt Nam-Canada, Việt Nam-Mexico, và Việt Nam-Peru là cần thiết để thúc đẩy hợp tác hiệu quả hơn trong tương lai.
Các chuyên gia cũng cho rằng, CPTPP đã và đang mở ra nhiều cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là trong việc mở rộng xuất khẩu sang khu vực châu Mỹ. Tuy nhiên, để khai thác triệt để tiềm năng từ hiệp định này, các doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt các cơ hội, đầu tư vào công nghệ, tối ưu hóa quy trình sản xuất, và tìm kiếm cơ hội hợp tác với các đối tác trong khối CPTPP. Đồng thời, nghiên cứu để gia tăng tỷ lệ tận dụng chứng nhận xuất xứ ưu đãi trong CPTPP (C/O) thông qua những sáng kiến như xây dựng trung tâm nguyên phụ liệu trong nước; hay hướng dẫn, khuyến khích doanh nghiệp khai thác sử dụng quy tắc “xuất xứ chéo”, “xuất xứ cộng gộp” trong CPTPP đối với các sản phẩm có sử dụng nguyên phụ liệu từ các nước thành viên.